Năm 2020 là năm sẽ chứng kiến nhiều luật liên quan đến nhà ở được sửa đổi, bổ sung, kỳ vọng khai thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Đầu tiên phải kê đến là Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (triển khai từ tháng 1/2020) xác định lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, kiểm soát tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản, buộc các doanh nghiệp bất động sản phải nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư kinh doanh và tìm kiếm thêm các nguồn vốn đầu tư thay thế.
Tiếp nữa, vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (thi hành từ tháng 1/2020).
Đáng chú ý là việc xử lý nghiêm các hành vi tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở (phạt tiền đến 1 tỷ đồng), bỏ hoang đất, mua bán đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lấn chiếm đất (bị phạt tới 1 tỷ đồng), buộc khắc phục hậu quả…
Điều này hy vọng nâng cao hơn nữa việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, chấn chỉnh tình trạng vi phạm hành chính về đất đai đang diễn ra phổ biến ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh; trong đó, có TP.HCM.
Thứ ba, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam cho phép xây dựng căn hộ nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 25m2/căn, mở ra triển vọng giải quyết nhu cầu nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư, giới trẻ mới lập nghiệp và mới lập gia đình.
Song song đó, thời gian qua TP.HCM đã tích cực xem xét, rà soát, giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố, đặc biệt là quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, định kỳ hàng quý lãnh đạo thành phố đều gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và định hướng thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Theo đó, năm 2020 thành phố xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển toàn diện kinh tế xã hội với 21 chỉ tiêu; trong đó, tăng cường quản lý trật tự đô thị, xây dựng trên địa bàn, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù.
TP.HCM sẽ tập trung chuyển đổi và khai thác nguồn lực đất đai, thực hiện các đề án lớn như điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố, xây dựng chính quyền đô thị, phát triển thành phố thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sau khi có hướng dẫn phương án sử dụng đất, kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép thành phố thực hiện cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất.
Đồng thời, TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án, đối thoại thường xuyên với các doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh các bất cập, không đồng bộ giữa quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, nâng cao chất lượng quy hoạch về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, rà soát quy hoạch xây dựng, cải tạo chỉnh trang phát triển đô thị.
Những định hướng nêu trên hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển các lĩnh vực, ngành nghề của thành phố; trong đó, có lĩnh vực kinh doanh bất động sản – vốn là ngành đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của thành phố.
Để thị trường bất động sản thành phố phát triển bền vững, minh bạch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) mới đây đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng đi đôi với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đối thoại của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với người dân và cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, có doanh nghiệp bất động sản.
Theo đó, HoREA kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện hoán đổi phần đất thuộc Nhà nước quản lý để lấy đất đã có hạ tầng của dự án theo tỷ lệ do Nhà nước quy định; kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố sớm hoàn thiện quy trình, thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất để rút ngắn thời gian làm thủ tục và đảm bảo kết quả tính tiền sử dụng đất hợp lý, không làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
HoREA kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước và được tiếp tục triển khai dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết cùng mặt bằng pháp lý, nhưng so với nhiều địa phương khác các dự án nhà ở tại TP.HCM bị vướng. Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen cài đất do Nhà nước quản lý) như nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại chưa được phê duyệt, là chưa đảm bảo tính công bằng.
Cụ thể, từ ngày 10/12/2015 (ngày Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014, có hiệu lực) đến tháng 8/2018, đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc các thủ tục đầu tư, dù đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP.HCM, nhưng không làm được thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo.
Bên cạnh đó, từ ngày 7/3/2017 (ngày ban hành Văn bản 342/TTg-V.I), đã có 158 dự án nhà ở liên quan đến sử dụng quỹ đất công, đã bị tạm dừng để rà soát các thủ tục đầu tư đã được thực hiện trước đây. Đến tháng 3/2019, lãnh đạo cơ quan trung ương và TP.HCM đã công bố cho phép 124 dự án được tiếp tục hoạt động bình thường, song thực chất nhiều dự án đến nay vẫn chưa hoạt động bình thường.
Ông Châu cho biết HoREA đã đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có). Đồng thời, cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường BĐS, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.