Dubai đang lên kế hoạch cho một biến đổi khác: trở thành chính phủ đầu tiên trên thế giới vận hành bằng blockchain.
Tiểu vương quốc A rập thống nhất muốn mọi đơn xin visa, thanh toán hoá đơn và đổi bằng lái xe, hiện chiếm khối lượng giấy tờ khổng lồ với hơn 100 triệu văn bản mỗi năm cần xử lý, sẽ được giao dịch điện tử dựa trên nền tảng blockchain.
Vốn được mệnh danh là “thành phố của tương lai”, Dubai đã vạch ra nhiều kế hoạch như robot làm cảnh sát, taxi bay trên không hay xe tự lái trên đường phố trong những năm tới. Mới đây, thành phố thậm chí còn bổ nhiệm một bộ trưởng chuyên trách về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Smart Dubai là đơn vị tổ chức hội thảo để chính phủ và các tổ chức tư nhân cùng thảo luận nhằm xác định xem những dịch vụ nào có thể phát triển nhất nhờ vào việc ứng dụng blockchain – chiến lược có thể giúp tiết kiệm 25,1 giờ công, tương đương 1,5 tỉ đô la Mỹ mỗi năm cho Tiểu vương quốc A rập thống nhất. Năng suất trong nhiều lĩnh vực sẽ tăng lên nhờ dịch chuyển sang một chính phủ không giấy in.
Do blockchain có khả năng cung cấp những bộ hồ sơ dữ liệu không thể làm giả, nên bất động sản trở thành lĩnh vực không thể cưỡng lại trước sự đột phá của công nghệ này.
Nhằm chuyển đổi cách thức mà mọi người đang mua, bán và cho thuê bất động sản trở nên hợp lý hơn, tháng 10 vừa qua cơ quan chính phủ phụ trách giám sát hoạt động mua bán và phê duyệt các giao dịch bất động sản Dubai (DLD) đã cho ra mắt hệ thống vận hành bằng blockchain, giúp bảo đảm an toàn cho các giao dịch tài chính, ghi lại tất cả các hợp đồng bất động sản dưới dạng điện tử và đồng thời kết nối chủ nhà với người thuê nhà, cũng như bên thu các loại hoá đơn liên quan như điện, nước và viễn thông.
“Mục tiêu của chúng tôi là tập hợp tất cả các dịch vụ bất động sản và cơ quan liên quan trên cùng một nền tảng (platform) duy nhất,” Sultan Butti bin Mejren, giám đốc điều hành DLD cho biết trong một thông cáo báo chí. “Sáng kiến này vẫn đang ở giai đoạn thai nghén. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều đối tác cùng tham gia vào công nghệ blockchain nhằm cải thiện dịch vụ khách hàng trong các lĩnh vực bao gồm ngân hàng, vay thế chấp, tiện ích và hoạt động bảo trì.”
Gây dựng lòng tin của các nhà đầu tư toàn cầu
Ứng dụng blockchain trong bất động sản là điều đáng kể đối với một thành phố đứng thứ tư trên thế giới (về giá trị nhận đầu tư từ những cá nhân giàu có) như Dubai, theo báo cáo thường niên Wealth Report 2017 của Knight Frank. Theo DLD, công nghệ với khả năng ngăn ngừa lừa đảo và minh bạch hoá có thể tác động tới hàng nghìn nhà đầu tư toàn cầu tại Dubai mỗi năm, bằng cách nâng cao niềm tin của họ.
Ngành bất động sản tại Tiểu vương quốc A rập thống nhất này được dự báo sẽ tạo ra bước nhảy vọt trong năm 2018 nhờ chấp nhận công nghệ blockchain, khởi công hàng loạt siêu dự án và nhu cầu căn hộ mới gia tăng trước thềm triển lãm World Expo 2020 (nơi các quốc gia và công ty đến từ khắp nơi trên thế giới giới thiệu những thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất). Đầu năm 2017, nhiều căn hộ đang xây dựng ở Dubai đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bitcoin.
Tuy nhiên, áp dụng blockchain trong bất động sản hiện mới chỉ là bước đi đầu tiên. Tháng 10 năm ngoái, Dubai từng phát hành đồng tiền mã hoá dựa trên nền tảng blockchain của riêng mình, có tên gọi là “emCash”. Đồng tiền mã hoá này có thể được mọi người sử dụng để thanh toán các dịch vụ công lẫn tư nhân.
“Một đồng tiền điện tử có nhiều lợi ích như xử lý nhanh hơn, cải thiện thời gian chuyển giao, ít phức tạp hơn và chi phí thấp hơn,”, Ali Ibrahim, Phó tổng giám đốc cơ quan điều hành kinh tế Dubai nhận định trong một thông cáo báo chí. “Nó sẽ làm cải thiện thuận lợi trong kinh doanh và chất lượng cuộc sống ở Dubai.”
Vai trò của startup và các hãng công nghệ khổng lồ
Tuy vậy, chiến lược blockchain của Dubai gặp nhiều thách thức do thiếu hụt vả về mặt kĩ thuật lẫn cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho mọi hoạt động của công nghệ này. Để khắc phục những trở ngại trên, thành phố sẽ có một platform chia sẻ, được gọi là “Blockchain as a Service”, để hỗ trợ các cơ quan chính phủ Dubai sử dụng blockchain trong nhiều dự án khác nhau.
Thêm nữa, ArabianChain, một công ty startup tại Dubai, đang giúp đưa công việc giấy tờ liên chính phủ lên blockchain. Còn Dubai Future Accelerators là một chương trình kết nối công nghệ cũng như các hoạt động kinh doanh tốt với các đối tác trong Tiểu vương quốc A rập thống nhất nhằm cùng nhau tạo ra các giải pháp đột phá. Chương trình này đã quy tụ được một vài startup về blockhain như CrossVerify, Loyyal, Luther Systems, Otonomos và RSK Labs để nhanh chóng triển khai công nghệ blockchain trên khắp Dubai.
Đầu năm 2017, chính quyền Dubai đã hợp tác cùng ObjectTech, một startup đến từ Anh, để mang hệ thống an ninh ứng dụng nền tảng blockchain đến với sân bay quốc tế Dubai và phát triển hộ chiếu điện tử nhằm loại bỏ công tác kiểm tra hộ chiếu thủ công. Hải quan và Bộ thương mại Dubai đang hợp tác với IBM để thử nghiệm blockchain trong hoạt động tài trợ thương mại (trade finance).
Những hãng công nghệ khổng lồ như Microsoft, SAP và Cisco đều là thành viên trong Hội đồng blockchain toàn cầu (Global Blockchain Council), tổ chức quy tụ 32 cơ quan chính phủ và công ty tư nhân toàn cầu được thành lập năm 2016, cũng đang làm các công việc của mình nhằm đưa blockchain vào ứng dụng cụ thể ở Dubai.
“Hội đồng blockchain toàn cầu có vai trò đảm bảo Dubai luôn dẫn đầu, đồng thời cung cấp ý tưởng và hướng dẫn để blockchain có thể giúp cho các bên tham gia trên thị trường đều được hưởng lợi và qua đó đóng góp cho nền kinh tế Dubai,” Ahmed Bin Sulayem, Chủ tịch cơ quan quản lý hàng hoá của Dubai cho biết.
Đầu tháng 12.2017, ngân hàng trung ương của Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất tuyên bố đang hợp tác cùng cơ quan quản lý tiền tệ của Vương quốc A rập Saudi trong dự án sử dụng công nghệ blockchain để phát hành một loại tiền điện tử được chấp nhận thanh toán ở cả hai quốc gia này.
Khi chính phủ, doanh nghiệp startup và các hãng công nghệ khổng lồ cùng hành động, thì kế hoạch về blockchain đầy tham vọng của Dubai, dù mới đang ở giai đoạn đầu, có thể sẽ cho thành quả sớm hơn dự kiến.
Theo: Forbes Magazine