Dù tạm thoát khỏi tình trạng thiếu nước sinh hoạt, Đà Nẵng vẫn xin Quảng Nam cho đắp đập tạm để tăng nước về hạ du đẩy mặn.
Ngày 20/11, UBND TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị tỉnh Quảng Nam cho đắp đập ngăn tạm bằng bao cát trên đỉnh đập Quảng Huế (Quảng Nam) từ nay đến hết năm 2018.
Mục đích nhằm giảm lượng nước về sông Quảng Huế, tăng nước về sông Vu Gia cấp cho huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bản (Quảng Nam) và nhà máy nước Cầu Đỏ, trạm bơm phòng mặn An Trạch của Đà Nẵng.
Năm 2013, tỉnh Quảng Nam cho đắp đập tại sông Quảng Huế để đưa nước sông Vu Gia chảy thẳng về sông Ái Nghĩa và sông Yên phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho Đà Nẵng. Tuy nhiên dòng nước sau đó lại chủ yếu chảy về sông Thu Bồn.
Tại văn bản lần này, chính quyền Đà Nẵng cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam phối hợp nghiên cứu toàn diện để có giải pháp điều chỉnh tại đập Quảng Huế theo hướng ‘khôi phục lại trạng thái tự nhiên trước đây, phục vụ việc đẩy mặn, cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp’.
Nhà máy nước Cầu Đỏ. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trước đó đầu tháng 11, hàng triệu người dân Đà Nẵng bị thiếu nước sinh hoạt trong nhiều ngày. Nguyên nhân do nước tại Cầu Đỏ (nơi đặt nhà máy sản xuất trên 70% nước sinh hoạt cho toàn thành phố) bị nhiễm mặn, hệ thống bơm phòng mặn gần đó cũng không đủ công suất phục vụ nhu cầu người dân.
Gần đây, trời mưa nên Đà Nẵng tạm thời khắc phục được việc thiếu nước. Nhưng theo dự báo của Tổng cục Thủy văn (Bộ Tài nguyên Môi trường), nguy cơ hạn hán trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn đang ở mức lo ngại. Trong hai tháng 9-10, tổng lượng mưa thấp hơn 30-70% trung bình nhiều năm. Lượng nước mùa lũ năm nay cũng thiếu hụt 70-80% so với trung bình nhiều năm.
Nguồn:tintuc.vn