Sau thời hoàng kim ngắn ngủi, condotel đang chững lại khi tỷ lệ giao dịch thành công chỉ đạt ở mức 25% so với mức 70% của giai đoạn 2016 – 2017.
Thời hoàng kim ngắn ngủi
Xuất hiện từ cuối năm 2015, condotel đã nhanh chóng gây được sự chú ý trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và trở thành một trong những sản phẩm đầu tư thu hút sự quan tâm lớn nhất trên thị trường.
Tại thời điểm mới xuất hiện, loại hình này không chỉ hấp dẫn trong mắt các nhà phát triển dự án mà còn hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư thứ cấp và nhà đầu tư cá nhân.
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), chỉ tính riêng 4 địa phương: Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc và Hạ Long, trong giai đoạn 2015 – 2018 đã có khoảng 30.000 sản phẩm condotel được tung ra thị trường.
Thời điểm đó, nguồn cung này được so sánh tương đương với tổng lượng sản phẩm đất nền – một sản phẩm đầu tư truyền thống tung ra trong vòng 10 năm vừa qua.
Trong đó, giai đoạn 2016 – 2017 được xem là thời kì hoàng kim của condotel tại Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), tổng nguồn cung condotel trên cả nước năm 2016 đã lên tới 16.000 căn.
Nguồn cung condotel giai đoạn 2016 – 2019. Ảnh: NCĐT tổng hợp |
Đến năm 2017, theo thống kê của VARs, phân khúc condotel đã cung cấp ra thị trường khoảng 26.364 căn, Nha Trang chiếm hơn 1 nửa trong số này.
Condotel rơi vào thoái trào
Tuy nhiên, thời kì huy hoàng chưa kéo dài được bao lâu thì những yếu điểm của loại hình bất động sản “con lai” dần lộ ra khiến nhà đầu e dè. Do đó, thị trường condotel ghi nhận sự chững lại về cả nguồn cung lẫn lượng giao dịch.
Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & tư vấn, Savills TP.HCM, cơn sốt đầu tư condotel lan tỏa trên phạm vi rộng đã chững lại trong năm 2019 khiến thanh khoản toàn thị trường giảm mạnh.
Thống kê của VARs cho thấy, thanh khoản condotel bắt đầu chậm lại từ nửa cuối năm 2018 khi chỉ khoảng 20% số căn được giao dịch thành công so với mức 70% của năm trước. Con số này có nhích nhẹ đôi chút trong giai đoạn nửa đầu năm 2019 nhưng tỷ lệ giao dịch thành công cũng chỉ đạt ở mức 25%.
Tốc độ tăng trưởng của nguồn cung condotel cũng giảm mạnh trong giai đoạn sau 2017. Ví dụ, nguồn cung tại Khánh Hòa chỉ tăng trung bình 7%/năm so với mức 239%/năm trong 2 năm trước đó.
Tỷ lệ nguồn cung condotel theo khu vực. Ảnh: VARs |
Giao dịch chậm lại khiến lượng hàng tồn kho cao. Tính đến hết quý III/2019, thị trường bất động sản Việt Nam đang ghi nhận tồn đọng đến gần 30.000 căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) trải dài với các dự án từ bắc đến nam, trong đó tập trung vào các tỉnh có bờ biển dài, địa phương du lịch như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Vũng Tàu, Phú Quốc…
Theo số liệu của Bộ Xây dựng tổng hợp từ 22 Sở Xây dựng có báo cáo, trong quý III/2019, chỉ có 198 căn hộ du lịch (condotel) được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định
Bộ Xây dựng dự báo trong các quý tiếp theo sẽ gần như không có căn condotel hay biệt thự biển mới nào được tung ra thị trường.
Chuyển đổi sang nhà ở
Trước những điểm yếu và sự chững lại của thị trường, hiện nay nhiều dự án condotel đnag tìm cách chuyển đổi sang nhà ở.
Mới đây, Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) đã thông báo về việc không thể chi trả lợi nhuận 12%/năm như đã cam kết trước đó với nhà đầu tư mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng vì những khó khăn về dòng tiền.
Cùng với đó, công ty Thành Đô cũng đưa ra một số hướng giải quyết đối với các khách hàng đã mua sản phẩm condotel tại Cocobay Đà Nẵng.
Trong đó, chủ đầu tư đưa ra giải pháp, khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường. Chủ sở hữu cũng có thể giao lại cho chủ đầu tư căn hộ đó để tiếp tục kinh doanh với những cam kết về thu nhập cố định hàng năm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư vướng trong câu chuyện đầu tư condotel dẫn đến rủi ro, là hậu quả tại thời điểm tham gia đầu tư thì cả chủ đầu tư và nhà đầu tư đều chưa xác định rõ condotel là cái gì. Có tình trạng nhà đầu tư coi đó là nhà ở nên nhiều người đầu tư vào vì giá rẻ hơn nhà ở.
“Bộ cũng đang tiếp nhận rất nhiều dự án đề nghị điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thậm chí điều chỉnh từ Condotel sang nhà ở rất lớn lên tới hàng chục nghìn căn”. Bộ Xây dựng đang có ý kiến về vấn đề này. Điều chỉnh cơ cấu sản phẩm ở phân khúc căn hộ trung bình, diện tích 50-60m2”, ông Khởi thông tin thêm.
Theo Nhịp cầu đầu tư
Link bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/bat-dong-san/tu-thoi-hoang-kim-den-con-thoai-trao-cua-condotel-3331660/