Theo ông Ninh, trước đây, cả thành phố Hà Nội chỉ có một vài tòa chung cư cao tầng nhưng nay đã có tới hàng nghìn tòa cao ốc. “Một trong những tranh chấp gay gắt tại chung cư là vấn đề sở hữu chung, sở hữu riêng”, ông Ninh cho biết.
Trong báo cáo gửi Chính phủ về tình trạng cư dân khiếu nại, phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, trong 43 báo cáo của địa phương và số lượng đơn thư gửi về Bộ Xây dựng cho thấy có 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp. Trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án. Còn lại 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp không thuộc phạm vi báo cáo như tranh chấp, khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2018, Thanh tra xây dựng toàn ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 37.360 lượt công trình. Số công trình vi phạm giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tuy có giảm nhưng vẫn còn phổ biến, việc xử lý vi phạm dứt điểm chưa kiên quyết, kịp thời.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho biết, chất lượng một số công trình xây dựng, trong đó có cả một số công trình trọng điểm chưa được kiểm soát tốt, trong khi trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng công trình chưa cao, chưa có giải pháp nâng cao và có chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh và kiên quyết.
Theo các chuyên gia, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tranh chấp chung cư ngày càng trở nên phức tạp và căng thẳng. Bởi một khi các vi phạm chưa được xử lý kịp thời, hoặc việc xử lý chưa đủ sức răn đe, các công trình vi phạm ngày một phổ biến và bị “bỏ lọt” sẽ tạo điều kiện cho những công trình không đảm bảo chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều, bức xúc của người dân càng bị đẩy lên cao.
Lãnh đạo Cục quản lý nhà cho hay, về pháp luật với các văn bản quy phạm đã bao quát tương đối đầy đủ nhưng tổ chức thực hiện có những vấn đề cần phải xem xét chấn chỉnh.
Ghi nhận thực tế cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng tranh chấp chung cư diễn ra trên diện rộng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể, toàn TP.HCM có 935 chung cư cao tầng thì đã có đến 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt, phức tạp.
Còn tại thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay đã có đến hơn 20 vụ tranh chấp bùng phát, từ các toà nhà giá rẻ đến cao cấp với nhiều nguyên nhân như bàn giao không đúng tiến độ, tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, phần diện tích chung – riêng, cách tính diện tích căn hộ, phí dịch vụ, phí bảo trì, chất lượng xây dựng, cơi nới trái phép, vấn đề PCCC…
Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng tổng hợp những nội dung khiếu nại của dân cư tại các dự án nhà ở đối với chủ đầu tư. Đây là cơ sở để rà soát lại quy định của pháp luật có liên quan để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp và hướng dẫn các cơ quan liên quan giải quyết các vụ khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án.