BizLIVE – Một quản lý của Huawei cho biết họ thường xuyên được đón nhiều giáo viên từ Nhật đến để giới thiệu phương thức sản xuất của Toyota
Việc gần đây Mỹ thắt chặt chính sách với Huawei Technologies che giấu đi lịch sử rằng nhiều công ty Mỹ đã góp phần khiến cho Huawei phát triển.
Một quản lý thuộc Huawei từng nói với Nikkei: “Chắc chắn sẽ không có sự tăng trưởng nào mà không có các doanh nghiệp Mỹ”. Mùa thu năm ngoái, quản lý này từng có một danh sách các đối tác tư vấn, trong danh sách bao gồm nhiều doanh nghiệp Mỹ nổi bật như IBM, Boscon Consulting Group và Accenture.
Huawei coi các công ty Mỹ và châu Âu như hình mẫu. Điều này không cần phải bàn cãi gì nữa nếu nhìn vào hàng loạt sản phẩm của công ty, từ thiết bị, dịch vụ, chuỗi cung ứng cho đến việc tái cơ cấu lại mô hình kinh doanh, lực lượng lao động và tài chính.
Những nỗ lực này đã giúp cho Huawei có được nhiều sản phẩm và dịch vụ mới vượt trội giúp cho Huawei vượt lên không chỉ nhiều doanh nghiệp nhà nước khác tại Trung Quốc cũng như nhiều công ty phương Tây trong khi mới chỉ sáng lập chưa đầy 30 năm.
Tại khu uống cafe của Huawei tại trụ sở ở thành phố Thâm Quyến, người ta nhìn thấy một biểu ngữ mang nội dung khuyến khích nhân viên tìm kiếm những ý tưởng mới bằng cách hợp tác với người khác. Cách tiếp cận mở này đã khiến cho Huawei cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ từ doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và Nhật.
Một nhà quản lý nhà máy sản xuất sản phẩm điện thoại chủ lực của Huawei nói: “Chúng tôi thường xuyên được đón nhiều giáo viên từ Nhật đến để giới thiệu phương thức sản xuất của Toyota”.
Huawei cố gắng bằng mọi cách để có thể giảm được chi phí, trong đó phải kể đến sử dụng cả robot của Nhật. Cách này giúp cho Huawei có lợi thế cạnh tranh về chi phí, Huawei có thể lắp ráp thiết bị của mình với chỉ khoảng nửa nhân lực so với Apple sản xuất iPhone.
Thế nhưng sự tăng trưởng nhanh chóng của công ty được xây dựng trên một hệ thống thương mại tự do, vốn đang chịu nhiều chỉ trích từ Tổng thống Mỹ Donald Trump với chính sách “Nước Mỹ là số 1” và nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc củng cố chính quyền.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đã gây ra căng thẳng xung quanh chương trình “Made in China 2025” của chính phủ Trung Quốc để hiện đại hóa ngành công nghiệp nội địa. Chính quyền Tổng thống Trump và nhiều nước khác lo ngại về khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ thắt chặt quản lý với giới doanh nghiệp.