VOV.VN – Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, việc tập đoàn Huawei kiện tính hợp Hiến của Luật Ủy quyền Quốc phòng 2019 (NDAA) của Mỹ là hoàn toàn chính đáng.
Hôm nay (7/3), tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Lục Khảng đã đưa ra những phản ứng chính thức của Trung Quốc trước thông tin Tập đoàn Huawei kiện chính phủ Mỹ.
Người phát ngôn Lục Khảng cho biết, Tập đoàn Huawei kiện tính hợp Hiến của Luật Ủy quyền Quốc phòng 2019 (NDAA) mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 8/2018. Trước đây, Chính phủ Trung Quốc cũng đã giao thiệp mạnh mẽ với Chính phủ Mỹ về những nội dung tiêu cực liên quan đến Trung Quốc trong đạo luật này, thể hiện lập trường phản đối của Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng, đạo luật này thể hiện tư duy chiến tranh lạnh và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Đánh giá về động thái của Tập đoàn Huawei khi kiện chính phủ Mỹ, ông Lục Khảng nói: “Chúng tôi cho rằng việc doanh nghiệp thông qua cách thức hợp pháp để bảo vệ quyền lợi của bản thân là điều hoàn toàn chính đáng và có thể hiểu được”.
Trong tuyên bố hôm nay (7/3), Tập đoàn Huawei cho biết họ đã đệ đơn lên tòa án cấp quận ở Texas về tính hợp Hiến của điều khoản 899 trong đạo Luật ủy quyền quốc phòng 2019, theo đó cấm các cơ quan liên bang Mỹ cũng như các nhà thầu của họ mua sắm các thiết bị và dịch vụ của Tập đoàn này. Tập đoàn Huawei cho rằng, Quốc hội Mỹ nhiều lần không đưa ra được các chứng cứ cụ thể về việc giới hạn các sản phẩm của Huawei, động thái cấm đoán các sản phẩm của Huawei là đi ngược lại Hiến pháp Mỹ và gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng Mỹ.
Trong nhiều tháng qua, Tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc- Huawei liên tục vấp phải các biện pháp ngăn chặn của chính phủ Mỹ trong việc tham gia các dự án xây dựng mạng viễn thông 5G ở Mỹ cũng như ở các nước đồng minh thân cận. Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei bà Mạnh Vãn Chu cũng bị chính phủ Canada bắt giữ theo yêu cầu của chính phủ Mỹ hồi đầu tháng 12/2018.
Trong một động thái mới nhất, hôm 3/3 vừa qua, luật sư của bà Mạnh Vãn Chu đã khởi kiện chính phủ Canada, cơ quan dịch vụ biên giới (CBSA), cảnh sát hoàng gia Canada vi phạm nghiêm trọng quyền của bà Mạnh khi bắt, lục soát và thẩm vấn bà trong ba giờ tại sân bay Vancouver./.