(VTC News) – Tổng thống Trump sẽ phải chịu nhiều áp lực và thách thức hơn so với nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi hai nhà lãnh đạo ngồi xuống bàn đàm phán trong chưa đầy 2 tuần tới, theo CNA.
Trong khi nhiều nhà quan sát chỉ trích thỏa thuận được ký kết trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singpapore hồi tháng 6/2018 vì mơ hồ và thiếu các cam kết ràng buộc, một số chuyên gia kỳ vọng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tới đây tại Hà Nội sẽ là một bước tiến mới trong quan hệ giữa 2 quốc gia từng là cựu thù.
Lần này thiện chí giữa Bình Nhưỡng và Triều Tiên sẽ không chỉ đơn giản là bầu không khí tích cực giữa 2 bên mà 2 nhà lãnh đạo được kỳ vọng có thể đạt được một thỏa thuận mang tính bền vững và cụ thể.
Tổng thống Trump sẽ cố gắng để Triều Tiên cam kết thực hiện các bước đi cụ thể tiến tới phi hạt nhân hóa trong khi ưu tiên của lãnh đạo Kim Jong-un là tìm kiếm sự nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ đang bóp nghẹt nền kinh tế Triều Tiên.
Hai nhà lãnh đạo vì vậy sẽ mang theo những áp lực nhất định tới bàn đàm phán. Nhưng theo CNA, nếu so sánh tương quan, Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn hơn so với ông Kim.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên không cần quá lo lắng về dư luận, truyền thông và các đối thủ chính trị trong nước trong khi đó tất cả động thái của vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm sẽ được quan sát và mổ xẻ từng chi tiết tại quê nhà của ông. Một chiến thắng về chính sách đối ngoại của ông Trump có thể sẽ làm phân tán sự chú ý của dư luận với một loạt các diễn biến tiêu cực trong nước.
Theo CNA, ông Trump sẽ phải rời khỏi Hà Nội trong tâm thế đã thúc đẩy được ông Kim tiến gần hơn tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên mà không đưa ra quá nhiều nhượng bộ. Nhưng làm thế nào để nhà lãnh đạo Mỹ có thể làm được điều đó?
Thúc giục Triều Tiên công bố danh sách các cơ sở hạt nhân
Sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, Tổng thống Trump tuyên bố Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân. Thực tế thì hiện tại Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra lộ trình hay thời gian để loại bỏ của kho vũ khí hạt nhân của họ.
Triều Tiên thậm chí cũng chưa tiết lộ họ hiện sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân cũng như thông số kỹ thuật của các vũ khí đó, nơi chúng được lưu trữ và các chi tiết liên quan khác.
Theo CNA, trước khi đồng ý với những yêu cầu từ Bình Nhưỡng, Tổng thống Trump cần buộc Bình Nhưỡng phải làm rõ về vấn đề này.
Nếu Mỹ yêu cầu Triều Tiên làm rõ số vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang nắm trong tay nhưng ông Kim từ chối, Washington có thể coi đó là cái cớ để tuyên bố rằng đây sẽ là dấu hiệu cho thấy người Triều Tiên đang đàm phán mà không cho thấy thiện chí và không có ý định phi hạt nhân hóa thực sự.
Và nếu cuộc đàm phán kết thúc mà không có tiến triển đáng kể nào, ông Trump hoàn toàn có thể vin vào lý do này để nhấn mạnh rằng vì sao đàm phán không hiệu quả.
Giảm bớt các cuộc cuộc tập trận với Hàn Quốc
CNA cho rằng việc giảm bớt các cuộc tập trận với Hàn Quốc không chỉ giúp Mỹ tiết kiệm được tiền mà còn làm hài lòng Triều Tiên. Bình Nhưỡng thường xuyên coi các cuộc tập trận này là các mối đe dọa và cảnh báo sẽ đáp trả nếu Mỹ hoặc Hàn Quốc tiến quá gần tới biên giới của họ.
Giảm tần suất tập trận sẽ là một cử chỉ thiện chí và không làm ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ vì Washington vẫn duy trì cam kết bảo vệ Hàn Quốc thông qua mạng lưới căn cứ của mình tại quốc gia này.
Ngoài ra, điều này cũng có thể làm hài lòng nhiều chính trị gia Hàn Quốc vốn tin rằng các cuộc tập trận quy mô lớn với Mỹ là rào cản khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên.
Tập trung vào phi hạt nhân hóa Triều Tiên chứ không phải bán đảo Triều Tiên
Thỏa thuận đạt được tại Singapore quy định rằng 2 bên cần phải làm việc để tiến tới phi hạt nhân hóa trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Theo CNA, mặc dù Mỹ không còn giữ vũ khí hạt nhân của mình tại bán đảo Triều Tiên, nhưng Hàn Quốc vẫn đang ở dưới cái ô hạt nhân của Mỹ bởi Washington cam kết sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Seoul nếu cần thiết.
Trong khi đó, hãng thống tấn trung ương Triều Tiên KCNA từng nhấn mạnh rằng “khi đề cập tới bán đảo Triều Tiên, khái niệm này bao gồm khu vực Triều Tiên cộng với lãnh thổ Hàn Quốc, nơi vũ khí hạt nhân của Mỹ và các hình thức đe dọa vũ lực khác đang được triển khai” và rằng “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên nên được xác định là “xóa bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân của Mỹ đối với Triều Tiên trước khi loại bỏ khả năng răn đe hạt nhân của Bình Nhưỡng”, tương đương với việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc.
CNA nhận định rằng 2 bên có thể vẫn chưa đạt được tiếng nói chung liên quan tới định nghĩa về phi hạt nhân hóa nhưng ít nhất tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, Tổng thống Trump cần làm rõ rằng việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc không phải là một lựa chọn đang nằm trên bàn và nếu Triều Tiên muốn bất cứ nhượng bộ nào từ Mỹ, họ cần phải cho thấy các bước đi tiến tới mong muốn phi hạt nhân hóa, ví dụ như việc công bố về số vũ khí mà họ đang nắm giữ trong tay.
Duy trì đối thoại
Stephen Biegun, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ được giao nhiệm vụ đàm phán vớiTriều Tiên mới đây tới Triều Tiên để thảo luận về công tác cho cuộc gặp lãnh đạo 2 bên.
Sau khi rời Triều Tiên, ông Biegun thừa nhận vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước. Điều này phần nào cho thấy quá trình tiến tới một thỏa thuận giữa 2 bên có thể sẽ rất khó đạt được 1 thời gian ngắn.
Bất chấp những kỳ vọng về một đột phá tại hội nghị thượng đỉnh lần 2, giới quan sát lo ngại sẽ không có quá nhiều tiến triển so với những gì đã diễn ra hơn 8 tháng trước. Do đó, Tổng thống Trump cần đề nghị thiết lập một lịch trình cho các cuộc gặp thường xuyên giữa các nhà ngoại giao 2 bên.
Trong các cuộc họp đó, các nhà đàm phán sẽ tìm kiếm sự đồng thuận về định nghĩa phi hạt nhân hóa. Các cuộc đối thoại tiếp theo cũng sẽ tạo đà cho Washington và Bình Nhưỡng thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và mở các đại sứ quán tại thủ đô của nhau nếu có thể.
(Nguồn: CNA)