Khác với thượng đỉnh Singapore tháng 6 năm ngoái, trong hai ngày 27 và 28/2 sắp tới tại Hà Nội, dư luận đón đợi Tổng thống Mỹ và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên sẽ đi sâu vào các thoả thuận cụ thể.
Giới chuyên gia kỳ vọng “Tuyên bố Hà Nội” tới đây sẽ đặt nền tảng cho các nỗ lực dài hơi, bao gồm Hiệp định hoà bình, bãi bỏ lệnh cấm vận và tiến trình phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.
Cách đây hơn nửa năm, Singapore đã đóng vai trò chủ nhà của cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 6/2018. Lúc ấy, “quốc gia thành phố” này đã kiếm bộn tiền từ hàng lưu niệm theo chủ đề thượng đỉnh. Khoảng 2.500 nhà báo đã tới Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long được dẫn lời nói rằng cuộc gặp cấp cao đã củng cố hình ảnh của đất nước ông ở nước ngoài.
Việt Nam hưởng lợi ra sao?
Giờ đây, Việt Nam, với tư cách chủ nhà “thân thiện” và “hào phóng” (theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ) của cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Trump lần thứ hai diễn ra trong hai ngày 27-28/2, có thể sẽ còn được hưởng lợi nhiều hơn nữa. Đó là nhận định của phần lớn các chuyên gia am hiểu Việt Nam. Cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội sẽ tạo uy tín, giúp cho Việt Nam giành được sự tôn trọng của các các nước trên thế giới.
Điều này, đến lượt nó, sẽ có tác động tích cực đối với chính sách đối ngoại “đa dạng hoá, đa phương hoá”, cũng như uy tín của Việt Nam trong tư cách là một quốc gia đáng được lựa chọn để tổ chức các sự kiện quốc tế lớn cũng như là địa chỉ tin cậy để các doanh nhân đến kinh doanh.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông), việc Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế thị trường và vị trí địa lý thuận lợi là hai trong số những lý do chủ yếu giúp Việt Nam trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai của các ông Donald Trump và Kim Jong-un.
Nhà Việt Nam học Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales ở Úc, nhận định: “Tất cả các bên liên quan, Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc, đều tin tưởng Việt Nam là một chủ nhà trung lập”. Cũng theo nhà nghiên cứu Việt Nam này, thành công của Hà Nội sẽ tái khẳng định tính đúng đắn của chính sách đối ngoại của nước này và Việt Nam trở thành “đối tác tin cậy” đối với tất cả các nước. Ông Thayer phân tích tiếp: “Việt Nam hưởng lợi từ công cụ đòn bẩy mà họ có được khi họ làm chủ nhà cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ nhì vào cuối tháng này”.
Còn ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế hàng đầu chuyên trách châu Á-Thái Bình Dương thuộc Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, thì nhận xét: “Mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ chắc chắn sẽ là một chiều kích quan trọng của cuộc gặp lần này”. Ông nói thêm: “Mặc dù rõ ràng sắp tới là cuộc gặp giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên, song tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump đến thăm Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cũng sẽ rất tích cực đối với Việt Nam. Nó mang đến cơ hội đối thoại song phương”.
“Tuyên bố Hà Nội” sẽ đi vào lịch sử?
Theo các nguồn tin nội bộ, một “Tuyên bố Hà Nội” có thể sẽ được hai bên tham gia thượng đỉnh công bố dịp tới đây để “đóng gói” lại một số thoả thuận cụ thể giữa hai nhà lãnh đạo. Các thoả thuận sẽ không dừng lại ở mức trừu tượng như tuyên bố năm ngoái tại Singapore. Những thoả thuận sau thượng đỉnh lần này càng cụ thể bao nhiêu, phạm vi các vấn đề được đề cập càng bao trùm bao nhiêu, thì “Tuyên bố Hà Nội” càng có cơ trở thành một tuyên bố lịch sử bấy nhiêu.
Như hãng tin Yonhap ngày 14/2/2019 loan báo, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, ông hy vọng Tổng thống Mỹ có thể sẽ thảo luận với lãnh đạo Triều Tiên về một thông báo chính thức để kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) trong cuộc gặp thượng đỉnh tới đây. Tuyên bố kết thúc chiến tranh là yêu cầu chính từ Bình Nhưỡng, để đánh đổi lấy việc giải thể chương trình hạt nhân đã được hứa hẹn trong cuộc gặp tháng 6 năm ngoái ở Singapore.
Theo các nhà phân tích, cuộc gặp thượng đỉnh sẽ bổ sung vào danh sách các sự kiện quốc tế lớn diễn ra tại Việt Nam. Ông Thayer nói các nước ở châu Á biết rằng Việt Nam có khả năng bảo đảm an ninh, cung cấp nơi ăn nghỉ tuyệt vời và kinh nghiệm ngoại giao chuyên nghiệp để quản lý một cuộc gặp thượng đỉnh cấp cao.
Chuyên gia Frederick Burke từ cổ đông Công ty luật Baker McKenzie ở TP.HCM cho biết, Việt Nam vốn đã được các bên của cuộc gặp thượng đỉnh tin tưởng, sẽ chính thức được ghi nhận trong tháng này về những đóng góp cho nỗ lực vì hòa bình khu vực, nếu hai bên tham gia cuộc gặp thượng đỉnh đạt được tiến bộ trong việc xử lý vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tầm vóc của Việt Nam trước mắt cộng đồng quốc tế không chỉ là một thành viên có trách nhiệm mà thực sự là một nước có vai trò lãnh đạo, bước lên nấc thang cao nhất trong quan hệ quốc tế và giải quyết các vấn đề quốc tế. Giống như các chính phủ Đông Nam Á khác, Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng để hưởng lợi ích kinh tế và an ninh từ cả Trung Quốc lẫn các cường quốc phương Tây.
Phía trước chưa hết chông gai
Cuối tháng 1/2019, đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên Stephen Biegun từng tuyên bố: “Tổng thống Trump sẵn sàng khép lại chiến tranh Triều Tiên”. Tuy nhiên, trên thực tế, con đường dẫn tới một hiệp định hòa bình thực sự còn nhiều chông gai. Nhiều nhà quan sát cho rằng, để Kim Jong-un chấp nhận xóa sổ cơ sở hạt nhân Yongbyon, Donald Trump cũng phải có những bước “nhượng bộ thỏa đáng”. Đấy có thể là hiệp ước kết thúc chiến tranh Triều Tiên, quyết định mở văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Với Hiệp định hòa bình nói trên, Washington sẽ phải xét lại toàn bộ chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng châu Á-Thái Bình Dương, mà đầu tiên hết là sự hiện diện của hơn 28.000 lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Không chỉ có Bắc Triều Tiên mà cả Trung Quốc cũng đang nóng lòng muốn chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ngay sát cạnh.
Vì vậy, giải thể cơ sở hạt nhân Yongbyon là một bước nhượng bộ “chưa tương xứng”. Ngoài kho vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ còn tập trung vào tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên, có thể mang đầu đạn hạt nhân bắn tới lãnh thổ Mỹ. Thế nhưng, liệu rằng đôi bên có đặt lên bàn cân các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Bình Nhưỡng hay không? Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Á, nằm trong tầm bắn của hai loại tên lửa này, đang hồi hộp trước những tính toán của Donald Trump và Kim Jong-un.
Đấy là những khó khăn mà các chuyên gia cho rằng, cả phía Mỹ lẫn Bắc Triều Tiên ngay lập tức khó có thể đưa ra những giải đáp thỏa đáng để làm vừa lòng đối phương. Do vậy khả năng một hiệp đình hòa bình được ra đời tại Việt Nam lần này “rất thấp”.
Trả lời hảng tin Pháp AFP, chuyên gia Kim Dong Yub, thuộc Viện Nghiên Cứu Viễn Đông của Hàn Quốc cho rằng, đôi bên phải mất “ít nhất ba năm” mới có thể tiến tới một hiệp định hòa bình như thế giới đón đợi. Dù vậy chuyên gia này kỳ vọng thượng đỉnh Hà Nội sẽ đặt nền tảng cho công trình dài hơi đó.