Giới đầu tư Nhật Bản và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt để nắm cổ phần ở các startup (công ty khởi nghiệp) có tiềm năng tăng trưởng lớn ở châu Á, đặc biệt là tại Ấn Độ.
Trong 9 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót 2,2 tỉ đô la Mỹ, trong khi đó giới đầu tư Nhật Bản rót khoảng 1,5 tỉ đô la vào các startup ở nước này, theo Venture Intelligence.
Tính đến năm ngoái, Tập đoàn đầu tư SoftBank (Nhật Bản) của tỉ phú Masayoshi Son đã rót hơn 7 tỉ đô la vào các startup Ấn Độ. Ảnh: Live Mint |
Một báo cáo gần đây của Công ty phân tích dữ liệu DataLabs ước tính, trong giai đoạn từ năm 2014 đến nửa đầu năm 2019, hơn 105 startup Ấn Độ đã huy động được tổng cộng 51 tỉ đô la từ Nhật Bản trong 157 thương vụ.
Tập đoàn đầu tư SoftBank dẫn đầu trong số các nhà đầu tư Nhật Bản tại Ấn Độ với 7 tỉ đô la tính đến năm ngoái. Chưa dừng lại ở đó, tập đoàn này còn cam kết đầu tư thêm từ 2-4 tỉ đô la nữa.
Anil Joshi, đối tác quản lý ở Công ty đầu tư vốn mạo hiểm Unicorn Ventures (Ấn Độ), nói: “Ấn Độ cung cấp các cơ hội đầu tư lớn ở nhiều lĩnh vực dù nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại”.
Brij Bhasin, đối tác ở Công ty đầu tư mạo hiểm Rebright Partners (Ấn Độ), cho biết các công ty đầu tư độc lập của Nhật Bản thường đầu tư từ 100.000 đô la đến 3 triệu đô la trong mỗi thương vụ. Trong khi đó, các đơn vị đầu tư thuộc các tập đoàn lớn của Nhật thường đầu tư 3-5 triệu đô la.
Người sáng lập quỹ đầu tư Venture Gurukool, Mahendra Swarup, cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc thường mạo hiểm và rất quyết liệt trong triết lý đầu tư. Trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật Bản khá bảo thủ và kén chọn.
Các nhà đầu tư Trung Quốc thường có xu hướng theo đuổi những startup tăng trưởng nhanh hoặc có các mô hình kinh doanh tương tự như những mô hình đã thành công ở Trung Quốc. Chẳng hạn, họ thường đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử như BigBasket, Snapdeal hay các startup giao đồ ăn như Zomato, Swiggy.
Trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật Bản thường muốn xây dựng mối quan hệ dài hạn với các startup Ấn Độ và tránh xa các startup nhắm đến mục tiêu tăng trưởng nhanh bằng cách “đốt tiền” để mở rộng thị phần nhưng không có nền tảng vững vàng.
Brij Bhasin cho biết các công ty đầu tư mạo hiểm Nhật Bản cũng có xu hướng chọn những startup có hoạt động quản trị doanh nghiệp tốt. Còn Anil Joshi, đối tác quản lý ở Công ty đầu tư mạo hiểm Unicorn Ventures, nhận xét các nhà đầu tư Trung Quốc thường ra quyết định nhanh chóng hơn so với các đồng nghiệp Nhật Bản.
“Các nhà đầu tư Nhật Bản tìm cách xây dựng niềm tin trước. Mối quan hệ như vậy cần mất thời gian để xây dựng nhưng một khi họ tin tưởng bạn, đó là lúc tiền bắt đầu được rót vào”, Rajan Bajaj, người sáng lập Slice, một startup cho vay trực tuyến, nói. Slice đã huy động vốn từ bốn công ty đầu tư Nhật Bản bao gồm Das Capital và M&S Partners.
Các nhà đầu tư Nhật Bản thường kén chọn và đặt ra các yêu cầu chi tiết khi rót tiền vào các startup ở Ấn Độ. Ảnh: Inc42 |
Giới đầu tư Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến các startup hoạt động trong lĩnh vực Internet vì tại đất nước của họ, các startup như vậy tăng trưởng rất nhanh.
Các nhà đầu tư Nhật Bản thích đầu tư vào các startup công nghệ tài chính và dịch vụ di chuyển cũng như công nghệ y tế, thương mại điện tử, logistics và các trò chơi trực tuyến.
Satyen Kothari, người sáng lập nền tảng thanh toán Citrus Pay, cho biết giới đầu tư Nhật Bản có thế mạnh chuyên môn ở các mảng quản lý tài sản, cho vay và thanh toán cũng như dịch vụ di chuyển trong tương lai.
Rajan Bajaj, người sáng lập Slice, lưu ý các nhà đầu tư Nhật Bản cũng rót tiền vào các startup không gây nhiều chú ý nhưng có tiềm năng trong dài hạn ở Ấn Độ như Elanic, một nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng thời trang; Healthians, một startup về công nghệ y tế hoặc Droom.in, một chợ trực tuyến chuyên buôn bán xe cũ.
Ông nhận định: “Vốn đã có kinh nghiệm phát triển những công ty khổng lồ, các nhà đầu tư Nhật Bản hiểu rõ bản chất của kinh doanh và có tầm nhìn về xu hướng kinh doanh trong 5-10 năm tới”.
Pallav Pandey, người sáng lập Fastfox.com, cũng cho rằng cách tiếp cận và chiến lược của các nhà đầu tư Nhật Bản khác với giới đầu tư Trung Quốc. Các nhà đầu tư Nhật Bản thường đầu tư sớm nhưng chỉ là khoản có giá trị nhỏ dựa trên sự tiến triển của startup mà không quan tâm đến việc mô hình kinh doanh đó đã thành công ở Nhật Bản hay chưa. Trong khi đó, các nhà đầu tư Trung Quốc thích đặt cược những khoản đầu tư lớn vào các mô hình kinh doanh đã thành công tại nước này.
Sandeep Aggarwal, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Droom.in, nói: “Các nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng đặt ra các yêu cầu chi tiết khi rót vốn. Đối với họ, sức hút của người sáng lập startup là điều cực kỳ quan trọng”.
Theo KrAsia, Hindu Business Line/ Thời báo kinh tế Sài Gòn
Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/298747/khau-vi-dau-tu-khac-biet-cua-nhat-ban-va-trung-quoc-tai-an-do.html