Thành công của tuyển bóng đá ở AFF Cup là chất xúc tác quan trọng giúp cộng đồng quốc tế biết nhiều hơn đến Việt Nam, thúc đẩy du lịch, đầu tư.
Nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia… đã có những chiến dịch quảng bá thương hiệu đất nước rất thành công với nhiều kênh khác nhau, kéo theo ngành du lịch phát triển, thì với Việt Nam, chiến thắng tại AFF Cup của tuyển quốc gia, hay việc H’Hen Nie nằm trong top 5 Hoa hậu Hoàn vũ là cơ hội lớn. Đó là nhận định chung của giới chuyên gia.
Tạp chí Forbes cho hay Việt Nam chi 2 triệu USD một năm cho việc quảng bá du lịch trên thị trường quốc tế. Khoản ngân sách 2 triệu USD/năm của Việt Nam dành cho việc xúc tiến du lịch trên thị trường quốc tế chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí mà Malaysia đã bỏ ra trong việc tiếp thị du lịch quốc gia.
Nhìn vào con số này, Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các nước láng giềng chịu đầu tư để đưa hình ảnh quốc gia họ tới gần hơn với du khách quốc tế.
Thế nhưng, sự thành công của tuyển bóng đá Việt Nam đang mang đến cơ hội vàng khi hình ảnh cầu thủ, người hâm mộ Việt Nam được xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông thế giới. Nói cách khác, thương hiệu Việt Nam đang được quảng bá miễn phí ở nhiều kênh.
Ngay sau trận tứ kết gặp U23 Iraq, bất ngờ lọt vào bán kết, hầu hết tờ báo châu Á đều đưa tin về U23 Việt Nam với những mỹ từ đẹp đẽ nhất, đồng thời đánh giá đây là một trong những bất ngờ lớn nhất lịch sử giải đấu. Nhiều hãng truyền thông hàng đầu thế giới như Fox Sport Asia, The Straits Times, ESPN, Goal, Forbes, Xinhua, Nikkei… đã đưa tin về các cậu bé U23 Việt Nam với mật độ dày đặc.
Các tờ báo, kênh truyền hình không chỉ đăng tải sự thành công của đội tuyển mà còn sự cuồng nhiệt của người hâm mộ Việt Nam, xuống đường văn mừng thành công của đội nhà.
Nhiều người ví von Việt Nam không cần mất tiền mà “hữu xạ tự nhiên hương”, hình ảnh bóng đá Việt Nam, đất nước con người liên tiếp xuất hiện trên các kênh truyền hình, tờ báo có lượng ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới.
Đến ASIAD và AFF Cup 2018, hình ảnh của Việt Nam lại tiếp tục được nói đến. Sự thành công của bóng đá Việt Nam ở châu lục còn kéo theo sự cổ vũ của các nước Đông Nam Á khác.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, có tờ báo còn “chạnh lòng” khi đất nước 1,3 tỷ dân không có được sự thành công như bóng đá Việt Nam. Mạng xã hội Trung Quốc còn mổ xẻ sự thành công của Việt Nam và chỉ trích cách làm bóng đá của nước họ.
Tại Hàn Quốc, quê hương của HLV Park Hang-seo, sự quan tâm của công chúng tới Việt Nam cũng tăng đột biến. HLV Park được trao giải người có ảnh hưởng nhất năm trong lĩnh vực truyền hình.
Trong trận chung kết AFF Cup lượt về giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia được phát sóng trên đài SBS mang về con số rating kỷ lục trung bình là 18,1%, có thời điểm lên tới 25,3%. Trước đó, đài này cử hẳn phóng viên sang Việt Nam tác nghiệp nhân sự kiện, bởi sự quan tâm quá lớn của công chúng Hàn Quốc.
Mới nhất, trong cuộc thi sắc đẹp lớn thứ 2 toàn cầu là Miss Universe, H’Hen Nie đã xuất sắc lọt vào top 5. Trước đó, cô được nhiều trang báo lớn về sắc đẹp trên toàn thế giới dự đoán đạt giải cao, ấn tượng về các phần thi trước đó.
Chuyên gia về thương hiệu, marketing Phạm Vũ Tùng nhận định sự thành công của bóng đá và cả hoa hậu đang giúp nhiều người trong khu vực và châu lục biết đến Việt Nam hơn. Ông nhấn mạnh nếu tận dụng tốt, bóng đá Việt Nam có thể là một kênh quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới.
Nhiều năm qua, Việt Nam vẫn loay hoay với công tác quảng bá hình ảnh, đặc biệt là trong phát triển du lịch.
Vào một buổi sáng mùa đông, tháng 11/2010, GS Michael E.Porter đã công bố một báo cáo về năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Báo cáo được xây dựng sau sự “đặt hàng” của Chính phủ.
Sau 2 năm nghiên cứu, ông chỉ ra rằng Việt Nam cần phải tạo ra bước nhảy vọt bằng một số ít những ngành có ưu thế, có khả năng cạnh tranh, thay vì phát triển không có trọng tâm. Trong đó, du lịch là một trong lĩnh vực được ông chỉ ra là Việt Nam có thể mạnh và cần được coi là trọng phát triển. Năm đó, Việt Nam chỉ đón trên 5 triệu lượt du khách quốc tế.
8 năm sau, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 3 lần lên 15 triệu lượt. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ gia tăng khách du lịch nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, 15 triệu lượt vẫn là con số rất khiêm tốn so với Thái Lan (37 triệu lượt).
Du lịch Việt Nam vẫn loay hoay với việc quảng bá hình ảnh ra thế giới. Ảnh: Thành Chung.
Trong một diễn đàn du lịch được tổ chức vào đầu tháng 12 tại Hà Nội, ông John Lindquist, Cố vấn cấp cao Boston Consulting Group, thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh, thẳng thắn chỉ ra điểm yếu trong việc quảng hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Ông Lindquist nhấn mạnh Việt Nam muốn thu hút được nhiều khách du lịch, nhà đầu tư, được nhiều người trên thế giới biết đến thì cần coi trọng công tác quảng bá hình ảnh ra đất nước.
Vị này dẫn theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về hiệu quả quảng bá cho du lịch. Chỉ số này thấp hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực, đứng sau cả Lào (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 73).
“Trong các chỉ số đánh giá về du lịch thì đây là một trong những chỉ số Việt Nam có thứ hạng thấp nhất’, ông Lindquist nói.
Ông Lindquist nêu ra ví dụ nhiều người Mỹ vẫn chỉ biết Việt Nam và phương Tây thông qua chiến tranh. Trong mắt họ, những hiểu biết về Việt Nam là không nhiều, hầu hết chỉ thông qua cuộc chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm. Đó là hạn chế lớn trong khu vực khi Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Indonesia đều là những nước rất giỏi trong quảng bá du lịch.
Năm 2016, UBND TP. Hà Nội từng chi 1 triệu USD/năm để quảng bá trên kênh truyền hình Mỹ CNN. Gần đây, nhiều người cũng thấy các tài khoản của Tổng cục Du lịch trên Facebook, Twitter, Instagram… để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Sự hiệu quả của sự quáng bá đó vẫn cần đánh giá thêm, nhưng có một sự thật rằng hai tiếng Việt Nam đang được nhắc đến ngày càng nhiều nhờ sự thành công của bóng đá.
Chuyên gia Phạm Vũ Tùng đưa ra mô hình AIDA trong Marketing. AIDA là viết tắt của 4 chữ awareness (sự nhận biết), interest (thích thú), demand (nhu cầu), action (hành động), cũng là quy trình mua hàng trong Marketing. Ông phân tích rằng để có nhu cầu và hành động đến Việt Nam, trước hết người nước ngoài phải biết đến, do đó công tác quảng bá rất quan trọng.
Theo đó sự lan truyền thông tin về bóng đá Việt Nam ra bên ngoài là một kênh quan trọng, giúp nhiều người biết đến Việt Nam hơn.
“Sự thành công của bóng đá là một kênh để thế giới có thể biết đến chúng ta, mức nhận biết đó đã tăng lên dù ít hay nhiều, đều là rất tốt. Tuy nhiên nó mới dừng lại là sự nhận biết, còn chuyển thành nhu cầu đến Việt Nam thì đòi hỏi chúng ta phải tận dụng và hành động nhiều hơn”, ông nói.
Đồng tình với điều này, ông Trần Bằng Việt, chuyên gia chiến lược doanh nghiệp, CEO Dong A Solutions, cho rằng thông qua bóng đá, việc người dân trong khu vực và châu lục đã biết thêm về Việt Nam. Hình ảnh đội tuyển, sự cuồng nhiệt của người hâm mộ, quốc kỳ của Việt Nam… đã phần nào quen thuộc hơn với những người yêu bóng đá.
Chuyên gia cho rằng bóng đá là chất xúc tác để cộng đồng quốc tế biết đến Việt Nam, do đó cần phải tận dụng ‘chất xúc tác này’ hiệu quả. Ảnh: Fox Sport Asia.
Ông cũng lưu ý việc chuyển đổi từ nhận biết về Việt Nam đến hành động đến Việt Nam du lịch là điều hoàn toàn khác, phụ thuộc chúng ta có sản phẩm phù hợp cho họ hay không.
“Những sự kiện như thế này chỉ trôi qua rất nhanh, chỉ khoảng 1-2 tháng thôi. Do đó, ngành du lịch cần tận dụng một cách nhanh chóng. Ngành du lịch phải trả lời câu hỏi: liệu có sản phẩm phù hợp để họ chuyển từ nhận biết thành nhu cầu hay không”, ông nói.
Ông Việt cũng đánh giá đối tượng khách Hàn Quốc sẽ là rất tiềm năng sau thành công của HLV Park Hang-seo tại Việt Nam. Tuy nhiên, hạ tầng du lịch, sản phẩm của Việt Nam còn hạn chế, khách Hàn Quốc vẫn phải chịu nhiều vấn đề khó khăn về visa. Ngành du lịch, vì thế, cần khắc phục để nắm lấy cơ hội.
Đồng tình, chuyên gia Phạm Vũ Tùng cảnh báo sau giai đoạn biết đến, nhiều “khách hàng tiềm năng” sẽ đến giai đoạn tìm hiểu về Việt Nam. Khi tìm hiểu, họ sẽ biết đến các sản phẩm du lịch, địa danh, lịch sử, văn hóa Việt Nam… Đó có thể là cơ hội để Việt Nam thu hút khách du lịch. Nhưng cũng là thách thức nếu họ thấy những vấn đề còn tồn tại của ngành du lịch, có thể cản trở sự gia tăng du khách.
‘Bóng đá là chất xúc tác tốt để du khách tìm hiểu. Nhưng để chất xúc tác này có ý nghĩa thì sẽ cần nhiều lĩnh vực cùng chung tay. Không có chuyện vì bóng đá mà du khách thế giới ùn ùn đổ về”, ông nói.