Việc bắt giữ Mạnh Vãn Châu, lãnh đạo của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, đã gây sốc cho thị trường tài chính thế giới và trở thành cuộc khủng hoảng ngoại giao toàn diện.
Việc tẩy chay các sản phẩm Apple và áo khoác lông ngỗng Canada đã lan rộng khắp Trung Quốc. Đặc biệt, một học giả và cựu cán bộ ngoại giao của Canada dường như đã bị giam giữ tại Bắc Kinh vì những cáo buộc mập mờ về việc gây nguy hiểm cho an ninh nhà nước Trung Quốc.
Trong khi Trung Quốc lớn tiếng cho rằng bà Mạnh không được đối xử công bằng và bị từ chối các quyền pháp lý cơ bản, sự im lặng hoàn toàn của Bộ Tư pháp Mỹ khiến Chính phủ nước này thêm khó khăn khi phản bác những yêu cầu và tuyên bố cực đoan từ Chính phủ Trung Quốc.
Tuyên bố gần đây của Tổng thống Trump rằng ông sẽ xem xét can thiệp quá trình tố tụng vì lý do thương mại hay an ninh quốc gia chỉ khiến thông điệp của Chính phủ Mỹ về vụ việc thêm rối loạn.
Trong bài viết đăng trên Lawfare, Julian Ku, giáo sư Luật Hiến pháp của Trường luật Maurice A. Deane thuộc Đại học Hofstra, Mỹ, đã làm rõ cơ sở pháp lý cho việc giam giữ và truy tố bà Mạnh cũng như bác bỏ các cáo buộc được cho là vô lý của chính phủ và truyền thông Trung Quốc.
Khả năng buộc tội vì gian lận ngân hàng
Một số nhà bình luận Mỹ cho rằng việc giam giữ bà Mạnh là bất hợp pháp vì cả bà Mạnh và Huawei đều không phải tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran do nằm ngoài lãnh thổ Mỹ. Theo Giáo sư Ku, đây là lập luận sai lầm.
Trước hết, theo lời khai trong phiên điều trần trước tòa của bà Mạnh ở Vancouver, bà Mạnh bị buộc tội gian lận ngân hàng, thay vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Có khả năng bà Mạnh sẽ bị Mỹ buộc tội vì vi phạm quy định về gian lận ngân hàng theo điều 1344, tiêu mục 8, Bộ luật Mỹ, trong đó hình sự hóa bất kỳ nỗ lực nào “để lừa đảo tổ chức tài chính”, hoặc lấy tiền từ một “tổ chức tài chính bằng các biện pháp giả mạo hoặc lừa đảo, đại diện hoặc hứa hẹn”.
Theo các thông tin về bản khai của Mỹ, bà Mạnh đã đích thân trình bày trước HSBC rằng Huawei không kinh doanh ở Iran thông qua một công ty Hong Kong có tên Skycom Tech, do đó không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong trường hợp bà Mạnh cố tình đánh lừa HSBC để nhận được lợi ích hoặc hỗ trợ tài chính, hành vi vi phạm này có thể bị phạt tù 30 năm hoặc bị phạt 1 triệu USD.
Nếu các cáo buộc là đúng thì bà Mạnh thực sự đã khiến HSBC chịu hậu quả nghiêm trọng. Là tổ chức tài chính hoạt động tại Mỹ, ngân hàng này hoàn toàn chịu trách nhiệm thực thi mọi lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Năm 2012, HSBC từng đồng ý giải quyết các cáo buộc khác nhau tại tòa án Mỹ, bao gồm vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, với số tiền hơn 1,2 tỷ USD.
Việc áp dụng đạo luật gian lận ngân hàng ngoài lãnh thổ Mỹ đã được ghi nhận từ lâu. Đạo luật này quy định “ngay cả khi hành vi cấu thành tội phạm xảy ra bên ngoài nước Mỹ, một khi người phạm tội có mặt trong nước, người này có thể trở thành đối tượng bị truy tố liên bang”.
Quá trình xem xét cẩn trọng của Mỹ, Canada
Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng ngôn từ rất gay gắt để lên án việc Canada giam giữ bà Mạnh. Sau khi triệu tập đại sứ Canada, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi việc giam giữ là “vô lý, vô lương tâm và hèn hạ”.
Một tờ báo hàng đầu Trung Quốc đã phát triển luận điểm này trong bài xã luận. “Bắt giữ ai đó mà không đưa ra lý do rõ ràng là sự vi phạm không thể chối cãi đối với quyền con người của người đó. Mặc dù chưa có phiên tòa xét xử và định tội nhưng phía Canada đã đi ngược lại tinh thần của luật pháp khi suy đoán có tội và bắt người ta tra tay vào còng”.
“Đối xử với công dân Trung Quốc như tên tội phạm nghiêm trọng, chà đạp thô bạo nhân quyền cơ bản của họ và làm mất phẩm giá của họ, đây là phương pháp của quốc gia văn minh hay sao?”, bài báo viết.
Giáo sư Ku cho rằng những lập luận này là không có cơ sở. Bà Mạnh bị giam giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ dựa trên hiệp ước dẫn độ Mỹ – Canada. Theo báo cáo, bà Mạnh đã bị một bồi thẩm đoàn ở Mỹ truy tố tại Brooklyn vào tháng 8/2018 và lệnh bắt giữ đã được ban hành.
Sau đó, Mỹ đã gửi yêu cầu chính thức tới Bộ Ngoại giao và Thương mại Canada. Cuối cùng, yêu cầu được gửi đến Bộ Tư pháp và tiếp đến là chính quyền địa phương ở Vancouver.
Tại Canada, trước tiên, bộ trưởng tư pháp phải tiến hành đánh giá để xác định liệu bị cáo có thể bị dẫn độ theo luật Canada và Hiệp ước dẫn độ Mỹ – Canada hay không. Tiếp đến, một thẩm phán ở Vancouver sẽ xem xét yêu cầu của Mỹ và các khoản phí cụ thể cũng như bằng chứng hỗ trợ do Mỹ cung cấp.
Vụ bắt giữ bà Mạnh là kết quả cuộc điều tra lâu dài trước đó cùng sự xem xét của cả cơ quan hành pháp và tư pháp, không phải là một lệnh trừng phạt vào phút chót.
Chỉ trích vô lý của Trung Quốc
Ngay cả những khiếu nại của Trung Quốc về việc thiếu thông tin công khai về các cáo buộc cũng là sai lầm. Lý do duy nhất khiến các cáo buộc không được công khai tại thời điểm bắt giam là theo yêu cầu của bà Mạnh về lệnh cấm công bố đối với vụ việc của bà.
Truyền thông Trung Quốc cũng tuyên bố bà Mạnh bị còng tay và cùm chân trước phiên xử. Thực tế, không có bằng chứng hình ảnh nào cho thấy bà Mạnh bị cùm. Nếu có thì điều này cũng không có gì sai trái. Cả cảnh sát Canada và Trung Quốc đều thường xuyên sử dụng còng tay khi bắt giữ đối tượng trước khi xét xử hoặc kết án.
“Tóm lại, không có gì bất thường hay bất công đối với bà Mạnh trong quy trình này”, Giáo sư Ku kết luận. Bà được tiếp cận luật sư ngay từ khi bị giam giữ và sẽ có cơ hội phản kháng việc dẫn độ trước một thẩm phán Canada trung lập, người độc lập với công tố viên.
Nếu bị dẫn độ, bà sẽ được viện dẫn tất cả các quyền liên quan theo Hiến pháp Mỹ và được hoàn toàn tự bào chữa trước một thẩm phán độc lập của Mỹ (hoặc thậm chí là bồi thẩm đoàn nếu bà muốn). Hơn nữa, Chính phủ Mỹ sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn pháp lý cao nhất có thể, vượt qua căn cứ thông thường, để kết án bà.
Từ những lý do trên, Julian Ku nhận xét những lời chỉ trích của Chính phủ Trung Quốc là “vô lý”, “vô liêm sỉ” và “giả nhân giả nghĩa”. Theo Giáo sư Ku, Chính phủ Trung Quốc thường xuyên tìm cách dẫn độ từ quốc gia khác, trong đó những người bị bắt bị còng tay và trùm đầu trước khi xét xử.
Ở trong nước, Trung Quốc thường giam giữ các cá nhân trong nhiều tháng mà không tiết lộ bất kỳ cáo buộc nào hoặc cho phép những người bị giam giữ liên lạc với gia đình, luật sư hoặc lãnh sự quán (nếu họ là công dân nước ngoài).
Julian Ku cho rằng đây có thể cũng là cách Trung Quốc đối xử với trường hợp của cựu cán bộ ngoại giao Canada Michael Kovrig, “một sự trả thù rõ ràng” cho vụ bắt giữ bà Mạnh.
“Thật khó để coi trọng những chỉ trích cay độc của Trung Quốc về hệ thống tư pháp Canada một cách nghiêm túc”, Julian Ku kết luận.
Nguồn:baomoi.com