Theo quyết định 457/QĐ-TTg ngày 3/4 về phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng đã đồng ý thành lập hãng hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Vietravel Airlines là công ty con 100% vốn của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải (Vietravel).
Theo đó, Vietravel Airlines sẽ khai thác các chuyến bay trên máy bay Airbus, Boeing hoặc tương đương với 3 máy bay trong năm đầu tiên, tăng dần lên 8 tàu bay vào năm thứ 5 khai thác. Hãng chọn địa điểm khai thác chính là cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế), được hoạt động trong 50 năm và có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, trong đó 100% là vốn chủ sở hữu.
Đầu năm 2021, hãng này sẽ bay chuyến thương mại đầu tiên và tạo việc làm cho gần 600 lao động, đóng góp gần 2.500 tỷ đồng thuế trong 5 năm đầu.
Ngoài Vietravel Airlines đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư thì còn 2 hãng nữa vẫn xếp hàng chờ được bay là Kite Air và Vietstar Air. Sự ra đời của các hãng bay mới luôn được thị trường đón nhận vì có thêm cạnh tranh, thúc đẩy lĩnh vực hàng không phát triển. Song, với trường hợp Vietravel Airlines, có được sự chấp thuận chủ trương đầu tư ở thời điểm hiện tại lại có phần “tréo ngoe”, khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, và cả Việt Nam.
COVID-19 đã khiến 98% máy bay nội địa bị ngừng hoạt động, số tiền thiệt hại theo các hãng hàng không có thể lên tới 65.000 tỷ đồng chứ không chỉ dừng lại ở mức 30.000 tỷ như dự tính trước đó của Cục Hàng không Việt Nam. Hơn nữa, mặc dù máy bay không hoạt động, song các hãng vẫn phải trả nhiều chi phí dịch vụ tại sân bay lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Đối với Vietravel Airlines, mặc dù chưa bay nên chưa mất nhiều chi phí. Tuy nhiên, trước tình hình hiện tại thì thị trường hàng không dự kiến sẽ còn lâu nữa mới có thể hồi phục, điều này khiến tốc độ tăng trưởng hàng không trước đã chậm, thậm chí tăng trưởng âm sau dịch bệnh.
Kể cả khi hãng này xác định mô hình khai thác là cung cấp chuyến bay thuê chuyến (charter flight), phục vụ du lịch, thì tương tự hàng không, thị trường du lịch gần như về con số 0 và sẽ rất khó khăn để hồi phục.
Đó là khó khăn bên ngoài, còn yếu tố nội tại của doanh nghiệp còn đó nhiều những băn khoăn, khi hiệu quả hoạt động kém khả quan đi cùng gánh nặng nợ nần lớn.
Cụ thể, trong quý IV/2019, Vietravel lỗ đến 14 tỷ đồng và tính cả năm lợi nhuận sau thuế đạt 39,9 tỷ đồng, chỉ mới hoàn thành 65,6% kế hoạch. Tại ngày 31/12/2019, Vietravel có 2.045 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm gần 89,7% tổng nguồn vốn của công ty, trong đó, nợ vay tài chính ở mức 964 tỷ đồng. Ngoài ra, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ ở mức 167,8 tỷ đồng.
Bản chất hoạt động kinh doanh du lịch thời điểm này và trong ngắn hạn nếu không có dòng tiền, thì nguồn vốn để đầu tư vào Vietravel chỉ có thể tiền túi cổ đông hoặc tiền vay.
Dẫu vậy, trong bối cảnh các nhà băng chắc hẳn sẽ dè dặt với dự án chịu không ít rủi ro như Vietravel Airlines, thì thành bại của hãng hàng không này nhiều khả năng phụ thuộc lớn nhất vào quyết tâm của Chủ tịch Nguyễn Quốc Kỳ và các cổ đông lớn của Vietravel.
Nhưng liệu họ có chịu đổ thêm nhiều nghìn tỷ vào hãng bay này để đánh cược vào một sự thành công trong tương lai hay không. Bởi nên nhớ rằng thị trường hàng không ở thế giới lẫn Việt Nam luôn khắc nghiệt, mà cái chết của không ít tên tuổi lớn như Indochina Airlines, Air Mekong, Pacific Airlines hay gần đây nhất là sự rút lui của ông lớn Vingroup là minh chứng rõ ràng nhất.
Theo Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/thach-thuc-don-cho-tan-binh-vietravel-airlines-d35800.html