Bước tiến cụ thể nào”?
Theo các nguồn tin nhận được, tại cuộc gặp, Triều Tiên dự kiến sẽ đưa ra các nội dung hiệp thương: (i) phá hủy hoàn toàn cơ sở hạt nhân Yongbyon; (ii) phá hủy một phần tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM); (iii) phá hủy hoàn toàn bãi thử động cơ và tên lửa Tongchangri; đồng thời yêu cầu Mỹ có các biện pháp tương ứng như: (i) tháo gỡ các biện pháp cấm vận Triều Tiên; (ii) tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên; (iii) dừng các cuộc tập trận quân sự Hàn – Mỹ; (iv) bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều.
Mỹ sẽ yêu cầu Triều Tiên kê khai và xác minh: (i) các vũ khí hạt nhân và cơ sở hạt nhân; (ii) kê khai năng lượng hạt nhân như lượng uranium, plutonium hiện có; (iii) kê khai tất cả các tên lửa đạn đạo ngoài các tên lửa vận hành vũ khí hạt nhân đã được công bố; (iv) mở cửa văn phòng liên lạc giữa hai nước và nối lại viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Mỹ tiếp tục khẳng định tiếp tục biện pháp trừng phạt Triều Tiên cho đến khi tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và tổng thể.
Đó đều là những yêu cầu cao của mỗi bên, chưa thể giải quyết được hết trong cuộc gặp lần này. Nhưng hai bên đều đứng trước sức ép để cần đạt được những tiến bộ cụ thể so với cuộc gặp lần trước.
Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump dự kiến diễn ra tại Hà Nội ngày 27,28/2 tới. (Nguồn: Yonhap News)
Hai bên cần tìm được tiếng nói chung về khái niệm « phi hạt nhân hóa ». Trong khi Mỹ tiếp tục tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách triệt để và được kiểm chứng đầy đủ (FFVD), Triều Tiên cho rằng “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” nghĩa là loại bỏ mọi nhân tố đe dọa hạt nhân, bao gồm cả việc Mỹ rút máy bay ném bom hạt nhân hay tàu ngầm hạt nhân ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc. Đồng thời Triều Tiên cũng không dễ dàng từ bỏ con át chủ bài vũ khí hạt nhân đảm bảo an ninh cho chế độ Bình Nhưỡng. Triều Tiên chỉ có thể tín nhiệm cam kết quốc tế của các nước lớn nếu họ « nắm đàng chuôi ».
Theo Daniel DePetris, thuộc tổ chức nghiên cứu Defense Priorities, phi hạt nhân hóa hoàn toàn, được xác minh và không thể đảo ngược chỉ có trong tưởng tượng, do đó nhiều khả năng Washington sẽ hạ thấp các yêu cầu và chấp nhận những kết quả không gồm tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn mà có thể sẽ cân nhắc phương án mặc định một nhà nước Triều Tiên sở hữu hạt nhân miễn sao không tạo ra những mối đe dọa với người dân Mỹ và đồng minh của Mỹ.
Về Hiệp định hòa bình, Mỹ và Triều Tiên cần phải đạt được một thỏa thuận cơ bản về phương tiện và thể thức sẽ được sử dụng để thiết lập “nền hòa bình vĩnh viễn” trên bán đảo Triều Tiên. Để làm được điều này, hai bên cần đạt được hiệp ước hòa bình hoặc tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Để tiến tới bình thường hóa quan hệ, cần một số bước đi tuần tự, lập văn phòng liên lạc tại thủ đô hai nước.
Tại sao chọn Việt Nam?
Một cuộc gặp như kiểu Thượng đỉnh Mỹ-Triều thường chỉ có thể diễn ra ở một địa điểm trung lập hay nước bạn của các bên. Việt Nam là nước bạn truyền thống của Triều Tiên và là một đối tác an ninh tin cậy của Mỹ. Như báo Washington Post nhận định, lựa chọn Việt Nam cho thấy thế giới đã thay đổi như thế nào trong mấy thập kỷ qua. Con đường của Việt Nam từ kẻ thù đến đối tác an ninh mới của Mỹ có thể đề xuất với Kim Jong-un một lộ trình thiết lập hòa bình với quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Còn báo Asahi Shimbun nhận xét, Việt Nam trung lập về chính trị, có kinh nghiệm tổ chức những diễn đàn quốc tế lớn, đội ngũ an ninh Việt Nam có thể đảm bảo an toàn cho các lãnh đạo quốc tế.
Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, từ một nước nghèo bị chiến tranh tàn phá đã trở thành một điểm sáng kinh tế với các thành tựu ấn tượng trong những năm qua, có thể gợi ý về mô hình phát triển đối với Triều Tiên. Trên Twitter hôm 8/2, Tổng thống Trump viết rằng: “Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, sẽ trở thành một cường quốc về kinh tế”, một loại “rocket” khác về kinh tế”.
Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên diễn ra ở Việt Nam được cho là có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì Hà Nội sẽ là tâm điểm chú ý của thế giới lần này. Tổ chức Thượng đỉnh lần này cũng cho thấy sự đúng đắn của chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, « làm bạn với tất cả các nước », mà Việt Nam kiên trì theo đuổi mấy chục năm qua.
Trong 2 năm còn lại của chính quyền Tổng thống Trump, có thể còn diễn ra 1-2 cuộc gặp thượng đỉnh nữa. Cuộc gặp Singapore để làm quen; cuộc gặp Hà Nội sẽ thống nhất các nguyên tắc và bước đi cụ thể, đặt cơ sở cho tiến trình giải quyết các vấn đề liên quan phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên./.