Giấc mơ kinh tế Trung Quốc sẽ chấm dứt nếu bong bóng bất động sản của nước này vỡ, giống như Nhật Bản trước đây…
Trong năm 2020, rủi ro kinh tế chính của Trung Quốc không đến từ cuộc chiến thương mại, mà đến từ thị trường bất động sản đang rơi vào lạm phát của nước này.
Ngày 2/10, tạp chí Cầu Thị, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đăng tài toàn bộ bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình khi nói về những thách thức của Trung Quốc.
Theo đó, vào năm 2020, rủi ro kinh tế chính của Trung Quốc không đến từ cuộc chiến thương mại, mà từ thị trường bất động đang phồng lên qua mức của nước này.
“Không một yếu tố bên ngoài nào có thể đủ sức tác động đến Trung Quốc. Thế lực duy nhất đánh bại được đất nước này là từ các vấn đề nội bộ”.
Thị trường bất động sản của Trung Quốc là một mối đe dọa có khả năng xảy ra cao, tạo ra tác động lớn, nhưng đã bị phớt lờ (*). Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều biện pháp kích thích đã được đưa ra. Năm 2015, Trung Quốc đã có 6 đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, tới cuối năm này, bong bóng chứng khoán đã vỡ và chỉ số Shanghai Composite giảm khoảng 50% so với thời kỳ đỉnh cao vào năm 2015.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Caixin hồi đầu tháng này, ông Lưu Thế Cẩm, nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc cho biết, mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay vẫn nằm trong tầm tay, nhưng chính phủ cần phải có các biện pháp mạnh trong năm 2020.
Giới chuyên gia đang so sánh giữa sự nóng lên của thị trường nhà đất Trung Quốc hiện nay với hiện tượng bong bóng nhà đất tại Nhật Bản, vốn đã vỡ trong năm 1991, khiến nền kinh tế nước này rơi vào “nhiều thập kỷ mất mát”.
Giống như Nhật Bản, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một quốc gia hàng đầu về thương mại. Cả hai nước đều là một trong những quốc gia chủ nợ hàng đầu thế giới với văn hóa tiết kiệm cao, phụ thuộc nhiều vào hoạt động vay nợ từ ngân hàng đã tạo ra mô hình tăng trưởng kinh tế với đòn bẩy cao.
Ông Ben Bernanke, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, kết luận rằng, tình trạng giảm phát diễn ra sau khi bong bóng nhà đất Nhật Bản vỡ là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã thực hiện các chính sách tiền tệ vào thời điểm không thích hợp và chưa được cân nhắc kỹ.
Năm 2020, rủi ro kinh tế chính của Trung Quốc đến từ thị trường bất động đang rơi vào lạm phát. Ảnh: AFP. |
Bất chấp những cảnh báo của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi năm 2017 rằng, “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”, giá trị thị trường nhà đất Trung Quốc đã tăng mức gấp 2 lần quy mô của nền kinh tế các nước G7 cộng lại. Với giá trị 65.000 tỷ USD, thị trường bất động sản đang gấp 5 lần GDP Trung Quốc năm 2018 và 10 lần thị trường chứng khoán nước này.
Năm 2019, bong bóng bất động sản của Trung Quốc đang bị xì hơi – trên cả hai phía cung và cầu.
Về phía nhu cầu, kỳ vọng của thị trường rằng nhà ở sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao đang giảm dần. Bắc Kinh biết rằng Trung Quốc đã đạt dân số vàng trong 2 năm trước. Hiện nay, khi dân số bắt đầu già đi và lực lượng lao động bị thu hẹp, nhu cầu về nhà ở sẽ suy yếu. Đây cũng là vấn đề mà Nhật Bản đang phải vật lộn trong 1 thập kỷ qua.
Và khi lợi nhuận của công ty suy giảm khi chi phí vay cao hơn và những biện pháp kích thích theo trường phái trọng cung (supply-side) giảm dần, việc giá nhà Trung Quốc suy giảm là điều không thể tránh khỏi.
Gần đây, nhà phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc là Soho China, đang tìm cách bán tất cả các tài sản thương mại cốt lõi ở Bắc Kinh và Thượng Hải trị giá 8,5 tỷ USD. Đó có lẽ là một sự hoảng sợ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng 3,8% trong tháng 10/2019. Việc nới lỏng tiền tệ thêm nữa sẽ có nguy cơ gây ra lạm phát. Tình trạng đình lạm (**) sẽ là “bóng ma” mới trong nền kinh tế Trung Quốc.
Nếu bong bóng bất động sản Trung Quốc vỡ, các quyết định chính sách tiền tệ của Trung Quốc – có nới lỏng hay không, và quy mô như thế nào và khi nào – sẽ chỉ phức tạp và khó thực hiện hơn so với những gì mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phải đối mặt vào cuối những năm 1980.
Những xung đột thương mại luôn có thể được giải quyết bằng cách điều chỉnh lại các dòng chảy giao thương toàn cầu. Tuy nhiên, giấc mơ kinh tế Trung Quốc sẽ chấm dứt nếu bong bóng bất động sản của nước này vỡ, giống như Nhật Bản trước đây.
(*) Giới phân tích thường dùng từ “Grey Rhino”, để mô tả thị trường bất động sản Trung Quốc, một cụm từ chỉ về một mối nguy có thể tạo ra tác động lớn, có khả năng xảy ra cao, nhưng bị phớt lờ.
(**) Stagflation: Tình trạng đình lạm, trong đó tăng trưởng kinh tế của một nước suy yếu trong khi tỷ lệ lạm phát cao.
Bài viết thể hiện quan điểm của ông Shirley Ze Yu, nhà kinh tế học chính trị thuộc trung tâm Ash Centre, của trường Harvard Kennedy School.
Theo Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/bat-dong-san/khong-phai-thuong-chien-bong-bong-bat-dong-san-moi-la-rui-ro-lon-nhat-cua-trung-quoc-3331548/