8 năm, xác lập 3 kỷ lục mới
Năm 2010, Bitexco Financial Tower (còn được gọi là tháp Tài chính Bitexco) trở thành toà tháp cao nhất Việt Nam. Công trình xác lập kỷ lục mới, xô đổ kỷ lục trước đó của cụm cao ốc Sài Gòn Pearl về chiều cao.
Dự án có tổng mức vốn đầu tư 400 triệu USD. Sau khi hoàn thiện, Bitexco Financial Tower trở thành biểu tượng của cao ốc TP HCM. Cũng tại thời điểm đó, công trình này được kênh truyền hìnhCNNcủa Mỹ xếp thứ 5 trong danh sách 20 tòa nhà chọc trời ấn tượng nhất thế giới.
Thế nhưng, kỷ lục của Bitexco bị soán ngôi sau một năm kể từ ngày xác lập. Toà tháp Keangnam Landmark 72 chính thức trở thành “vua” trong cuộc đua xây nhà cao ốc tại Việt Nam thời điểm bấy giờ.
Năm 2011, khánh thành với chiều cao 346 m. Không những có chiều cao ấn tượng nhất, Keangnam Landmark 72 còn là công trình có diện tích sàn lớn nhất Việt Nam.
Ngoài ra, sau khi hoàn thành, Keangnam Landmark cũng được xếp ở vị trí thứ 3 tại Đông Nam Á về chiều cao, chỉ sau 2 toà tháp Petronas 1, 2 ở Malaysia. Công trình 72 tầng trở thành biểu tượng cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, ngành công nghiệp dịch vụ – những ngành đang thúc đẩy sự phát triển của TP Hà Nội.
Biểu tượng cao ốc Hà Nội bị soán ngôi sau 7 năm vào 2018, khi dự án mới của Vinhomes đi vào hoạt động. Landmark 81 sở hữu chiều cao sở hữu chiều cao 469,5 m, xếp thứ 12 thế giới, thứ 9 châu Á và xác lập kỷ lục mới ở Việt Nam về chiều cao.
Trong thống kê mới đây của Hội đồng Nhà cao tầng và môi trường sống đô thị (CTBUH), Landmark 81 là công trình cao thứ 2 thế giới được hoàn thành trong năm 2018.
Kỷ lục của Landmark 81 bao giờ bị soán ngôi?
Nếu đúng như kế hoạch của chủ đầu tư, Empire Tower (khu đô thị mới Thủ Thiêm) sẽ soán ngôi của Landmark 81 vào năm 2022, tức Landmark 81 chỉ đứng ở “ngôi vua” 4 năm.
Keangnam Landmark 72 hiện là toà nhà giữ kỷ lục về chiều cao lâu nhất ở Việt Nam trong 10 năm qua. Ảnh: Zing.
Toà tháp Empire Tower cao 88 tầng, lấy cảm hứng từ ruộng bậc thang của Việt Nam, được quảng cáo có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Chủ đầu tư dự án cho biết tòa tháp sẽ có chiều cao vượt Landmark 81.
Tại Hà Nội, một dự án 4 tỷ USD của Tập đoàn BRG ở huyện Đông Anh cũng đã được khởi động. Chủ đầu tư công bố sẽ xây dựng một khu đô thị thông minh rộng tới 2.080 ha, với điểm nhấn là tòa tháp tài chính cao 108 tầng. Nếu hoàn thiện, toà tháp này của BRG sẽ một lần nữa soán ngôi của những kỷ lục được xác lập trước đó.
Những toà nhà chọc trời “nằm trên giấy”
Thực tế, có những dự án được tuyên bố sau khi hoàn thiện sẽ trở thành toà tháp chọc trời cao nhất việt Nam, song hiện vẫn chỉ “nằm trên giấy”.
Năm 2010, thời điểm Bitexco xác lập kỷ lục ở TP HCM thì tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) và Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương tuyên bố sẽ xây dựng tòa nhà PVN Tower cao nhất Việt Nam ở Hà Nội với quy mô 102 tầng, chiều cao 528 m. Theo kế hoạch, công trình sẽ được hoàn thành vào năm 2014.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2011, PVC công bố điều chỉnh PVN Tower từ 102 tầng xuống còn 79 tầng. Đến đầu năm 2012, lãnh đạo PVN cho biết PetroVietnam đã rút khỏi tòa tháp PVN Tower, khi thực hiện chủ trương dần rút vốn khỏi lĩnh vực bất động sản.
Sau đó, Chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc chuyển đổi chủ đầu tư dự án này, giao UBND TP Hà Nội xem xét, đề xuất để giao cho một chủ đầu tư khác xây dựng chung cư. Hiện dự án còn 44 tầng sau nhiều lần điều chỉnh.
Sau nhiều lần bị cắt ngọn, quy mô PVN Tower còn 44 tầng. Ảnh: Internet.
Cùng năm 2010, Công ty cổ phần Đầu tư Kinh Bắc (KBC) tuyên bố sẽ cho ra mắt toà tháp cao nhất Việt Nam, phá vỡ kỷ lục của Keangnam 72.
Toà tháp được lấy tên Lotus Hotel (Khách sạn Hoa sen) với tổng vốn khoảng1 tỷ USD gồm 2 khối nhà chênh nhau về độ cao từ 50 đến 100 m, độ cao lớn nhất không vượt quá 400 m. Tuy nhiên cho đến nay, dự án này vẫn chỉ “nằm trên giấy”.
Lâm Tùng/NDH