Trong thị trường vận tải hàng không siêu thanh vốn đang được rất nhiều bên quan tâm thì ngoài phân khúc máy bay vận tải thương mại siêu thanh phục vụ cho số đông còn có phân khúc máy bay doanh nhân siêu thanh (Supersonic Business Jet hay SSBJ), cũng giống như phản lực cơ doanh nhân hiện tại. Mảng máy bay này cũng đang gặp phải nhiều vấn đề cố hữu của hàng không siêu thanh và liệu những chiếc máy bay giúp một doanh nhân hay chính khách bay từ New York đến London chỉ trong 1 giờ có sớm trở thành hiện thực? Nhà phân tích hàng không Bryan Foley tỏ ra lạc quan và ông cho rằng những rủi ro của hàng không siêu thanh đang dần được giảm bớt.
Trong khi sự tồn tại của thị trường vận tải hàng không này vẫn đang để mở và đầy triển vọng nhưng những yếu tố về chi phí, rủi ro liên quan đến an toàn, luật pháp và cả những vấn đề về tiếng ồn từ động cơ hay khi máy bay phá vỡ tường âm thanh (tiếng nổ siêu thanh – sonic boom) đã khiến các bên đầu tư chùn chân. Kết quả là đến hiện tại, vẫn chưa có chiếc máy bay vận tải siêu thanh hoàn chỉnh này được công bố, cùng lắm cũng chỉ là phiên bản thu nhỏ như trường hợp của Boom Technology với chiếc Baby Boom XB-1.
Tuy nhiên, nhà phân tích hàng không Bryan Foley cho rằng: “Những rủi ro này đang dần được giảm đi và tôi cảm thấy chúng ta đang đến gần hơn với ngày những chiếc SSBJ ra đời. Động lực cuối cùng sẽ đến từ thực tế rằng nhu cầu của thị trường với loại máy bay này nhỏ nhưng đây là thị trường giá trị cao, do đó yêu cầu nhưng động thái sớm để kiếm được doanh thu có hạn.”
Một trong những nguy cơ liên quan đến luật pháp đối với hàng không siêu thanh là tiếng ồn phát ra khi máy bay phá vỡ tường âm thanh khi bay bên trên đất liền – một vấn đề gây tranh cãi và sau này dẫn đến lệnh cấm đối với các loại hình máy bay siêu thanh dân dụng vì nó ảnh hưởng đến dân cư. Ngày nay, Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) đang xem xét lại lệnh cấm này và kết quả sẽ được công bố trong vài tháng tới với hy vọng ngành công nghiệp sẽ có được những chỉ dẫn và yêu cầu thiết kế cần thiết dành cho máy bay siêu thanh trong tương lai.
Hiện tại có 2 luồng suy nghĩ giữa các nhà thiết kế máy bay: một số cho rằng nên cho máy bay bay ở tốc độ thấp (dưới âm) khi bay trên đất liền để kiểm soát tiếng nổ siêu thanh nhưng số còn lại tin rằng về khía cạnh thương mại, thị trường chỉ chấp nhận tốc độ siêu thanh hoàn toàn trên cả đất liền lẫn mặt biển. Do đó, thiết kế nào xuất hiện đầu tiên trên thị trường sẽ là kim chỉ nam cho những tranh cãi này.
Thế nhưng, cho dù kiểm soát được tiếng nổ siêu thanh thì những chiếc SSBJ khi hoạt động vẫn có thể gây ra tiếng nổ tập trung (focus boom) – một hiện tượng thường xảy ra khi máy bay chuyển hướng hay tăng tốc. Từ đó, độ ồn của máy bay siêu thanh sẽ vượt ngưỡng chấp nhận được và âm thanh này có thể nghe được rất rõ ràng từ những vị trí cụ thể trên mặt đất. Thiết kế máy bay và những hạn chế nhất định của chuyến bay sẽ phần nào giới hạn điều này.
Ngoài ra việc chế tạo một hệ thống động cơ đẩy có thể hoạt động hiệu quả ở tốc độ siêu thanh và thời gian dành cho hoạt động bảo trì ở mức hợp lý cũng là một vấn đề đau đầu. Cũng sẽ có những câu hỏi như ai sẽ là người trả tiền cho hoạt động phát triển động cơ mới hay biến thể động cơ đáp ứng được các yêu cầu về hiệu năng lẫn độ bền. Bên cạnh động cơ, một thách thức nữa đối với ngành công nghiệp là một số thiết kế của máy bay SSBJ sẽ cần đến một hệ thống tầm nhìn phía trước hỗ trợ cho phi công để quan sát đường băng khi cất hạ cánh bởi buồng lái của những chiếc máy bay siêu thanh thường sẽ nằm sau phần mũi dài nhọn khí động học.
Thật đáng khích lệ khi một số tên tuổi lớn trong ngành hàng không thương mại và quân sự quan đến thị trường SSBJ. Một nền tảng máy bay SSBJ cần cả 2 mảng thị trường là dân sự và chính phủ để có thể thành công. Một khi cuộc đua bắt đầu với các nhóm cùng với nguồn đầu tư hợp lý thì những thiết kế concept xuất hiện trong những năm qua sẽ đến gần hơn với thực tế.