Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến hiện đang bước vào giai đoạn hoàn thiện. Đây là dự án đầu tiên Quảng Ninh thực hiện thu hút vốn ngoài ngân sách để triển khai, tạo đột phá về phát triển hạ tầng giao thông. Với hành trình từ ý tưởng đến hành động, cây cầu nối liền hai bờ sông lịch sử Bạch Đằng đang dần hiện hữu.
Cây cầu PPP đầu tiên
Với ý tưởng tạo đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, Quảng Ninh đã chủ động đề xuất và được Chính phủ cho phép tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai cao tốc Hạ Long – cầu Bạch Đằng thông qua việc thực hiện tiết kiệm chi mỗi năm 1.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Việc hình thành tuyến cao tốc đầu tiên với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của tỉnh thời điểm cuối năm 2014 là nỗ lực rất lớn của Quảng Ninh, được trung ương và các địa phương trong cả nước đánh giá là điển hình trong đổi mới, cải cách.
Lễ khởi công Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến ngày 25/1/2015. |
Tuy nhiên, để kết nối, thông tuyến với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đến Hạ Long thành tuyến cao tốc đồng bộ, phương án vượt sông Bạch Đằng là trở ngại lớn nhất. Bởi, lưu vực hai bờ sông Bạch Đằng rộng, nền đường nối chủ yếu là đầm lầy, thời điểm đó phương án phà vượt sông được tính đến khi tuyến cao tốc hoàn thành. Lý do là vì nếu làm cầu sẽ gặp nhiều yếu tố thi công phức tạp do khu vực bị ảnh hưởng không lưu cảng hàng không Cát Bi (TP Hải Phòng), dự toán vốn đầu tư phải trên 7.000 tỷ đồng mới thi công được. Trong khi sử dụng vốn từ tiết kiệm chi của tỉnh theo tính toán phải mất gần 10 năm mới đủ…
Để tìm hướng tháo gỡ khó khăn, tỉnh đã tổ chức hàng chục cuộc họp nghiên cứu, bàn phương án. Trực tiếp các đồng chí lãnh đạo tỉnh thời điểm đó đã phải tìm hướng đi mới, tham vấn các chuyên gia kinh tế và đi đến quyết định huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực từ các nhà đầu tư chiến lược…
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kiểm tra biểu tiến độ thi công dự án cầu Bạch Đằng. |
Từ định hướng và quyết tâm chính trị cao, Quảng Ninh đẩy nhanh giải phóng mặt bằng (GPMB), thực hiện nhất quán các chính sách khuyến khích đầu tư, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, đồng thời công bố rộng rãi các ý tưởng quy hoạch nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược… Với cách làm này, trong thời gian ngắn, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quan tâm nghiên cứu đầu tư cầu Bạch Đằng.
Nối đôi bờ sông lịch sử
Tại một buổi làm việc với các nhà đầu tư cùng chung ý tưởng tham gia làm cầu diễn ra vào đầu năm 2014, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khi đó là đồng chí Phạm Minh Chính đã quyết định: Cây cầu có vốn đầu tư lớn, trong khi thời gian gấp rút, phải hoàn thành đồng bộ với tuyến cao tốc Hạ Long – cầu Bạch Đằng. Vì thế, Quảng Ninh sẽ huy động sức mạnh tập thể, yêu cầu các nhà đầu tư thành lập liên danh để cùng góp vốn làm cầu Bạch Đằng.
Cầu Bạch Đằng đã hợp long biên trong tháng 3/2018. |
Sau quyết định trên, liên danh 8 nhà đầu tư đã được lập, các phương án thiết kế, thủ tục pháp lý, doanh nghiệp dự án được gấp rút triển khai. Từ phương án kết cấu cầu thép, cầu dây văng một mặt phẳng để giảm trọng lượng, đối phó với vấn đề nền móng yếu và rút ngắn thời gian thi công… lần lượt được các cơ quan có trách nhiệm tham góp ý kiến và thống nhất phương án thi công cầu Bạch Đằng là cầu dây văng nhiều nhịp hệ cáp 2 mặt phẳng. Dự án chính thức được khởi công ngày 25/1/2015 bên bờ sông lịch sử Bạch Đằng.
Thời gian đầu dự án triển khai cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác GPMB, đường dẫn phía TP Hải Phòng phụ thuộc vào tinh thần hỗ trợ và trách nhiệm của tỉnh bạn. Trong khi đây là dự án cầu dây văng nhiều nhịp hệ cáp 2 mặt phẳng lớn thứ 3 trong số 7 cầu như vậy trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, bị ảnh hưởng bởi không lưu cảng hàng không Cát Bi, dẫn đến độ cao của tháp thấp, các khối đúc lớn…, nay lại do Việt Nam tự thiết kế và tổ chức thi công, các yếu tố về kỹ thuật, công nghệ lần đầu được tiếp cận và áp dụng, vì thế đòi hỏi kỹ thuật thi công phải thật tỉ mỉ, đúng quy trình.
Trước những khó khăn đó, Quảng Ninh tiếp tục vận dụng linh hoạt các giải pháp, chủ động tạm ứng tiền cho TP Hải Phòng để tổ chức GPMB, bảo lãnh và đẩy nhanh tiến độ thẩm định thiết kế kỹ thuật để ngân hàng giải ngân vốn… Đối với các giải pháp kỹ thuật, tỉnh thường xuyên đề xuất hỗ trợ công nghệ từ các chuyên gia cầu đường hàng đầu Việt Nam, đề nghị Bộ GT-VT hỗ trợ, tổ chức họp bàn các giải pháp công nghệ ứng dụng vào thi công, như: Tận dụng nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay đổi phương án dầm thép bằng dầm bê tông dự ứng lực để không phải nhập khẩu thép mác cao từ nước ngoài, tiết kiệm chi phí…
Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã bố trí sẵn 5 phòng thí nghiệm ngay tại công trường, yêu cầu các đơn vị tư vấn, thiết kế thường trực, thiết kế và thí nghiệm tại chỗ. Chủ động chuẩn bị sẵn các nguồn vật tư, vật liệu, đảm bảo không bị trì hoãn do thiếu nguyên vật liệu trong khi tổ chức thi công. Trong chỉ đạo và điều hành, chủ đầu tư đã thành lập các tổ giám sát độc lập, kiểm tra chặt chẽ việc huy động nhân lực, phương tiện máy móc theo hợp đồng đã ký của từng gói thầu; cương quyết, loại bỏ các nhà thầu thiếu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể dự án.
Trong quá trình tổ chức thi công, kinh nghiệm tại mỗi công đoạn đều được tích lũy và cải tiến. Đơn cử như thời gian đúc hẫng những đốt dầm cầu đầu tiên kéo dài từ 21 ngày, sau chỉ còn 13 ngày/đốt, tương tự công tác căng kéo và căn chỉnh cáp, thời gian được rút ngắn do áp dụng biện pháp đúc sẵn ụ neo… Sau hơn 3 năm nỗ lực triển khai, những đốt hợp long đầu tiên đã lần lượt được thực hiện, vị trí cách xa nhất nối đôi bờ dòng sông chỉ còn 23m.
Chỉ còn 23m nữa, biểu tượng lịch sử về kỹ thuật thi công cầu đường của ngành GT-VT Việt Nam chính thức hợp long để chuyển sang giai đoạn hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong tháng 6/2018. Cầu Bạch Đằng đang từng ngày vươn dài và sẽ bừng sáng trên dòng sông huyền thoại Bạch Đằng, nơi ghi dấu những chiến công lẫy lừng của dân tộc trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.
Theo: Báo QuảngNinh