Một nhóm nhà lập pháp Mỹ ngày 16-1 đã trình dự luật cấm bán chip hoặc các linh kiện khác của Mỹ cho Huawei, ZTE hoặc các công ty viễn thông khác của Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt hoặc luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, dự luật được đưa ra ngay trước khi báo The Wall Street Journal đưa tin các công tố viên liên bang đang điều tra những cáo buộc Huawei đã đánh cắp các bí mật thương mại từ T-Mobile. và các doanh nghiệp khác của Mỹ.
Tờ báo nói rằng một bản cáo trạng có thể sẽ sớm được đưa ra với cáo buộc Huawei đã đánh cắp công nghệ T-Mobile, được gọi là Tappy, vốn bắt chước các ngón tay người và được dùng để thử nghiệm smartphone.
Phát ngôn viên của Huawei, ông Chase Skinner cho biết công ty “sẽ không bình luận về những bản tin như vậy trên báo chí”.
Dự luật trên là động thái mới nhất trong một danh sách dài các hành động được thực hiện để chống lại điều mà một số quan chức trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump gọi là trò gian lận của Trung Quốc thông qua hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, trợ cấp bất hợp pháp cho các doanh nghiệp và các quy định cản trở các tập đoàn của Mỹ muốn bán hàng hóa của họ ở Trung Quốc.
Vào tháng 11-2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố một sáng kiến điều tra các hoạt động thương mại của Trung Quốc nhằm mục đích đưa ra ánh sáng những vụ đánh cắp bí mật thương mại.
Vào thời điểm đó, Mỹ đã công bố một bản cáo trạng chống lại hãng sản xuất chip Trung Quốc Fujian Jinhua Integrated Circuit vì đã đánh cắp các bí mật thương mại từ công ty bán dẫn Micron Technology của Mỹ liên quan đến việc nghiên cứu và phát triển các thiết bị lưu trữ bộ nhớ.
Dù thẳng thừng bác bỏ mọi hành vi sai trái, Fujian Jinhua đã bị liệt vào danh sách các thực thể không thể mua hàng hóa từ các công ty Mỹ.
Tại Đồi Capitol, Thượng nghị sĩ Tom Cotton và Hạ nghị sĩ Mike Gallagher, đều thuộc đảng Cộng hòa, cùng Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen và Hạ nghị sĩ Ruben Gallego bên đảng Dân chủ đã trình các dự luật yêu cầu tổng thống cấm xuất khẩu linh kiện của Mỹ cho bất kỳ công ty viễn thông Trung Quốc nào vi phạm lệnh trừng phạt hoặc luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Các dự luật đặc biệt trích dẫn ZTE và Huawei, hai công ty bị nghi ngờ ở Mỹ do những lo ngại rằng các công tắc và thiết bị khác của họ có thể được sử dụng để do thám công dân Mỹ. Hai công ty này cũng bị cáo buộc không tôn trọng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Dự luật và quá trình điều tra cáo buộc trên là hai trong nhiều thách thức mà Huawei, hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, phải đối mặt ở thị trường Mỹ.
Ngoài các cáo buộc về hành vi vi phạm lệnh trừng phạt và đánh cắp tài sản trí tuệ, Washington còn thúc ép các đồng minh hạn chế mua thiết bị chuyển mạch và những sản phẩm khác của Huawei do lo ngại chúng sẽ bị Bắc Kinh sử dụng để do thám.
Người sáng lập Tập đoàn Huawei, ông Nhậm Chính Phi, đầu tuần này đã phủ nhận cáo buộc công ty của ông được chính phủ Trung Quốc sử dụng để do thám.
Canada đã bắt giữ con gái của ông Nhậm, bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của Huawei, vào tháng 12-2018 theo yêu cầu của chính quyền Mỹ nhằm điều tra một kế hoạch sử dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để tránh né các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Bà Mạnh hiện đã được nhà chức trách Canada cho bảo lãnh tại ngoại nhưng không được phép rời khỏi ngôi nhà của bà này ở thành phố Vancouver. Nữ doanh nhân này cũng đang phải đấu tranh chống lại khả năng bị dẫn độ sang Mỹ để đối mặt với cáo buộc gian lận vốn có thể khiến bà ngồi tù đến 30 năm.
Trung Quốc cũng đã bắt giữ hai công dân Canada là cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor. Phía Canada đã được giới chức ở Bắc Kinh cho tiếp cận lãnh sự với các công dân này nhưng cho đến nay họ vẫn bị giam giữ.
Trong khi đó, ZTE đã đồng ý trả khoản tiền phạt 1 tỉ USD cho Mỹ do vi phạm lệnh cấm vận thương mại của Washington đối với Iran. Trong khuôn khổ thỏa thuận này, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm kể từ tháng 4, vốn đã ngăn ZTE mua các linh kiện của Mỹ mà họ rất cần để sản xuất smartphone và các thiết bị khác.