(TBKTSG) – Đón Tết Kỷ Hợi, người dân Việt Nam hân hoan cổ vũ cho các thành tựu bóng đá, tạm yên lòng với kết quả bước đầu giải quyết các đại án và vui mừng với những thành tựu hội nhập quốc tế: CPTPP. Đầu xuân, Tổng thống Donald Trump thông báo đã cùng ông Kim Jong-un lựa chọn Hà Nội làm địa điểm cuộc gặp thượng đỉnh lần hai. Hai sự kiện này, dưới góc nhìn kinh tế, nó là dấu ấn của nhà nước kiến tạo.
CPTPP và du nhập thể chế để phát triển kinh tế thị trường lành mạnh
Việc phát hiện và thừa nhận bất cập thể chế đã khó, việc thiết kế giải pháp khắc phục càng khó, việc đạt được đồng thuận và chấp nhận mặc chiếc “áo bó thể chế” (institutional straitjacket) càng khó hơn nữa. Đôi khi để chấm dứt tranh luận kéo dài, thì việc gia nhập một sân chơi lớn quốc tế lại là lý do dễ chấp nhận để cải cách. Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một trong những sự kiện như thế.
Trước năm 2001, nhiều học giả trong nước đã đăng đàn chỉ ra hiện tượng khoảng một phần ba các cơ quan trung ương không gửi đăng công báo sau khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hai phần ba gửi đăng chậm so với thời hạn quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996. Tình trạng này chỉ chấm dứt sau khi Việt Nam ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) Việt – Mỹ và buộc phải tuân thủ nghĩa vụ công bố và cách tính thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật neo vào ngày đăng công báo (chương 6 điều 4 hiệp định này).
Trước năm 2005, nhiều thảo luận đã kiến nghị việc mở rộng thẩm quyền xét xử cho tòa án hành chính và bỏ điều kiện tiền tố tụng (phải trải qua thủ tục khiếu nại) đối với đơn khởi kiện vụ án hành chính. Khi Việt Nam quyết tâm gia nhập WTO thì lực cản mới bị dẹp bỏ sang một bên để sửa đổi Luật Tố tụng hành chính theo thông lệ quốc tế (bỏ điều kiện tiền tố tụng), phù hợp với đòi hỏi của WTO.
CPTPP được kỳ vọng là sẽ mang đến nhiều đổi mới thể chế tích cực hơn nữa. So với WTO, CPTPP được xem là hiệp định thương mại quốc tế thế hệ mới, bảo đảm vốn đầu tư, hàng hóa, doanh nghiệp của các bên tham gia phải được đối xử công bằng hơn sau khi “đi qua biên giới”. Điều này đòi hỏi các bên phải dỡ bỏ các giấy phép con, rào cản gia nhập thị trường… hướng tới lý tưởng một thị trường gần thống nhất, đồng nhất trong toàn khối. Điều này chỉ đạt được khi các bên đồng ý cải cách các thể chế hành chính đang cản trở môi trường đầu tư kinh doanh.
Hai thay đổi tiến bộ mà công chúng đang kỳ vọng từ CPTPP ở Việt Nam là giảm bớt hiện tượng chỉ định thầu trong mua sắm công, bởi theo hiệp định này các doanh nghiệp nước ngoài trong khối CPTPP cũng được quyền tham gia cung cấp và họ sẵn sàng khởi kiện Chính phủ theo cơ chế đặc thù của hiệp định mà không sợ bị đối xử thiên vị của tòa án bản địa.
Một thay đổi to lớn hơn sẽ diễn ra một cách từ từ khi người lao động từng bước có quyền lựa chọn tổ chức công đoàn nào gần gũi với và bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của họ một cách nhanh chóng, hiệu quả. Khi công đoàn thực hiện được đúng bản chất của Công hội đỏ thời đại bác Tôn Đức Thắng thì công nghệ thâm dụng lao động sẽ rời Việt Nam tìm điểm đến khác; tạo không gian cho công nghệ cao tìm đến Việt Nam.
Nhà nước kiến tạo có nhiều cách lý giải, song tác giả ủng hộ cách lý giải của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời chất vấn của ông Vũ Tiến Lộc tại nghị trường ngày 18-11-2017, về nội hàm, nội dung của Chính phủ (nhà nước) kiến tạo: “Thứ nhất, đó phải là một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế(1).
Theo nghĩa này, CPTPP là một thành công của nhà nước kiến tạo để lại tác động nhiều thập kỷ tiếp theo.
Nhà nước kiến tạo thị trường mới cho doanh nghiệp, quảng bá “thương hiệu” quốc gia
Với CPTPP, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được đi vào thị trường các nước phát triển với thuế suất bằng không hoặc cực kỳ ưu đãi. Cũng giống như WTO, Nhà nước Việt Nam trong trường hợp này đã đóng vai trò kiến tạo, khơi thông thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời từng bước giảm bảo hộ, tạo áp lực đổi mới công nghệ sản xuất, quản lý đối với doanh nghiệp nội địa, tạo điều kiện cho trẻ em Việt Nam tiếp cận hàng hóa chất lượng cao, giá hợp lý như sữa New Zeland, thịt bò Úc; quy tắc “từ sợi trở đi” (yarn forward) sẽ thúc đẩy công nghiệp sợi dệt tại Việt Nam.
Việc cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim lần hai được chọn tổ chức tại Hà Nội, là minh chứng về thành công của đường lối ngoại giao trung lập cùng có lợi, hài hòa với Trung Quốc, Mỹ, Nga.
Khi phân tích lịch làm việc dự kiến của ông Kim tại Quảng Ninh, Hải Phòng không chỉ thấy vai trò của chính quyền trong quảng bá hình ảnh một đất nước hòa bình, ổn định, ít khủng bố, ít xung đột sắc tộc, tôn giáo; quảng bá một mẫu hình đổi mới kinh tế, mở cửa thành công đối với ông Kim mà còn có thể dự đoán vai trò “kiến tạo”, “mai mối” ông Kim với một số tập đoàn công nghiệp, bất động sản của Việt Nam. Báo chí nước ngoài cũng đưa tin về việc ông Kim ngỏ ý chọn Việt Nam làm mô hình mở cửa, đổi mới sau tiến trình phi hạt nhân hóa.
Nếu vai trò “kiến tạo, mai mối” của nhà nước thành công thì doanh nghiệp Việt Nam có được cơ hội đầu tư lớn vào đất nước Triều Tiên. Theo tác giả, xác suất đạt được cơ hội này là rất lớn vì Việt Nam là quốc gia phù hợp nhất để cho ông Kim lựa chọn hợp tác, thu hút đầu tư nếu quyết định mở cửa.
Nếu thị trường Bắc Triều Tiên được khơi thông thì đối với nhà đầu tư Việt Nam nó tiềm năng hơn thị trường Myanmar, bởi quy hoạch đất đai và kỷ luật lao động ở Triều Tiên tốt hơn nhiều. Và do vậy, việc “mai mối” thành công cũng đồng nghĩa nhà nước đã kiến tạo cho doanh nghiệp Việt Nam một thị trường mới đầy tiềm năng.
Dùng ngoại giao kiến tạo thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài trong hai năm 2018-2019 là những dấu ấn rõ nét của nhà nước kiến tạo cần được tiếp tục phát huy.
Nguồn:théaigontimes.vn