Trong các hợp đồng mua bán, người đứng tên mua đất không ký tên mà do một người khác đứng ra ký…
Tài liệu PV có được cho thấy, trong năm 1998, Công ty Phát triển và kinh doanh nhà (bên A) đã ký 4 hợp đồng bán đất nền cho bà Văn Bảo Ngọc (bên B). Cụ thể, ngày 24/9/1998, Công ty Phát triển và kinh doanh nhà (bên A) và bà Văn Bảo Ngọc (bên B) đã thống nhất ký kết hợp đồng chuyển nhượng nền đất để xây dựng nhà theo Hợp đồng bán nhà trả tiền nền và hạ tầng số 32/HĐ-APAK và 33/HĐ-APAK.
Theo hợp đồng, bên A nhượng cho Bên B hai nền nhà trong khu Đô thị mới An Phú-An Khánh, vị trí nền số 14 và 15 đường Song Hành, Khu A, tổng diện tích khuôn viên mỗi nền là150 m2 với giá trị hợp đồng mỗi hợp đồng là 367.500.000 đồng, với phương thức thanh toán mỗi hợp đồng được chia làm 3 đợt. Đợt 1: bên B thanh toán cho bên A số tiền là: 183.750.000 đồng, tương ứng với 50% giá trị Hợp đồng trong vòng 7 ngày sau khi ký hợp đồng; Đợt 2: Bên B thanh toán cho Bên A số tiền là: 110.250.000 đồng, tương ứng với 30% giá trị hợp đồng trong vòng 7 ngày kể từ khi Bên A sang nền; Đợt 3: Bên B thanh toán cho Bên A số tiền là: 73.500.000 đồng tương ứng với 20% giá trị hợp đồng còn lại trước khi Bên A giao nền và giấy phép xây dựng cho Bên B.
Đến ngày 20/10/1998, Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà tiếp tục ký tiếp hai hợp đồng bán nhà trả tiền nền và hạ tầng số 153/HĐ-APAK và số 154/HĐ-APAK với nội dung hợp đồng thống nhất ký kết hợp đồng chuyển nhượng nền đất để xây dựng nhà, vị trí 61 và 62 đường Số 7, khu A khu Đô thị mới An Phú – An Khánh, tổng diện tích khuôn viên mỗi nền là 150 m2 với tổng giá trị mỗi hợp đồng là 322.500.000 đồng, cùng với phương thức thánh toán chia làm ba đợt. Đợt 1: Bên B thanh toán cho Bên A số tiền là: 161.250.000 đồng, tương ứng với 50% giá trị Hợp đồng trong vòng 7 ngày sau khi ký hợp đồng; Đợt 2: Bên B thanh toán cho Bên A số tiền là: 96.750.000 đồng, tương ứng với 30% giá trị hợp đồng trong vòng 7 ngày kể từ khi Bên A sang nền và đợt 3: Bên B thanh toán cho Bên A số tiền là: 64.500.000 đồng tương ứng với 20% giá trị hợp đồng còn lại trước khi Bên A giao nền và giấy phép xây dựng cho Bên B.
Mặc dù bên A và B đã ký hợp đồng bán và mua đất, nhưng cho đến ngày ngày 16/11/1998, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định số 1042/QĐ – TTg phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng cơ sở khu đô thị mới An Phú – An Khánh cho Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà (nay là công ty Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà – HDTC).
Sau đó, đến ngày 13/08/1999, Thủ Tướng Chính phủ mới ban hành quyết định số 783 giao đất cho Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà để đầu tư hạ tầng cơ sở Khu đô thị An Phú – An Khánh, TP.HCM.
Như vậy, tại thời điểm Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà ký 4 hợp đồng bán đất cho bà Ngọc, dự án khu đô thị mới An Phú – An Khánh chưa được Thủ tướng quyết định thành lập, chưa được Thủ tướng ký quyết định giao đất. Do đó, việc mua bán này là không có cơ sở, vì chưa thực tế công ty chưa có dự án, chưa được giao đất nên không thể bán thứ mà mình không có cho khách hàng.
Theo phía HDTC, các đất nền mà Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà bán cho bà Ngọc đều là đất ở của người dân đang ở hoặc chưa giải phóng mặt bằng. Tại thời điểm giao dịch, giá đất mỗi m2 theo hợp đồng chưa đến 2 triệu/m2, nhưng đến nay sau 20 năm, giá đền bù khu vực này cũng đã lên đến gần cả trăm triệu/m2.
Phía HDTC cũng chỉ ra những điều bất thường thể hiện rõ trong 4 hợp đồng mua bán đất nền này, theo đó, mặc dù là người đứng tên tại cả 4 hợp đồng nói trên là bà Văn Bảo Ngọc (bên B), nhưng phần ký dưới hợp đồng (bên B) lại do bà Nguyễn Thị Hạnh ký?!. Điểm bất thường này cần được các cơ quan chức năng làm rõ. Phải chăng thời điểm đứng tên giao dịch bà Ngọc còn ở tuổi vị thành niên, chưa đủ tuổi xác lập giao dịch hợp đồng đối với bất động sản nên mới có chuyện cùng một hợp đồng nhưng lại có hai bên B?
Điều 21, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về Người chưa thành niên như sau:Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Theo quy định này, nếu thời điểm bà Ngọc ký hợp đồng giao dịch liên quan đến bất động sản khi chưa đủ 18 tuổi thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha và mẹ.
Được biết, những giao dịch này đều được thực hiện khi Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà còn là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Sau 21 năm bán đất, những hệ quả của những giao dịch trái pháp luật này lại được “đổ hết” cho nhà đầu tư, những người bỏ tiền ra mua lại phần vốn Nhà nước khi Công ty này cổ phần hóa vào năm 2016.
Đại diện HDTC cho hay, các sai phạm này xảy ra trước đây, từ thời Công ty chưa cổ phần hóa. Sau khi rà soát thì phát hiện phần đất bán cho các khách hàng là đất chưa đền bù giải tỏa, nhưng với thiện chí của mình, HDTC cho biết sẽ đưa ra nhiều phương án có lợi cho khách hàng lựa chọn.
Phương án thứ nhất là HDTC cùng với khách hàng trực tiếp thỏa thuận với người dân để đền bù giải phóng mặt bằng; phương án thứ hai HDTC sẽ cố gắng đền bù gấp vài chục lần theo giá trị hợp đồng đã ký với công ty từ năm 1998. Còn trường hợp khách hàng không đồng tình sẽ đưa sự việc ra tòa, xem xét để tòa tuyên hợp đồng vô hiệu.
Nguồn: Baomoi.com