(PL+) – PV Pháp luật Plus đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Tuấn Anh- Chủ tịch VEC về những lình xình trong thời gian qua.
Những ngày qua, dư luận tập trung phân tích, mổ xẻ về những vấn đề liên quan đến việc VECE đề xuất từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ôtô vi phạm trên cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và việc chỉ định thầu các trạm dịch vụ trên nhiều tuyến đường cao tốc. Sáng ngày 15/2, PV Pháp luật Plus đã có buổi phỏng vấn trực tiếp với ông Mai Tuấn Anh- Chủ tịch HĐTV VEC để làm sáng tỏ thêm sự việc.
Những ngày qua, dư luận đã lên tiếng phản ánh về những sai phạm của VEC liên quan đến việc chỉ định thầu các trạm dịch vụ trên nhiều tuyến đường cao tốc, ông lý giải ra sao về vấn đề này?
Ông Mai Tuấn Anh: Thời điểm đó, việc đấu thầu hay không đấu thầu, VEC đã hỏi Bộ KHĐT nhưng Bộ này không trả lời được vì bản chất là hành lang pháp lý không có. Hơn nữa đây là đầu tư trạm dừng nghỉ chứ không phải đấu thầu xây lắp, chính vì vậy mà hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Bên cạnh đó các dự án của VEC không phải là các dự án BOT mà là toàn bộ nhà nước đầu tư giao cho VEC.
Trạm thu phí được VEC chỉ định thầu. |
Thứ hai là đầu tư vào các trạm dịch vụ thì trong dự án không có vì nhằm đảm bảo nguồn vốn cho nhà nước, nếu VEC đi vay thì phải đảm bảo được hiệu quả. Tuy nhiên VEC cũng phải đầu tư vì nguyên tắc đường cao tốc phải có trạm dừng nghỉ.
Do vậy VEC đã phải thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhưng nếu giả sử bắt buộc phải đấu thầu thì cũng giống như cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình; Đà Nẵng- Quảng Ngãi và nhiều đường cao tốc khác dẫn đến nhiều năm không thực hiện được, người dân vẫn không có trạm dừng nghỉ buộc phải dừng hoặc đi vệ sinh ngay trên đường gây mất an toàn. Bản chất ở đây là vì chưa xác định được quy mô, hành lang pháp lý để tổ chức đấu thầu.
Còn nếu đặt thời điểm hiện tại đấu thầu có đủ điều kiện, 8 dự án đường cao tốc của Bộ GTVT, nhiều tháng ròng rã Bộ GTVT vẫn tranh cãi câu chuyện này nhưng các đơn vị vẫn đề nghị bỏ trạm dịch vụ ra ngoài vì lý do không xác định được quy mô như thế nào, hiệu quả của ra sao, hơn nữa chưa có hành lang pháp lý hướng dẫn.
VEC cũng đã trình Bộ GTVT xin chủ trương để tiến hành tổ chức đấu thầu đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, tuy nhiên không thể làm được vì phải lập được dự án đầu tư cho dịch vụ, quy mô như thế nào, bao nhiêu tiền, hiệu quả ra sao… vì không có cơ sở.
Việc VECE đề xuất từ chối phục vụ 2 xe ô tô trên đường cao tốc khiến dư luận dậy sóng. |
Mặc dù chưa có văn bản nào hướng dẫn việc đấu thầu các trạm dịch vụ trên đường cao tốc, tại sao Thanh tra Bộ GTVT lại kết luận VEC không tổ chức đấu thầu là sai, thưa ông?
Ông Mai Tuấn Anh: Thời điểm đó, VEC áp dụng hình thức hợp tác đầu tư, VEC không có tiền nhưng phải làm cái đó nên phải ký kết với các nhà đầu tư, ngoài ra lãnh đạo các địa phương cũng phải tham gia vào việc này nhằm giới thiệu các sản phẩm của địa phương tại các trạm dịch vụ.
Việc hợp tác đầu tư VEC sẽ không phải bỏ tiền đầu tư nhưng lại được phục vụ người dân, hơn nữa không xảy ra rủi ro mà lại an toàn cho người tham gia giao thông.
Khi Thanh tra Bộ về xác minh đơn tố cáo tôi, đồng thời báo chí lên tiếng và người đi kiện gây áp lực lên người đi làm là lực lượng Thanh tra. Trong kết luận nêu tôi có 2 văn bản có liên quan là báo cáo Bộ xin chủ trương về nhà đầu tư thứ cấp; thứ hai là báo cáo HĐTV, hai văn bản này do chính tôi ký.
Còn lại là chủ trương của Bộ, của HĐTV VEC, những người tham mưu…bản thân tôi là người bị kiện nên tôi chỉ có nhiệm vụ giải trình chứ không thể đứng trên danh nghĩa doanh nghiệp được. Tuy nhiên, giờ thanh tra kết luận như vậy, chúng tôi vẫn phải thực hiện nghiêm túc.
Ông Mai Tuấn Anh- Chủ tịch VEC trao đổi với Pháp luật Plus. (ảnh Lê Hoàng) |
Vừa rồi, VECE đề xuất từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 xe ô tô vi phạm trên cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, ông có thể lý giải về việc này?
Ông Mai Anh Tuấn: Việc này xuất phát từ thực tiễn nên cần phải có chế tài chứ không phải làm gì để có lợi cho doanh nghiệp cả, đó là hành lang pháp lý để đảm bảo an toàn giao thông, đây cũng là việc, làm sao cho tốt hơn.
Thực tế thì VEC chưa có quyết định nào liên quan đến việc cấm 2 ô tô này cả, mà chỉ có văn bản quy định từ chối phục vụ theo ngày, tuy nhiên vì anh em hơi nóng vội nên mới ban hành đề xuất như vậy.
Hiện VEC đang rà soát lại toàn bộ các văn bản mà VEC ban hành theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GTVT cũng như Tổng cục đường bộ.
Xin cảm ơn ông!
8 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý
Dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai 1. Trạm dừng nghỉ Km22+900 giá trị hợp đồng giai đoạn 1 là 113 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn tạm xác định là 21 năm. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Phước An. 2. Trạm dừng nghỉ Km57+500 giá trị hợp đồng giai đoạn 1 là 19 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn tạm xác định là 28 năm. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Tuấn Tú – Phú Thọ 3. Trạm dừng nghỉ Km117+500 giá trị hợp đồng là 39,5 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 18 năm. Đơn vị trúng thầu là Công ty CP Phú Thịnh – Phú Thọ. 4. Trạm dừng nghỉ Km171+500 bên trái tuyến, đơn vị trúng thầu là Công ty Vietbus, giá trị hợp đồng là 27 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 18 năm. 5. Trạm dừng nghỉ Km171+500 bên phải tuyến, đơn vị trúng thầu là Công ty VECS, công ty con của VEC, giá trị hợp đồng là 24,7 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 18 năm, nhưng đến cuối tháng 4-2017 VEC vẫn chưa ký hợp đồng với VECS, trong khi đó cuối tháng 12-205 đã hoàn thành đưa vào khai thác. 6. Trạm dừng nghỉ Km236+940 giá trị hợp đồng khoảng 147,4 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn chưa xác định (tính đến thời điểm tháng 4-2017). Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Long Hải. Cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình 7. Trạm dừng nghỉ Km227: giá trị hợp đồng giai đoạn 1 là 62 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn chưa xác định (tính đến thời điểm tháng 4-2017). Đơn vị trúng thầu là Công ty CP đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh Cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây 8. Trạm dừng nghỉ Km41+100: giá trị trúng thầu là 87 tỷ đồng, đơn vị trúng thầu là Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn. |