King Bay của ai?
Chủ đầu tư dự án King Bay quy mô 125ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng tại Nhơn Trạch, Đồng Nai do Công ty Cổ phần Free Land làm chủ đầu tư. Free Land có sự góp mặt của những tên tuổi như CIPM Cửu Long, Tổng công ty Khoáng sản Nari Hamico (KSS).
Tiền thân của Công ty Cổ phần Free Land là Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân. Ngũ Long Tân từng liên kết với Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án Hạ tầng Giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm dự án đường Vành đai 3. CIPM Cửu Long nắm giữ 10% cổ phần Ngũ Long Tân.
CIPM Cửu Long là đơn vị chuyên đầu tư, phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông với nhiều dự án trọng điểm như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, đường cao tốc Trung Lương-TP.HCM, đường Hành lang ven biển, tuyến đường Xuyê
n Á, dự án kết nối đồng bằng sông Cửu Long, Nam Sông Hậu…
CIPM Cửu Long được Bộ Giao thông Vận tải thành lập năm 2011 với mức vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty mẹ công ty con. Trong đó Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là nòng cốt của công ty mẹ và lấy 2 đơn vị bảo trì đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam là Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715 và Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ làm công ty thành viên.
Hồi cuối tháng 9/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý chủ trương tổ chức lại Cửu Long CIPM theo hướng sáp nhập vào Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) và lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận từ một phần của Cửu Long CIPM theo đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải.
Một doanh nghiệp khác từng tham gia góp vốn thành lập Ngũ Long Tân là Tổng công ty Khoáng sản Nari Hamico (KSS). Hồi tháng 12/2014, KSS đã công bố thông tin họp Hội đồng quản trị bàn về việc thành lập Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân và giải thể chi nhánh của tại TP.HCM.
Số vốn góp ban đầu của KSS vào Ngũ Long Tân là 13,5 tỷ đồng, tương ứng 13,5% vốn điều lệ của Ngũ Long Tân. Mục đích thành lập công ty là nhằm thực hiện tiểu dự án Giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch kết hợp khu dân cư Long Tân, Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Hội đồng quản trị KSS cũng đưa ra quyết định giải thể chi nhánh tại TP.HCM do hoạt động không hiệu quả. Chi nhánh này có ở địa chỉ tại phòng 5, tầng 7, tòa nhà Bitexco, số 2 Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Đây cũng là nơi đặt trụ sở cũ của Công ty Ngũ Long Tân trước khi thay đổi địa chỉ kinh doanh về quận Bình Thạnh.
Tổng công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico tiền thân là doanh nghiệp tư nhân Sơn Trang, sau đó được đổi tên thành Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Sơn Trang vào năm 2004. Sau đó đổi tên thành Tổng công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico vào năm 2009.
Dưới thời ông Trần Bắc Hà còn làm lãnh đạo, BIDV mắc khối nợ nghìn tỷ khó có khả năng thu hồi tại KSS. Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2015, Khoáng sản Na Rì Hamico vay nợ tổng cộng 1.398 tỷ đồng, chiếm 75,34% nguồn vốn của công ty. Đáng chú ý, riêng khoản vay từ BIDV đã xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Đây là khoản vay ngắn hạn từ BIDV được sử dụng để chi trả tiền mua nguyên vật liệu, trả lương, thiết bị, nhiên liệu và các hoạt động sản xuất khác… Lãi suất thả nổi theo từng thời điểm hợp đồng vay và dao động từ 10-15%.
Ngày 9/6/2015, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Dĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc KSS về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Trước đó, 2 cán bộ của công ty này cũng bị bắt cùng tội danh.
Là chủ mưu trong vụ làm giả 71 hồ sơ giải ngân để vay cả ngàn tỷ đồng của BIDV, Nguyễn Văn Dĩnh bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Kạn xử phạt với mức án 10 tháng 24 ngày tù.
Một pháp nhân khác liên quan đến dự án King Bay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản TLM. Tại website kingbay.vn, TLM được nhắc tới là đơn vị phát triển dự án King Bay. TLM được thành lập ngày 18/8/2018. Địa chỉ TLM đặt tại số 17 đường N2, phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM.
Ngành nghề kinh doanh chính của TLM là kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, TLM còn có 37 nghề kinh doanh phụ khác. Vốn điều lệ của TLM khi mới thành lập là 60 tỷ đồng. TLM có 3 cổ đông, với 2 pháp nhân và 1 cá nhân.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Địa ốc Thái Dương nắm 2,82 triệu cổ phần, tương đương 47% vốn điều lệ TLM. Công ty Địa ốc Thái Dương có cùng địa chỉ với Công ty TLM.
Còn pháp nhân thứ 2 là Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Star Beach nắm 1,98 triệu cổ phần, tương đương 33% vốn điều lệ TLM. Star Beach đặt trụ sở tại căn S04 Saigon Pearl, 92 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Cá nhân duy nhất giữ cổ phần của TLM là Trần Đức Thịnh ở 82/18A, khóm 3, phường 3, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Ông Thịnh nắm 1,2 triệu cổ phần của TLM, tương đương 20% vốn điều lệ.
Người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc của TLM là bà Nguyễn Thị Thanh Tú, sinh ngày 10/9/1980. Bà Tú có hộ khẩu thường trú ở số 17 đường N2, phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM. Đây cũng chính là nơi địa chỉ đăng ký kinh doanh của TLM.
Lừa đảo?
Quay trở lại Công ty Cổ phần Free Land, người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc của Free Land là bà Vũ Minh Lý. Vừa qua, ông Phạm Ngọc Kế ở phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM tố bà Vũ Minh Lý lừa đảo, chiếm đoạt cổ phần của ông tại Công ty Free Land.
Tổng số tiền chuyển nhượng cổ phần bị bà Lý chiếm đoạt lên tới 6,6 tỷ đồng. Vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản này có liên quan đến dự án King Bay mà Công ty Cổ phần Free Land đang làm chủ đầu tư.
Theo ông Kế, tháng 1/2012 KSS bổ nhiệm ông làm Phó tổng Giám đốc kiêm Trưởng văn phòng đại diện tại TP.HCM. Sau đó 5 tháng, KSS liên doanh với Cửu Long CIPM để cùng hợp tác thực hiện khu dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch.
Công ty liên doanh trên thành lập chi nhánh tại TP.HCM năm 2013 và bổ nhiệm ông Kế làm Giám đốc. Sau khi nhậm chức ông Kế bỏ toàn bộ chi phí và công sức để xin hồ sơ thành lập dự án tại Nhơn Trạch.
Năm 2014, công ty liên doanh giải thể chi nhánh TP.HCM và thành lập Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân. Ông Kế giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và bà Vũ Minh Lý làm Tổng Giám Đốc để tiếp tục thực hiện dự án.
Tháng 4/12/2015, Công ty Ngũ Long Tân được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép quy hoạch dự án Khu dân cư 125ha, mà hiện nay chủ đầu tư lấy tên thương mại là Khu đô thị sinh thái ven sông King Bay.
Ông Kế cho biết, ngày 21/12/2015, bà Lý là người nắm giữ nhiều cổ phần nhất của công ty đã ép ông Kế phải chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần của mình cho bà Lý với giá 6,6 tỷ đồng để bà Lý có thể lên nắm toàn quyền trong công ty. Tuy nhiên, sau khi hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần xong cho đến nay thì bà Lý lại không thanh toán số tiền chuyển nhượng cổ phần cho ông Kế.
Theo ông Kế, ngày 16/10/2016, tại nhà riêng của ông ở số 688/57/50B Lê Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM xuất hiện nhóm người lạ mặt, xông thẳng vào nhà “đòi thanh toán”. Vụ việc này được Công an quận Gò Vấp ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 57/TB-CQCSĐT ngày 10/01/2017.
Tiếp đó, ngày 10/6/2019, ông Kế cùng với luật sư đến số nhà 222 Lý Thái Tổ, ấp 3, Phú Thạnh, Nhơn Trạch, Đồng Nai để đòi lại số tiền chuyển nhượng mà bà Lý đã mua. Việc đòi lại tiền không thành, sau khi vừa ra khỏi số nhà trên thì có 4 thanh niên đi 2 xe máy dùng cây tràm rượt đuổi và đánh đập ông Kế. Sự việc này, ông kế đã trình báo Công an xã Phú Thạnh và có lập biên bản làm việc.
Theo ông kế, cho đến thời điểm hiện tại, ông nhiều lần liên hệ, yêu cầu bà Lý thanh toán số tiền chuyển nhượng cổ phần theo hợp đồng. Tuy nhiên bà Lý không những không thanh toán mà còn thách thức, đe dọa tôi với mục đích chiếm đoạt số tiền trên.
Chủ đầu tư dự án King Bay đứng trên pháp luật: King Bay có thoát được “án tử” khu đô thị ma?
Hàng chục chủ đầu tư, hàng trăm dự án với hàng ngàn hecta đất ở Nhơn Trạch đang bỏ hoang vì không có người ở. Nhơn Trạch được mệnh danh là khu đô thị ma, liệu King Bay có thoát khỏi “án tử” này?
Nguồn: Cungcau.vn