(Kiến Thức) – Ông Mai Tuấn Anh – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) ký quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV (ngày 10/1/2019), trong đó có nhiều nội dung quy định được cho là “trái luật”.
Liên quan đến thông tin 2 chiếc xe ô tô bị Công ty CPDVKT đường cao tốc Việt Nam (VEC E- công ty con của VEC) từ chối phục vụ trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc VEC E cho biết đã quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện có biển số 51A-55850 và 51G-77256.
VEC E cho biết, nguyên nhân hai phương tiện này có các hành vi vi phạm các quy định theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019 do ông Mai Tuấn Anh – Chủ tịch VEC ký về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Sau khi bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, VEC đính chính đó chỉ mới là đề xuất từ VEC E chứ chưa ban hành quyết định.
Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện khẳng định, VEC không có quyền cấm xe lưu thông trên đường cao tốc, mà chỉ có thẩm quyền từ chối xe chở quá tải.
Được biết, trong nhiều năm qua, VEC cũng từng ra nhiều quyết định từ chối phục vụ hàng nghìn xe trên cao tốc do không tuân thủ quy định của chủ đầu tư như vi phạm giao thông; tài xế bắt khách dọc đường; phương tiện gây rối…
Theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV, VEC đưa ra các điều khoản vi phạm quy tắc giao thông và mức độ từ chối phục vụ như sau:
Từ chối phục vụ 7 ngày đến 30 ngày đối với các hành vi vi phạm: Dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định trên cao tốc; Dừng đỗ tại các nhà hàng, quán ăn, các điểm dịch vụ mở trái phép hai bên hành lang đường cao tốc, đổ chất thải, vứt rác, sang tải trên đường cao tốc, cố tình dừng, đỗ tại làn cân, trạm thu phí cản trở giao thông; Gian lận cước phí…
Từ chối 7 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất; 15 ngày khi vi phạm lần thứ 2; 30 ngày khi vi phạm lần thức 3. Ngoài ra, bị áp đụng thời gian từ chối như trên, đối với hành vi gian lận, cước phí, chủ phương tiện phải thanh toán mức phí sử dụng được bộ cao tốc các quy định của VEC.
Từ chối phục vụ từ 30 ngày đến 60 ngày đối với các hành vi vi phạm như: Chở quá tải trọng cho phép, vượt trạm, cản trờ nhân viên của các đơn vị quản lý khai thác làm nhiệm vụ; Gây rối, đe doạ, hành hung nhân viên làm nhiệm vụ trên đường cao tốc, gây mất an ninh trật tự tại các trạm thu phí, thay đổi nhận dạng xe để tránh bị từ chối là 30 ngày khi vi phạm lần thứ nhất và 60 ngày khi vi phạm lần thức 2.
Từ chối phục vụ một năm trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, quản lý khai thác đối với các hành vi vi phạm như: Dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định trên đường cao tốc; dừng đỗ tại các nhà hàng, quán ăn, cấc điểm dịch vụ mở trái phép hai bên hành lang đường caot ốc; đổ chất thải vứt rác,…
Đối với trường hợp chủ phương tiện có hành vi vi phạm gây ra sự cố nghiêm trọng làm hư hỏng nặng kết cấu công trình đường cao tốc, thiệt hại về người và tài sản theo quy định của pháp luật. Ngoài việc đền bù theo quy định của pháp luật, VEC sẽ áp dụng việc từ chối phục vụ không thời hạn phương tiện này ngay từ lần vi phạm thứ nhất…
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (giám đốc công ty Luật Đại Nam) cho biết: tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chỉ có Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành.
Tuy nhiên, theo Nghị định 46 không có một quy định nào cho phép doanh nghiệp tự ý ban hành các quy định và tự thực hiện xử lý vi phạm đối với các phương tiện đi trên đường cao tốc mà có các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ trừ quy định tại Khoản 3, Điều 14 Thông tư 90/2014/TT-BGTVT có quy định: “Xe vi phạm quy định về tải trọng, khổ giới hạn cầu, đường bắt buộc phải di chuyển ra ngoài phạm vi đường cao tốc để khắc phục vi phạm và bị xử lý theo quy định. Đơn vị khai thác, bảo trì có quyền từ chối phục vụ xe quá tải, quá khổ theo quy định đi vào đường cao tốc, đồng thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời”.
Như vậy, nếu xét theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành; Khoản 3, Điều 14 Thông tư 90/2014/TT-BGTVT cho thấy VEC đã tự đặt ra hàng loạt các quy định trái luật để cấm hàng nghìn phương tiện (nếu họ không vi phạm quy định về chở hàng quá tải, quá khổ).
Còn luật sư Trần Hải Đức cho rằng, quy định “từ chối phục vụ vĩnh viễn” do VEC “ban hành” thực chất là một loại chế tài đối với phương tiện giao thông. Đây là hành vi trái pháp luật, bởi nhiều lý do.
Cụ thể, tất cả các phương tiện tham gia giao thông đều phải chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Mặt khác, VEC E và kể cả VEC đều là doanh nghiệp, không phải là cơ quan quản lý nhà nước được quy định trong Nghị định số 32/2014/NĐ-CP về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc. Do đó, việc VEC E ban hành Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV là trái pháp luật. VEC và VEC E không có thẩm quyền xử lý 2 phương tiện nói trên (nếu 2 phương tiện này có vi phạm).
Tháng 11/2018, bộ GTVT và cục Cảnh sát hình sự – bộ Công an đã nhận được đơn tố cáo của ông L.T.D. (cán bộ ban DLDA đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) tố cáo ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC về những sai phạm xảy ra tại VEC. Để làm rõ những nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật, bộ GTVT đã ban hành quyết định số 1645/QĐ-BGTVT về việc thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập đoàn xác minh nội dung tố cáo đối với ông Mai Tuấn Anh.
Ngày 1/2, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có kết luận thanh tra về nội dung tố cáo đối với ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HÐTV và các tổ chức, cá nhân của Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Trong kết luận thanh tra, Bộ GTVT khẳng định, nội dung tố cáo “VEC chỉ định nhà đầu tư các trạm dừng nghỉ trái luật trên một số tuyến cao tốc” là có cơ sở.
Chủ tịch HÐTV ký hợp đồng với các nhà đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ không thông qua đấu thầu là chưa đúng quy định của Luật Ðấu thầu và Luật Ðầu tư. Trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch HÐTV, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, các cá nhân, tổ chức tham mưu,…
Bộ GTVT kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xử lý trách nhiệm đối với nguyên Chủ tịch HÐTV, thành viên HÐTV để xảy ra sai sót do ban hành nghị quyết, ký hợp đồng với các nhà đầu tư trạm dừng nghỉ không thông qua đấu thầu. Ðồng thời, kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tham mưu ban hành nghị quyết và ký hợp đồng với các nhà đầu tư.