Theo đó, GS. Trần Chủng cho rằng, đối với một sai phạm về mặt kỹ thuật phải tìm nguyên nhân của lỗi kỹ thuật ấy. Từ đó quy trách nhiệm cho đơn vị liên quan. “Chúng ta cần chữa theo căn nguyên, không nên chữa theo triệu chứng”, vị GS nhận định.
Ở một số khía cạnh, GS. Trần Chủng cho rằng, nguyên nhân đến từ việc đầu tư quá dàn trải, dẫn đến việc đầu tư chậm và kém hiệu quả.
Hai là vấn đề nhà thầu trong cơ chế thị trường.“Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta thuê mướn thông qua hợp đồng và chủ đầu tư thuê nhà thầu thi công thì dứt khoát trong hợp đồng, nhà thầu thi công phải đảm bảo chất lượng như thiết kế”, GS Chủng nói.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư có thể có năng lực, nếu không có năng lực mà với khối lượng lớn như vậy thì họ phải thuê một đơn vị để giám sát xem nhà thầu có làm đúng như thiết kế không và chất lượng có đảm bảo như mong muốn không.
GS. Trần Chủng.
Vấn đề thứ ba được ông Chủng nhắc đến, là năng lực nhà thầu. Trong quy trình quản lý, phải quy định rõ người chịu trách nhiệm. Trong Luật Xây dựng đã quy định rất rõ, trong giai đoạn thi công công trình xây dựng, có thể xuất hiện khá nhiều rủi ro, nên Luật có quy định rất chặt chẽ công tác quản lý chất lượng trong giai đoạn thi công dự án.
Ông nhấn mạnh, trong cơ chế quản lý chất lượng thi công xây dựng, có 2 chủ thể quan trọng nhất. Đầu tiên đó là nhà thầu thi công, phải có biện pháp tổ chức, cung cách giám sát của mình để không phải tự kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm để bàn giao. Hai nhân vật chính trong giai đoạn quản lý chất lượng thi công đó là nhà thầu thi công xây dựng và tư vấn giám sát. Và trong biên bản nghiệm thu công việc, đặc biệt là nghiệm thu chất lượng chỉ có 2 chữ ký, chính là đại diện cho nhà thầu, thứ hai là tư vấn giám sát.
“Như vậy trong giai đoạn thi công mà xuất hiện sự cố, sai sót về chất lượng thì trách nhiệm chính thuộc về nhà thầu, trách nhiệm thứ hai là tư vấn giám sát. Đương nhiên tư vấn giám sát là do chủ đầu tư, của chủ đầu tư thuê, nếu như thuê tư vấn giám sát không chất lượng thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm”, GS. Trần Chủng cho biết.
Từ sự việc cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, GS. Trần Chủng liên hệ đến câu chuyện đấu giá trong việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông hiện nay.
Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng.
GS. Trần Chủng cho rằng, ở Việt Nam rất coi trọng giá, bởi giá bỏ thầu chính là thông số có giá trị định lượng cụ thể nhất, còn năng lực chỉ nói một phần. Do đó xảy ra tình trạng rất nhiều năm chúng ta đã say sưa với đấu thầu theo một cách đó là đấu giá, nghĩa là giá ông nào thấp nhất sẽ thắng, đây là một cách làm không đúng.
“Tôi chọn nhà kỹ thuật có thể làm ra sản phẩm được 10 điểm thậm chí là 9/10, thế nhưng giá của họ sẽ cao, trong đó một đơn vị năng lực chỉ có 6 điểm thì đương nhiên giá sẽ thấp. Như vậy mình chọn giá thấp thì đương nhiên chất lượng sẽ thấp, việc này chủ yếu rơi vào các dự án đầu tư công. Bởi đương nhiên các dự án đầu tư công đều bị kiểm soát bởi rất nhiều các thể chế khác”, ông Chủng phân tích.
Tương tự, khi chọn giá cao hơn thì các đơn vị khác lại đến thanh tra, kiểm tra tại sao giá thấp lại không chọn. “Những vấn đề đó, tôi cho rằng phải cải cách quyết liệt”, ông Chủng đề nghị, đồng thời mong muốn có cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, để nhà tầu tư yên tâm đầu tư các các dự án.