Đại dịch Covid-19 đang công phá một cách mãnh liệt. Nền khoa học thế giới đang điên đầu đối phó, chống trả. Cuộc chiến ngày càng gay cấn, lan rộng, chưa có dấu hiệu cho hồi kết. Song trong sự vận động của cuộc sống vốn luôn có hai mặt đối lập, Covid-19 đã được nhìn nhận có những mặt giúp cảnh tỉnh con người.
Theo NASA (Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ), chỉ trong hai tuần giữa tháng 2-2020, Covid-19 đã giúp Trung Quốc giảm 25% hiệu ứng nhà kính, tương đương 100 triệu tấn khí CO2, điều mà các hội nghị, nghị quyết quốc tế về biến đổi khí hậu rất mong muốn và quyết tâm nhưng chưa làm được. Covid-19 đã đột biến cải thiện chất lượng không khí ở Bắc Kinh và nhiều vùng phụ cận. Cần nhắc lại là năm 2019, nạn ô nhiễm ở Trung Quốc đã làm chết hơn 1,1 triệu người ở đại lục, chưa kể vô vàn hệ lụy khác.
Ở Việt Nam, Covid-19 khiến đường phố Sài Gòn, Hà Nội thông thoáng như hơn nửa thế kỷ trước, giảm gần hết cảnh tụ tập bù khú, ăn nhậu. Khắp nơi, con người có thể choáng váng nhưng thiên nhiên được nghỉ ngơi, không bị tra tấn, khủng bố. Từng cá nhân được cảnh báo phải chủ động tăng sức đề kháng bằng lối sống lành mạnh. Các tổ chức có dịp rà soát nhân sự, huấn luyện và chờ thời cơ hồi phục nhanh. Có chuyên gia kinh tế còn cho rằng đây là thời cơ vàng để đất nước từng bước thoát Trung, về nguyên vật liệu sản xuất, đầu ra sản phẩm cho đến nhiều thứ khác. Ở góc độ nào đó, Covid-19 có thể xem là một kinh nghiệm huy động toàn lực và tăng cường đề kháng cho những nạn dịch khác có thể còn nguy hiểm hơn trong lương lai.
Covid-19 cũng làm bộc lộ bản chất hoặc những yếu kém của mỗi cá nhân, từng doanh nghiệp, từng ngành, từng quốc gia. Có thể thấy những bài học đắt giá cho sự chủ quan. Khi tâm dịch vẫn đang tập trung ở Vũ Hán – Trung Quốc thì “đùng một cái”, con virus tinh ranh đã qua mặt trí thông minh con người và bộ máy quản lý của nhiều quốc gia để chuyển qua Hàn quốc, Ý, châu Âu và đang đe dọa cả Mỹ và châu Phi. Điều này cho thấy chỉ cần một chút lơ là, mất cảnh giác là sẽ nhanh chóng rơi vào bị động, kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm.
Bài học quan trọng nữa từ Covid-19 là cho vấn đề quản trị rủi ro. Có thể sau dịch bệnh, ngành giáo dục Việt Nam sẽ có nhiều “chất liệu” giúp kiện toàn phương án học online, từ giáo trình, học cụ đến phương thức dạy và học. Sinh viên ngành y sẽ được tổ chức thành các đội tình nguyện tuyên truyền, hướng dẫn cách ly, phục vụ các bệnh viện dã chiến, các trung tâm cách ly khi có dịch bệnh. Đoàn thanh niên, sinh viên ngành du lịch có các đội xung kích hỗ trợ tầm soát người bệnh, khai báo bệnh lý, xác định hành trình mầm bệnh, phục vụ hậu cần… Từng ngành sản xuất và dịch vụ sẽ có những phương án dự phòng, đối phó những tình huống xấu nhất.
Chợt nghĩ, nên chăng đã đến lúc cần có một cơ quan quản trị khẩn cấp (emergency management) quốc gia. Bởi khác với quản trị những thảm họa có thể dự đoán, có cơ chế phòng ngừa thường trực, chủ động, những tình huống khẩn cấp là rất nguy hiểm với khả năng xảy ra rủi ro toàn diện và cùng lúc. Ở Mỹ, Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang – FEMA (Federal Emergency Management American) thuộc Bộ An ninh nội địa điều phối hoạt động cứu trợ trong những trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh với ngân khoản hàng chục tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Bên cạnh đó là hoạt động của Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức dân sự huy động hàng năm khoảng 420 tỉ đô la chủ yếu từ doanh nghiệp và người dân, chỉ khoảng 10% là từ nguồn tài trợ của chính phủ. Tiềm lực to lớn, sự năng động của khu vực đặc thù này đã nhiều lần giúp nước Mỹ vượt qua khủng hoảng.
Đại dịch Covid-19 chưa phải là cuối cùng. Việc chủ động đối phó, quản trị rủi ro hiệu quả trong tình trạng khẩn cấp cần được xem xét và nghiên cứu một cách nghiêm túc, để hạn chế tối đa thiệt hại cho quốc gia, doanh nghiệp và mỗi người dân.
Theo Nguyễn Văn Mỹ – Chủ tịch Lửa Việt Tours/ Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/301819/su-canh-tinh-cua-covid-19-va-bai-hoc-quan-tri-khan-cap.html