Dịch bệnh cũng đang hút đến đồng tiền cuối cùng khiến nhiều tập đoàn lớn rơi vào tình trạng cạn kiệt thanh khoản.
Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những thiệt hại không tưởng tới nền kinh tế toàn cầu, kéo giảm dòng tiền mặt và làm cạn kiệt thanh khoản đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Chưa dừng lại ở đó, các công ty lớn giờ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Do vậy, các Chính phủ phải tăng cường hỗ trợ cho các công ty lớn này vì sợ họ phải chịu chung số phận với các đối tác nhỏ hơn.
Dựa trên dữ liệu từ QUICK-FactSet, Nikkei Asian Review đã tính được dòng tiền của hơn 3.400 công ty niêm yết và phát hiện rằng có tới 1/4 trong số này sẽ cạn kiệt thanh khoản nếu tình trạng doanh thu giảm 30% so với năm trước kéo dài trong 6 tháng liên tục.
Nếu doanh thu giảm 10% trong 3 tháng, thì khoảng 9% các công ty lớn sẽ cạn thanh khoản. Trong trường hợp doanh thu giảm 30%, 24% công ty sẽ cạn kiệt thanh khoản sau 6 tháng và sẽ là 38% nếu thời gian doanh thu sụt giảm 30% kéo dài tới 12 tháng.
Kết quả khảo sát 3.400 công ty lớn trên toàn cầu. Nguồn: Nikkei Asian Review |
Trong tình cảnh thông thường, các công ty đối phó với vấn đề dòng tiền này bằng cách cắt giảm cổ tức, tái cấp vốn nợ hoặc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, thậm chí nếu xét đến trường hợp được tái cấp vốn nợ, 9% các công ty trên cũng sẽ cạn kiệt thanh khoản nếu tình trạng doanh thu sụt giảm 30% kéo dài trong 6 tháng. Tỷ lệ này tăng lên tới 32% nếu doanh thu lao dốc 60% trong 12 tháng.
Các công ty Nhật thường có dự trữ tiền mặt dồi dào. Thế nhưng, nếu doanh thu giảm 30% trong 6 tháng, 20% trong số này sẽ phải đối mặt với khủng hoảng về thanh khoản.
Dự trữ tiền mặt mỗi công ty nếu doanh số giảm 30%. Nguồn: Nikkei Asian Review |
Điều này sẽ đẩy nhiều công ty lớn của Nhật đổ xô đi huy động vốn, trong đó có cả Nissan Motor. Công ty này gần đây đã thỏa thuận được một hạn mức tín dụng lớn.
Rất nhiều quốc gia đã triển khai các biện pháp để tạo điều kiện cho các công ty huy động vốn dễ dàng hơn. Vào tháng 4, hãng hàng không giá rẻ EasyJet đã được cấp khoản vay 600 triệu bảng (747 triệu USD) từ Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), nhấn mạnh rằng số tiền này rất quan trọng đối với sự tồn tại của hãng hàng không trong trường hợp các hạn chế đi lại sẽ bị kéo dài.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang chuẩn bị mua lượng trái phiếu doanh nghiệp lên tới 750 tỷ USD, bao gồm cả các trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm thấp, tương đương với 13% trái phiếu đang lưu hành ở Mỹ. Sau khi Chính phủ Đức tung ra chương trình vay không giới hạn, doanh nghiệp cũng đã hối hả để đăng ký tham gia chương trình và mỗi đơn đăng ký hơn 100 triệu euro (tương đương 109 triệu USD). Tổng cộng, số tiền xin cấp tín dụng đã lên tới 17,2 tỷ euro.
Nguồn: Nikkei Asian Review |
Tương tự, Nhật đã chuẩn bị một kế hoạch tài chính trị giá 100 tỷ yen (tương đương 925 triệu USD) để hỗ trợ các công ty lớn. Tuy nhiên, con số này chưa đạt đến 1% quy mô chương trình cho vay của Chính phủ Đức.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính của Pháp Bruno Le Maire đã đề cập đến khả năng quốc hữu hóa các công ty chủ chốt, nhiều khả năng là ông đang nhắm đến hãng sản xuất xe hơi Renault.
Nguồn Nikkei Asian Review/ Nhịp cầu đầu tư
Link gốc: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/nikkei-24-tap-doan-lon-tren-the-gioi-co-nguy-co-can-tien-mat-3334294/