(TBKTSG) – Cuộc đối đầu giữa Chính phủ Mỹ và tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) sắp chuyển sang một giai đoạn mới gay gắt hơn, khi Huawei chính thức đệ đơn kiện để buộc Mỹ hủy bỏ các cáo buộc chống lại tập đoàn này.
Dẫn hai nguồn tin giấu tên, báo The New York Times ngày 4-3 cho biết đơn kiện của Huawei sẽ được nộp tại tòa án Khu Đông Texas, đặt tại thành phố Plano, Texas, nơi Huawei đặt trụ sở. Đơn kiện sẽ được công bố vào cuối tuần này, nhắm vào việc Mỹ cấm các cơ quan liên bang nước này mua sắm và sử dụng thiết bị của Huawei vì cho rằng chúng có thể được sử dụng để do thám cho Chính phủ Trung Quốc, gây mất an ninh cho hệ thống thông tin chính quyền Mỹ.
Vụ kiện là một phần trong chiến dịch phản kháng rộng lớn của Huawei nhằm tự bảo vệ trước sự tấn công của Chính phủ Mỹ. Trong nhiều năm qua, các cơ quan an ninh Mỹ đã nghi ngờ Huawei là cánh tay nối dài của tình báo quân đội Trung Quốc. Họ bất bình với cung cách kinh doanh không lành mạnh, dựa vào đánh cắp công nghệ, hối lộ các chính phủ và các tập đoàn viễn thông quốc doanh, hạ giá sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường, đặt ra mối đe dọa sinh tử với các tập đoàn công nghệ viễn thông Mỹ và phương Tây. Mối ác cảm với Huawei lên đến đỉnh điểm gần đây khi tập đoàn Huawei mon men chiếm vị thế thượng phong trong công nghệ mạng di động 5G – một công nghệ được cho là nền tảng của nền kinh tế kỹ thuật số tương lai.
Mối ác cảm của Mỹ chuyển thành hành động từ cuối năm ngoái, khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành luật về chi tiêu quốc phòng, trong đó có điều khoản cấm các cơ quan hành pháp Mỹ sử dụng sản phẩm của Huawei và ZTE, một tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ, công khai hoặc bí mật, cũng đã vận động hoặc gây áp lực lên một số quốc gia đồng minh để buộc các nước này “tẩy chay” sản phẩm của Huawei và không trao cho Huawei hợp đồng triển khai hệ thống viễn thông mạng 5G của nước mình. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã nói thẳng rằng Mỹ sẽ cắt đứt quan hệ với quốc gia nào hợp tác với Huawei. Cho đến nay một số quốc gia như Úc, New Zealand, và đặc biệt là các nước châu Âu, đã bắt đầu rà soát lại hệ thống viễn thông của mình và xem xét lại các thỏa thuận với Huawei mặc dù tập đoàn này đã chi ra hàng chục tỉ euro đầu tư và tài trợ cho các hoạt động văn hóa-xã hội ở châu lục này.
Đầu năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ phát lệnh truy tố hình sự đối với Huawei và giám đốc tài chính của tập đoàn này với lý do vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Châu, con gái của người sáng lập tập đoàn Nhậm Chính Phi đã bị Canada bắt hồi cuối tháng 12 năm ngoái. Một phiên tòa sẽ mở ở Canada trong tuần này để xem xét cho phép dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ để xét xử. Các luật sư của bà Mạnh thông báo họ sẽ khởi kiện cơ quan cảnh sát và biên phòng Canada vì cho rằng quy trình bắt giữ và thẩm vấn vi phạm quyền của bà Mạnh.
Mới đây, cơ quan công tố liên bang Mỹ tại thành phố Seattle, bang Washington cũng đã khởi tố Huawei với cáo buộc đánh cắp công nghệ của tập đoàn viễn thông T-Mobile, Mỹ.
Tất nhiên, Huawei không thúc thủ trước những đòn tấn công của Mỹ. Các quan chức lãnh đạo Huawei tích cực lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ trên các diễn đàn công nghệ với luận điểm luật pháp Trung Quốc không có điều khoản nào buộc các doanh nghiệp tư nhân như Huawei phải thực hiện các yêu cầu do thám của chính phủ. Huawei cũng đang thực hiện đợt quảng cáo quy mô lớn trên toàn cầu nhằm xây dựng hình ảnh và khôi phục uy tín thương hiệu. Vụ khởi kiện Chính phủ Mỹ là một bước đi có tính toán nhằm chống đỡ phần nào những cú đánh mà tập đoàn này đang phải hứng chịu. Lập luận chính của phía Huawei là Chính phủ Mỹ đã lạm quyền khi tách riêng công ty này để phân biệt đối xử theo cái gọi là “bill of attainder” (lệnh trừng phạt) – một điều là hiến pháp Mỹ cấm ngặt. Tuy nhiên, đã có nhiều tiền lệ rằng những vụ kiện như vậy khó có thể thành công, mà trường hợp mới nhất là thất bại của tập đoàn phần mềm Kapersky (Nga) kiện Chính phủ Mỹ đã loại phần mềm chống virus máy tính của Kapersky khỏi hệ thống các cơ quan công quyền Mỹ.
* * *
Cho đến nay, mặc dù các cơ quan Chính phủ Mỹ chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể cho thấy Huawei bị sử dụng cho hoạt động do thám của Trung Quốc hoặc gây nguy cơ về an ninh thông tin, sức ép lên tập đoàn này vẫn ngày càng tăng khiến giới phân tích nghĩ rằng, Huawei là một trường hợp nổi bật của các doanh nghiệp bị mắc kẹt giữa hai lằn đạn trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung.
Mục đích sâu xa của cuộc thương chiến do Mỹ phát động là bảo vệ vị thế thống trị về công nghệ cao của Mỹ và doanh nghiệp phương Tây trước cung cách cạnh tranh thiếu lành mạnh của các doanh nghiệp Trung Quốc. Mỹ cho rằng ít có doanh nghiệp nào điển hình cho cung cách làm ăn đó hơn là Huawei, vì thế Huawei phải bị trừng phạt. Xa hơn nữa, Chính phủ Mỹ đang dùng cuộc chiến tranh thương mại để buộc Trung Quốc phải cải cách, chấm dứt nạn ăn cắp tài sản trí tuệ, ngừng việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ, cạnh tranh sòng phẳng bằng cách loại bỏ các hành vi hối lộ để giành hợp đồng, hạ giá sản phẩm để chiếm thị phần, minh bạch hóa sở hữu và hoạt động của doanh nghiệp. Nếu những yêu cầu của Mỹ được đáp ứng, Trung Quốc sẽ khó có thể sản sinh và phát triển những doanh nghiệp “vô địch quốc gia” như Huawei trong tương lai.
Phía Trung Quốc đã có những nhượng bộ bước đầu, cam kết tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ như đậu nành, khí đốt, nông sản… để dần dần thu hẹp chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước; từ đó làm nảy sinh hy vọng hai nước sẽ đạt được một thỏa thuận và chấm dứt thương chiến vào cuối tháng 3 này, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Trump tại Florida.
Thuế suất nhập khẩu mà hai nước áp đặt lên hàng hóa của nhau có thể sẽ được điều chỉnh trở về mức cũ, song những đòi hỏi của Mỹ về cải cách kinh tế Trung Quốc, thay đổi cung cách giao thương quốc tế, tôn trọng và bảo vệ tài sản trí tuệ… vẫn chưa có dấu hiệu được đáp ứng. Và như vậy, số phận của những doanh nghiệp công nghệ như Huawei vẫn chưa được giải quyết rõ ràng.
Cuộc đối đầu giữa Chính phủ Mỹ và Huawei có thể sẽ còn tiếp tục kéo dài. Thiệt hại của cuộc đối đầu này thuộc về ngành viễn thông toàn cầu và người tiêu dùng vì việc triển khai hệ thống 5G đang bị đình trệ ở nhiều nước, làm chậm đà phát triển của một công nghệ mới có triển vọng đem lại lợi ích lớn về kinh tế-xã hội.
Nguồn:thesaigontimes.vn