Hai cường quốc dường như đang cùng nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận “trọn vẹn” trước hạn chót 1-3, dẫu đường đến thỏa thuận ấy được dự đoán là không dễ dàng.
Từ kỳ vọng chung
Trong khuôn khổ vòng đàm phán chính thức kéo dài trong 2 ngày 14 và 15-2, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ tham gia cuộc thảo luận chính với phía Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Dịch Cương làm Trưởng đoàn. Phát biểu khi đặt chân đến Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin cho biết: “Cảm ơn tất cả mọi người, thật tuyệt khi quay trở lại Bắc Kinh. Chúng tôi trông chờ đến những ngày đàm phán quan trọng”.
Về phía Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Hoa Xuân Oánh cũng cho biết: “Giống như phần còn lại của thế giới, chúng tôi hy vọng hai bên đạt kết quả tốt trong cuộc đàm phán”. Bà Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc tin rằng giải quyết xung đột thương mại thông qua đối thoại sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân của cả hai nước và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuần trước, những tia hy vọng về khả năng Mỹ – Trung sớm đạt thỏa thuận thương mại dường như bị dập tắt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông không có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thời hạn 1-3. Tuy nhiên, hôm 12-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, dù không thực sự muốn, nhưng ông có thể xem xét “lùi đôi chút” thời hạn chót “đình chiến” để đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Tổng thống Trump khẳng định: “Chúng ta có một đội ngũ đàm phán hùng hậu tại Trung Quốc và hiện tại họ đang nỗ lực làm việc với phía Trung Quốc để đạt được thỏa thuận. Chúng ta hãy chờ đợi kết quả. Hiện chúng ta có cơ hội thật sự đạt thỏa thuận với phía Trung Quốc, điều mà trước đây, không được rõ ràng như bây giờ”.
Đến mục tiêu riêng
Trong cuộc thảo luận đầu tháng 12-2018 bên lề thượng đỉnh G20, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý gia hạn đàm phán cho tới ngày 1-3-2019. Theo đó, hai nước ngưng đánh thuế lẫn nhau trong 90 ngày. Trong trường hợp hai bên không thể đạt được một thỏa thuận trước ngày 1-3, Mỹ có thể sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trị lên tới 200 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ áp thuế trả đũa 60 tỷ USD với hàng hóa Mỹ.
Tại vòng đàm phán trước, hai bên đã giải quyết một loạt vấn đề khúc mắc, trong đó có việc Trung Quốc cam kết tăng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đáp ứng một trong các yêu cầu chủ chốt của Mỹ. Tuy nhiên, những điều này dường như vẫn chưa đủ để khiến Mỹ hài lòng.
CNN cho biết, trong vòng đàm phán này, Mỹ dự kiến sẽ tăng sức ép nhằm buộc Trung Quốc chấp nhận thực thi cải cách cơ cấu trong các vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ, chấm dứt buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc như một điều kiện để được làm ăn tại nước này. Hiện cả hai phía vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng xung quanh vấn đề mạng 5G và các diễn biến liên quan đến vụ việc bắt giữ Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei. Hơn nữa, mâu thuẫn cốt lõi của hai bên liên quan tới cấu trúc nền kinh tế, khó có thể khỏa lấp được.
Và những kịch bản được dự đoán
Sian Fenner, nhà kinh tế châu Á cấp cao tại tổ chức tư vấn Anh Oxford Economics cho rằng: “Giờ đây gần như chắc chắn hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận kéo dài việc hoãn tăng thuế. Nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ hoàn toàn bỏ qua khả năng tăng thuế trong tương lai gần”, bởi khó khăn nằm ở chỗ Mỹ muốn Trung Quốc đồng ý những cải cách cơ cấu và thể chế toàn diện.
Từ đó, theo Bloomberg, một kịch bản được coi là đột phá nhất, đó là Trung Quốc sẽ tới bàn đàm phán với một đề nghị cải cách kinh tế mới có thể khiến phía Mỹ hài lòng. Sau đó, một thỏa thuận cơ bản có thể được xây dựng giữa hai bên.
Tuy nhiên, “Mỹ muốn các thay đổi rộng rãi về sự kiểm soát đối của Trung Quốc với các tập đoàn. Nhưng rất khó để làm điều đó”, David Loevinger, một cựu quan chức Bộ tài chính Mỹ, nhận định. Một kịch bản mà không ai mong muốn, đó là không có bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra sau đàm phán. Nhiều khả năng, Tổng thống Trump sẽ bày tỏ phản ứng ngay lập tức, và đàm phán giữa hai nước có thể sẽ lại tiếp tục đóng băng nếu điều này xảy ra.
Cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang rất mong muốn đạt được một thỏa thuận trước ngày kết thúc đình chiến là 1-3, tránh phải leo thang thuế quan. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một phương án hài lòng đôi bên là điều không dễ dàng, trong bối cảnh thời hạn đình chiến kéo dài 90 ngày chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc. Hiện mọi chú ý đều đổ dồn vào việc liệu Bắc Kinh có sẵn sàng nhượng bộ trong vấn đề quyền sở hữu trí tuệ cũng như một số vấn đề khác liên quan đến Washington hay không.
CNN đánh giá, cả hai nước đều đang bước những bước đầy thận trọng để đảm bảo một cái kết “khả quan” cho cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hài hòa được những lợi ích giữa hai bên.