Nền kinh tế của Trung Quốc đang trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” dù Washington và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận 90 ngày đình chiến.
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) ngày 2/1 trích dẫn số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của nước này trong tháng 12/2018 giảm còn 49,4. Con số này không chênh lệch nhiều so với chỉ số PMI của Caixin là 49,7.
PMI dưới 50 cho thấy nền kinh tế của Trung Quốc đang co lại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa họ và Mỹ vẫn chưa hề kết thúc, mà chỉ đang trong giai đoạn đình chiến.
Như vậy, đây là lần đầu tiên PMI của Trung Quốc giảm xuống dưới mức 50,0 kể từ tháng 5/2017, và cũng là lần đầu tiên nền kinh tế của nước này có dấu hiệu co lại kể từ tháng 7/2016.
Cụ thể, trong tháng 12/2018, số lượng đơn hàng mới của Trung Quốc lần đầu tiên giảm mạnh trong vòng 2,5 năm dù có nhiều ưu đãi về giá thành. Đặc biệt, số lượng đơn hàng xuất khẩu mới của Trung Quốc đã liên tục giảm trong vòng 9 tháng cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, tuy hoạt động sản xuất có dấu hiệu phục hồi sau 2 tháng đình trệ, nhưng các nhà máy vẫn tiếp tục cắt giảm việc làm – tình trạng này đã kéo dài trong 62 tháng liên tiếp.
Thực tế, theo Reuters, chỉ số PMI của kinh tế Trung Quốc trong tháng 11/2018 đã ngấp nghé mức báo động với con số 50,1. Như vậy, những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế suy yếu đã xuất hiện từ trước khi con số này giảm xuống dưới 50.
Nhận định về con số trên, bà Serena Zhou, một nhà kinh tế học của công ty Mizuho Securities, Hong Kong, cho rằng tình hình còn có thể xấu hơn trong thời gian tới, đồng thời khẳng định “kịch bản tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước”.
“Những con số này sẽ còn tiếp tục giảm xuống trong những tháng tới. Sự tín nhiệm vào thị trường [Trung Quốc] đã suy giảm kể từ khi cuộc thương chiến giữa hai nước Mỹ-Trung nổ ra, và đến nay vẫn chưa thể phục hồi như cũ”, bà Zhou nói.
Những rạn nứt khó lành từ cuộc thương chiến với Mỹ
Tháng trước, tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố chuyển đổi trọng tâm sang mục tiêu ổn định kinh tế trong năm 2019, với mục tiêu củng cố thị trường nội địa trước những bất ổn trên thị trường thế giới.
Cũng tại hội nghị này, ban lãnh đạo Trung Quốc cũng đã cam kết sẽ nỗ lực ổn định kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư, việc làm cho người dân và những kì vọng của thị trường.
Ông Ding Shuang, một nhà kinh tế học tại Ngân hàng Standard Chartered, nhận định giới chức Bắc Kinh sẽ phải đối diện với thử thách lớn vào cuối quý I năm nay, khi các số liệu cho thấy nền kinh tế nước này tiếp tục suy yếu.
Hiện tại, Trung Quốc và Mỹ đang trong giai đoạn 90 ngày đình chiến tạm thời, và thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào ngày 1/3 tới. Sau thời hạn này, 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục bị đe dọa tăng mức thuế từ 10% lên 25%, theo tuyên bố ban đầu của ông Trump.
Mặc dù Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt với những thiệt hại từ cuộc chiến thương mại, trong đó bao gồm việc nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, tuy nhiên hiện nay những thiệt hại từ cuộc chiến này không chỉ giới hạn trong vấn đề trao đổi thương mại nữa, mà nó còn ảnh hưởng tới các nhà sản xuất trong nước và nhu cầu về hàng hóa của các nước khác, theo ông Ding.
Chuyên gia này còn cảnh báo rằng “các biện pháp đối phó của chính phủ Trung Quốc hiện nay vẫn chưa thể giải quyết những ảnh hưởng [của cuộc thương chiến]”, và cho rằng họ sẽ cần thêm thời gian.
theo Thời đại