Như nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nhóm chủ ACB cần một hệ sinh thái kinh doanh nhiều pháp nhân và cá nhân…
ACB được coi là hình mẫu của ngân hàng thương mại lành mạnh khi gần như các nhà băng ngoài quốc doanh khác đều có hiện tượng tuồn vốn đầu tư ngược ra “sân sau” của nhóm chủ, mà phổ biến nhất là vào lĩnh vực bất động sản…
Lạc Hồng Resort
UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 12/12/2018 có Quyết định số 8228/UBND-XD về việc điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng dự án Khu nghỉ dưỡng khách sạn – resort Lạc Hồng tại Khu du lịch hồ Tuyền Lâm do CTCP Du lịch Sinh thái Lạc Nam làm chủ đầu tư.
Theo đó, diện tích lập quy hoạch 11,31ha, gồm 1.315 m2 xây dựng nhà hội thảo – khách sạn; 18 villa các loại; 898 m2 xây dựng công trình dịch vụ công cộng. Còn lại là 11.168 m2 công trình không có mái che và lên tới 96.839 m2 cây xanh, tương đương mật độ xây dựng đối với công trình có mái che chỉ ở 4,5%.
Hồ Tuyền Lâm thuộc TP. Đà Lạt là địa điểm nghỉ dưỡng với điều kiện tự nhiên “có 1-0-2”, cách TP.HCM 6 tiếng chạy xe. Sở hữu một khu resort ở đây từ lâu đã là mong ước của không ít đại gia Sài Thành.
Khu du lịch Lạc Hồng với mật độ xây dựng rất thấp cho thấy mục tiêu của chủ đầu tư chưa hẳn đã là vì lý do thương mại thông thường.
Dù đã được cấp phép cả thập kỷ, song chủ nhân dự án 11,31ha nằm bên bờ hồ Tuyền Lâm cho tới nay vẫn là điều bí ẩn với đa phần công chúng.
Theo tìm hiểu, CTCP Du lịch Sinh thái Lạc Nam được thành lập năm 2007. Dữ liệu về doanh nghiệp này không có nhiều. Đáng chú ý, ngay trước khi UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, Lạc Nam ngày 5/12/2018 đã tiến hành tăng mạnh vốn điều lệ, từ 20 tỷ đồng lên 75 tỷ đồng, trong một động thái khẳng định năng lực tài chính và độ nghiêm túc đối với dự án.
Biết rằng dự án được cấp đất từ năm 2010 và suốt nhiều năm sau đó triển khai chậm chạp, dẫn tới nguy cơ bị thu hồi.
Lạc Nam có 3 cổ đông, gồm 2 pháp nhân và 1 cá nhân. Trong đó Công ty TNHH Xây dựng An Cư và CTCP Đầu tư Thời Đại chia nhau nắm 90%. 10% còn lại được sở hữu bởi Tổng giám đốc Trần Trọng Nhân.
3 cổ đông này đều liên hệ khá rõ nét đến gia đình Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Trần Hùng Huy. Cụ thể, ông Trần Trọng Nhân sinh năm 1987, là Tổng giám đốc và sở hữu 90% cổ phần CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh – một trong 3 pháp nhân tham gia tái cơ cấu sở hữu cổ phần ACB hồi đầu năm theo như lời giải thích của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy.
CTCP Đầu tư Thời Đại là chủ đầu tư dự án toà nhà văn phòng 442-444 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP.HCM có diện tích sàn 12.040 m2. Khu đất vàng nằm cách trung tâm Quận 1 không xa từng thu hút sự chú ý của công luận với vụ kiện đòi tài sản của một Việt Kiều Bỉ; bị đơn chính là CTCP Đầu tư Thời Đại và vợ chồng doanh nhân kỳ cựu Trần Mộng Hùng – Đặng Thu Thuỷ (bố mẹ ông Trần Hùng Huy).
Tại website chính thức (Ancucorp.vn), An Cư Corp giới thiệu là thương hiệu hàng đầu trong mảng thiết kế nội thất bếp cao cấp tại Việt Nam, phục vụ hàng trăm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp mỗi năm.
Về phần mình, Công ty TNHH Xây dựng An Cư (An Cư Corp) có lịch sử khá lâu đời, được thành lập từ năm 1992.
“Từ chỗ là một nhà thầu phụ, sau 26 năm, An Cư với nội lực mạnh mẽ cùng nguồn tài chính bên ngoài và quản trị chuyên nghiệp đã và đang trở thành lựa chọn hàng đầu cho các dự án lớn trong đủ các lĩnh vực, từ nhà thầu chính, tổng thầu EPC cho tới BOT, BT, BOO. An Cư hiện đang ký hợp đồng xây dựng cơ bản, công nghiệp cùng các dự án hạ tầng trên khắp cả nước”, website An Cư mô tả.
Đáng chú ý, An Cư Corp không giấu diếm tham vọng dấn mạnh sang lĩnh vực bất động sản: “Tập đoàn hiện có vốn điều lệ 122 tỷ đồng, và đủ năng lực tài chính để định hướng, lên kế hoạch hướng tới mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ở ngắn hạn, An Cư sẽ tăng mạnh vốn để thực hiện nhiều dự án lớn nhằm khẳng định vị thế và năng lực trong lĩnh vực tư vấn và xây dựng”.
Dự án đầu tay mà An Cư Corp giới thiệu chính là Lạc Hồng Resort – tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp bên hồ Tuyền Lâm. Còn nguồn lực tài chính mạnh mẽ doanh nghiệp này đề cập đến từ đâu, phân tích cơ cấu cổ đông của An Cư sẽ mang tới những hình dung cụ thể hơn.
Cổ đông lớn nhất, đóng vai trò chi phối An Cư Corp là ông Trần Vũ Hiền với tỷ lệ nắm giữ 78,95%. Cổ đông lớn thứ hai là bà Vũ Thị Hạnh (13,16%), có cùng địa chỉ thường trú với ông Hiền.
Nơi cư trú của cặp đôi doanh nhân này trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận hiện là một chi nhánh của Ngân hàng ACB.
Bản thân ông Trần Vũ Hiền còn đứng tên ở hai doanh nghiệp khác, là CTCP Công thương Phú Hoà và Công ty TNHH Công thương Thiên Phú – những thành viên trong hệ sinh thái kinh doanh có liên hệ mật thiết tới gia đình Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy.
Ngoài ra, doanh nhân họ Trần sinh năm 1983 hiện đang phụ trách 7 chi nhánh của hệ thống siêu thị Cocomart – chuỗi bán lẻ được phát triển bởi CTCP Công thương Vĩnh Thái.
Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Vĩnh Thái – ông Phạm Trần Nhã sinh năm 1982 cũng đóng vai trò mắt xích quan trọng, là cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Thương mại Nghi Lan – pháp nhân tham gia vào thương vụ trái phiếu 1.400 tỷ đồng thế chấp bằng 60,77 triệu cổ phiếu ACB mà Nhadautu.vn đã đề cập cách đây không lâu.
Ở một chi tiết đáng lưu ý, An Cư Corp đóng trụ sở tại 29 Ter Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM. Khu đất rộng 4.153 m2 hai mặt tiền Nguyễn Đình Chiểu – Mạc Đĩnh Chi thuộc sở hữu của ACB, từng được rao bán với giá lên tới 1.450 tỷ đồng.
Lô đất vàng sau đó được ACB xây dựng Trung tâm Học tập (Learning Hub) và đi vào hoạt động từ tháng 9/2018. An Cư Corp trực tiếp sở hữu 1 triệu cổ phần CTCP Xây dựng Liên Á – nhà thầu xây dựng công trình này.
ACB trước nay được biết đến với hình ảnh khá sạch. Tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại luôn ở mức cao cũng là một bảo chứng cho hệ thống quản trị minh bạch mà Chủ tịch Trần Hùng Huy và các cộng sự đã và đang dày công xây dựng.
ACB bởi vậy được coi là hình mẫu của một ngân hàng thương mại lành mạnh, trong bối cảnh gần như các nhà băng ngoài quốc doanh khác đều có hiện tượng tuồn vốn, đầu tư ngược ra “sân sau” của nhóm chủ, mà phổ biến nhất là vào lĩnh vực bất động sản.
Không phải ACB không có những khoản cho vay tương tự, như đối với Lạc Hồng Resort hay cao ốc văn phòng 442-444 Nguyễn Thị Minh Khai.
Tuy nhiên, cùng những dự án khác (có thể) được triển khai trong tương lai, miễn là quan hệ tín dụng này được ký kết trên cơ sở minh bạch, tuân thủ các giới hạn an toàn của Ngân hàng cũng như quy định pháp luật, thì nó không hề mang hàm nghĩa tiêu cực, mà ngược lại sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô, thông qua bên cho vay, bên đi vay cũng như phát triển đô thị của các địa phương.
Như nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nhóm chủ ACB cần một hệ sinh thái kinh doanh chằng chịt với nhiều pháp nhân và cá nhân. Mỗi một trong số họ đóng vai trò nhất định và cùng nhau vận hành cả hệ thống linh hoạt và trơn tru. Một số cái tên nổi bật là bộ 3 pháp nhân tham gia tái cấu trúc 51,7 triệu cổ phiếu ACB hồi đầu năm, gồm CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sen, CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh, CTCP Đầu tư Thương mại Vân Môn; 2 pháp nhân trong thương vụ trái phiếu 1.400 tỷ đồng vừa qua là CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng và CTCP Đầu tư Thương mại Nghi Lan; hay CTCP Công thương Vĩnh Thái hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Ngoài ra còn phải kể đến CTCP Công thương Phú Hoà, Công ty TNHH Công thương Thiên Phú, CTCP Đầu tư Thương mại Chi Anh, CTCP Đầu tư Thương mại Đinh Lăng; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư SP, Công ty TNHH BĐS Thương mại Thời Đại… Cấu trúc vận hành và hoạt động của hệ sinh thái thú vị này sẽ được đề cập trong một dịp khác. |
Theo Nhadautu
Link bài gốc:
https://baodatviet.vn/bat-dong-san/tu-van-dau-tu/nhom-chu-acb-va-resort-kin-tieng-o-da-lat-3391856/
https://nhadautu.vn/resort-kin-tieng-o-da-lat-cua-nhom-chu-acb-d30428.html