VÀO MỘT NGÀY TRUNG TUẦN THÁNG 11.2019, Empire Group, chủ đầu tư dự án Cocobay đình đám gây xôn xao thị trường địa ốc với tuyên bố đơn phương ngừng thanh toán lợi nhuận 12%/năm cam kết với các nhà đầu tư. Giải thích công ty này cho biết gặp khó khăn về dòng tiền khi khai thác dự án. Trong bối cảnh tâm lý thận trọng bao trùm thị trường bất động sản, thông báo từ Cocobay như quả bom phát nổ rung chuyển thị trường condotel.
Empire Group là một trong các nhà phát triển dự án bất động sản lớn nhất phát triển dòng sản phẩm condotel, sản phẩm căn hộ – khách sạn. Công ty nổi tiếng với quyết định “chơi lớn” ký hợp đồng quảng cáo với siêu sao bóng đá Cristiano Ronaldo và mạnh dạn tung cam kết tỉ suất sinh lời cao nhất, nhì thị trường.
Khó khăn của Cocobay cho thấy sau bốn năm bùng phát, thị trường bất động sản chuyển tín hiệu đèn vàng, nhấp nháy cảnh báo sẽ còn nhiều nhà phát triển dự án nối gót không đủ khả năng thực hiện mức lợi nhuận cam kết. Giữa những ngày cái tên Cocobay và Empire xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bất ngờ, một doanh nhân bất động sản viết trên trang cá nhân: “Các bạn ơi bây giờ mà CEN đứng ra giải quyết vấn đề của Cocobay thì sao nhỉ? Các bạn thấy có điên không? Nhưng nếu làm được cũng mang lại nhiều cảm xúc thú vị đấy! Nhìn trên cao Cocobay đẹp thế này cơ mà.”
Bài viết đã nhận được hàng ngàn lượt thích, hàng trăm ý kiến bình luận phía dưới, phần lớn tỏ ra tin tưởng ông chủ công ty bất động sản có thể góp phần tháo gỡ một phần vướng mắc tại dự án này. Doanh nhân đó là ông Nguyễn Trung Vũ, chủ tịch CenGroup, có công ty con CenLand đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tham gia lĩnh vực môi giới bất động sản từ đầu thập niên 1990, nếm trải đủ các dư vị ngọt đắng qua bốn chu kỳ nóng lạnh của thị trường địa ốc, kinh nghiệm dày dạn và cảm giác thị trường nhạy bén là tố chất nhiều chủ đầu tư dự án tìm đến hợp tác với nhà môi giới bất động sản 49 tuổi này. Hiện tại, CenGroup là công ty tư nhân với hạt nhân là CenLand, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán với hai cổ đông chiến lược là Dragon Capital và VinaCapital.
“CenLand là công ty môi giới bất động sản lớn thứ hai trên thị trường. Công ty đứng đầu thị trường môi giới bất động sản tại miền Bắc với thị phần 42% và khoảng 18% thị phần cả nước, đứng thứ hai sau Đất Xanh,” báo cáo phân tích của công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết.
Vị thế của CenGroup với chủ đầu tư thể hiện qua những con số. Công ty sở hữu dữ liệu khoảng 2,5 triệu hộ gia đình có khả năng tài chính và nhu cầu mua nhà. CenGroup có gần 3.000 nhân viên chính thức, quan hệ đối tác với 800 đại lý môi giới, tập hợp khoảng 20.000 môi giới online.
Doanh thu của CenLand cân đối với tỉ lệ doanh thu giữa kênh online và offline là 50:50. “Phân phối bất động sản là dịch vụ cốt lõi của CenGroup kể từ khi thành lập. Chúng tôi không chỉ bán hàng mà còn tư vấn giải pháp triển khai dự án và marketing chúng tôi gọi là F0,” ông Phạm Thanh Hưng, phó chủ tịch CenGroup nói.
Ông Hưng cho biết nếu sàn lớn môi giới làm việc trực tiếp với chủ đầu tư là F1, môi giới ký thông qua sàn lớn là F2, môi giới làm việc với F2 là F3… thì: “CenGroup không chỉ trực tiếp phân phối mà đứng trực tiếp về chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư ký với F1 đưa ra chính sách bán hàng, quản lý nguồn hàng, quản lý các sàn giao dịch nên gọi là F0.”
“Chức năng F0 hiện ở Việt Nam ít có công ty làm được vì phải đồng hành cùng chủ đầu tư,” vị lãnh đạo mang danh xưng khác là Shark Hưng do ngồi trên ghế giám khảo của chương trình Shark Tank, nói. Tính đến thời điểm hiện tại CenGroup đã môi giới được khoảng 80 ngàn đơn vị nhà ở, phần lớn từ năm 2014 đến nay.
Con số này lớn thế nào? Thống kê của CBRE cho biết mỗi năm thị trường bất động sản TP.HCM và Hà Nội chỉ đưa ra thị trường khoảng 25 – 35 ngàn đơn vị nhà ở. Tức là, số nhà ở bán qua CenGroup gấp 1,5 lần nguồn cung của hai đô thị lớn nhất mỗi năm.
Ngoài môi giới, các hoạt động kinh doanh khác của CenGroup xoay quanh mảng kinh doanh cốt lõi: CenInvest – đầu tư dự án bất động sản; CenValue – công ty thẩm định giá; CEN D&C – đơn vị tổng thầu vật liệu và hoàn thiện; Ngôi Sao Mới – công ty truyền thông tư vấn marketing trọn gói cho các nhà phát triển dự án.
Chủ tịch của CenGroup, người có bốn năm làm việc ở FPT trước khi khởi nghiệp trong ngành địa ốc, đang sở hữu một số công ty công nghệ áp dụng trong lĩnh vực bất động sản (proptech), xu hướng mới nổi trong ngành bất động sản hiện nay.
Nổi bật nhất trong số này là CenHomes, nền tảng công nghệ bất động sản cho phép người dùng tìm kiếm, xem xét chi tiết về không gian dự án, vị trí, đồng thời trang bị công cụ giao dịch như kiểm tra căn, đặt cọc, thanh toán…
Cái tên CenLand bắt đầu nổi lên ở thị trường địa ốc vào năm 2014, thời điểm thị trường bất động sản Việt Nam hồi sinh sau chu kỳ ngủ đông. Cùng lúc này, bên cạnh doanh nghiệp đầu ngành Vingroup, sau giai đoạn sàng lọc, thị trường xuất hiện thêm các nhà phát triển dự án: Novaland, Khang Điền, Nam Long, Phú Long, BIM Group, MIK, Văn Phú, Hải Phát, GP Invest… Trong số này, nhiều nhà phát triển dự án đã và đang hợp tác với CenGroup.
BVSC đánh giá thế mạnh cạnh tranh độc đáo của CenGroup nằm ở ban lãnh đạo có bề dày kinh nghiệm trong ngành bất động sản. Vì vậy, công ty có khả năng tư vấn chi tiết cho các chủ đầu tư phát triển đúng sản phẩm phù hợp với vị trí, đúng nhu cầu của tập khách hàng mục tiêu. “Ngày xưa ít dự án, người mua nhà mang tiền đến làm việc trực tiếp với chủ đầu tư. Bây giờ dự án nhiều vô kể, người bán phải cần đến chuyên gia bán hàng, công ty mình bận vô kể,” ông Vũ nói với Forbes Việt Nam trong buổi trả lời phỏng vấn tại trụ sở công ty.
Trong buổi nói chuyện kéo dài 2,5 giờ đồng hồ, ông chủ CenGroup say sưa kể về các dịch chuyển trên thị trường địa ốc từ quá khứ đến hiện tại. Doanh nhân này điểm tên không ít nhà phát triển dự án nổi bật và không ít lần CenGroup được giao trọng trách giải cứu hàng tồn kho, giúp chủ đầu tư thoát hàng, thu hồi vốn.
Một trong các thương vụ nổi bật CenGroup tham gia tư vấn – bán hàng, giải cứu ngoạn mục một dự án bất động sản tại Hà Nội trị giá vài ngàn tỉ đồng. Vị trí thuộc ngoại thành Hà Nội, trên diện tích 180 héc ta, giai đoạn 1 dự án chào bán gần 1.000 căn biệt thự ven sông. Dự án khởi công vào năm 2012, đúng thời điểm thị trường địa ốc đóng băng do dư âm của khủng khoảng tài chính thế giới 2008, trong nước mặt bằng lãi suất cho vay có lúc lên tới 20% – 23%, do vậy sau khi hoàn thành, dự án vắng người mua.
Ông Vũ bí mật thăm dò vào buổi tối và phát hiện ra thực chất chủ đầu tư khôn khéo thắp sáng mặt tiền dự án, luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, bảo vệ nghiêm ngặt để tạo cảm giác dự án có người ở. Số lượng bán được khoảng 5% và người cư trú chủ yếu là nhân viên quản lý công ty này do phần lớn người mua với mục đích đầu tư, không dọn về ở.
Khi ấy, mức giá niêm yết của dự án trung bình là 75 triệu/m2. Nhẩm tính, trừ đi chi phí marketing, quảng cáo, hoa hồng cho môi giới, ông ước công ty bất động sản thực thu khoảng 55 triệu /m2. “Giảm xuống mức giá này sẽ bán được hàng,” ông Vũ tự nhủ trước khi chuẩn bị lý lẽ đến thuyết phục chủ đầu tư.
Gặp mặt, ông ngọt nhạt phân tích, dự án nhắm sai đối tượng khách hàng mục tiêu khi đang hướng tới tập khách hàng trung niên, họ có tích lũy và thu nhập cao phần lớn đầu tư vào dự án là căn nhà thứ hai. Để giải phóng hàng tồn kho, dự án nên hướng tới nhóm đối tượng trẻ, cấp quản lý có thu nhập cao nhưng chưa có thời gian tích lũy tài chính đủ dài.
Một lý do khác, người trẻ mua căn nhà đầu tiên xuất phát từ nhu cầu thật, cuối tuần họ kéo bạn bè tới ăn uống, câu cá, tổ chức tiệc nướng BBQ, vãn cảnh, chụp ảnh rồi đưa lên mạng xã hội, góp phần quảng bá cho dự án, kéo theo sự chú ý quan tâm của những tập khách hàng tiềm năng khác. Và quan trọng nhất, dự án phải giảm về mức giá bán phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Nhưng giảm giá như con dao hai lưỡi gây thiệt hại nặng nề cho những người đã mua nhà trước đó. Không giảm thì làm sao người trẻ có khả năng bỏ ra mua căn biệt thự 10 tỉ? Đây là giải pháp của nhà môi giới này: chia nhỏ giá trị làm nhiều lần thanh toán, người mua trả một phần có thể dọn vào ở ngay, phần còn lại miễn lãi, thanh toán sau đó vài năm.
Ai đó còn lưỡng lự, doanh nhân này sử dụng tuyệt chiêu “bán bia, kèm mồi”: Ký hợp đồng mua nhà và cam kết dọn vào ở trước tết Nguyên đán năm đó chủ đầu tư sẽ tặng toàn bộ gói nội thất giá trị vài trăm triệu đồng. Kết quả, vài tháng sau đó số hàng tồn kho được giải quyết hoàn toàn.
Mỗi tháng, trung bình chủ đầu tư thu về 1.500 tỉ đồng mà trên hình thức không cần giảm giá trực tiếp lên sản phẩm. Khu đô thị từ đó sáng đèn thực sự. “Ban đầu mình cần thu hút khách hàng đến ở. Sau đó mới nghĩ đến chuyện bán nhà. Đó là hiệu ứng chim mồi,” ông Vũ chia sẻ bí quyết. Từ sự tin tưởng, CenGroup bắt tay vào giải quyết vài ngàn căn hộ tồn kho của chủ đầu tư này ở một dự án khác. Kế tiếp, họ hợp tác quảng bá sản phẩm, phân phối dự án ở nhiều địa phương.
Lần khác, năm 2014, ông Vũ góp phần giải cứu một nhà phát triển dự án tại TP.HCM. Trước đó công ty địa ốc trong trạng thái nguy cấp, ngấp nghé ngưỡng chết lâm sàng. Doanh nghiệp đang phát triển các sản phẩm biệt thự thì khủng hoảng ập tới. Dự án thiết kế đẹp đẽ, xây dựng chỉn chu, diện tích 200m2 nên mức giá cả chục tỉ mỗi căn. Thị trường địa ốc đóng băng, sản phẩm hoàn thiện trở thành hàng tồn kho, kéo theo khối nợ vài ngàn tỉ của doanh nghiệp.
Sau khi thảo luận CenGroup và công ty quyết định chuyển dịch sang sản phẩm nhà phố với mức giá chào bán ban đầu khoảng 2 – 2,5 tỉ đồng/căn, tương đương với số tiền mua một căn hộ chung cư. CenGroup đẩy mạnh quảng bá cho dòng sản phẩm mới, nhấn mạnh tới nhiều ưu điểm: giá chung cư nhưng sở hữu nhà đất trực tiếp, có sổ hồng; cư dân được sống trong khu dân cư biệt lập (compound) được bảo vệ nghiêm ngặt với nhiều tiện ích; tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành đếm ngược chờ ngày thông xe, thời gian di chuyển vào trung tâm quận 2 sẽ chỉ còn tính bằng phút…
Kết quả, chiêu tiếp thị này khiến 160 căn đầu tiên bán hết veo, giúp chủ đầu tư cảm giác có thể hồi sinh. 100 căn tiếp theo đưa chủ đầu tư lên mặt đất. 100 căn tiếp theo khiến công ty bất động sản này thực sự hồi sinh.
Nhạy bén với thị trường địa ốc và am hiểu tâm lý khách hàng, ông Vũ có khả năng học hỏi, đúc kết bài học kinh nghiệm từ quan sát thị trường. Doanh nhân này kể từng thắc mắc về một chủ đầu tư bất động sản phía Nam với cách bán hàng không giống ai. Chủ đầu tư khởi công một dự án tại quận 7 vào năm 2008 và sáu năm kế tiếp nhân viên môi giới kiên nhẫn trực ở nhà mẫu, tiếp đón khách hàng chào bán sản phẩm nhưng nhất quyết không giảm giá bán dưới bất kỳ hình thức nào. “Mình không nghĩ trên đời có công ty nào bán hàng lâu như thế,” ông Vũ nói.
Sau này, theo dõi quá trình phát triển của nhà phát triển dự án trên ông Vũ mới vỡ lẽ họ chấp nhận cách bán hàng như vậy để nắm bắt thị hiếu khách hàng. Các sản phẩm sau này đều bán rất tốt, theo cùng công thức, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường: vị trí phát triển dự án đắc địa, các căn hộ chung cư được thiết kế 65- 75- 85 m2 giảm diện tích đáng kể so với các căn hộ trên 100 m2 trước đó.
Nội thất hoàn thiện không quá sang trọng, xa xỉ như dự án đầu tay, tất cả nhắm tới mục đích kéo mức giá mỗi căn hộ xuống 3 – 4 tỉ đồng, gần hơn với khả năng chi trả của thị trường.
Sự nhạy bén với thị trường giúp ông Vũ, người từng làm việc ở FPT mạnh dạn rót tiền vào lĩnh vực proptech. CenGroup đã lập văn phòng môi giới tại Hàn Quốc vào năm 2017 đón đầu làn sóng thu hút đầu tư từ xứ sở kim chi với thị trường bất động sản Việt Nam. Doanh nhân này nói, công nghệ giúp công ty có thể chạm được tới nhiều tập khách hàng tiềm năng, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài. Với vài cú nhấp chuột, trên ứng dụng môi giới online của CenGroup, khách hàng tiềm năng ở đâu cũng có thể tra cứu thông tin về dự án, mức giá, vị trí… và kết nối trực tiếp với nhân viên môi giới.
Ông Vũ có tư tưởng cấp tiến và ưa thích sự đổi mới. Chẳng hạn thấy các môi giới bạc mặt dẫn khách hàng chạy tới lui tham quan các dự án CenGroup tiên phong mở siêu thị dự án STDA gom các dự án về một mối giúp khách hàng và môi giới tiện giao dịch. Thấy tình trạng thông tin địa ốc nhiễu loạn, có lúc cả chục môi giới cùng bán một căn sau đó phải gọi điện tới lui tới chủ đầu tư kiểm tra nguồn hàng, CenGroup thiết lập trang giao dịch trực tuyến Nghemoigioi.vn quy tụ môi giới toàn quốc, minh bạch thông tin mà việc chọn, chốt căn theo thời gian thực, không còn xảy ra tình trạng chồng chéo.
Doanh nhân này cũng chấp nhận làm những việc rất khó như tập hợp dữ liệu nhà đất nhỏ lẻ để sau đó môi giới trên kênh online. Vị chủ tịch 49 tuổi tỏ ra có tầm nhìn: “Bây giờ môi giới nhà đất lẻ rất khó, trong khi bán dự án dễ dàng hơn nhiều, doanh thu môi giới nhà đất lẻ cũng khiêm tốn. Khó nhưng mình phải làm vì 10, 20 năm các dự án đã hết thì mình đã có sẵn cơ sở dữ liệu.”
Ông cũng đang rót tiền vào một số proptech, nghiên cứu khả năng sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) chứng khoán hóa sản phẩm bất động sản, chia thành từng gói nhỏ, chào bán như chứng chỉ quỹ để với số tiền khiêm tốn cũng có thể đầu tư bất động sản, hưởng lợi từ sự tăng giá theo thời gian.
Vẻ bề ngoài linh hoạt, ông Vũ vóc người tầm thước, đi đứng nhanh nhẹn, nói chuyện cuốn hút, vẻ chân thành nên có khả năng thuyết phục. Sinh năm 1971 tại Thái Bình trong một gia đình có tám người con, ông Vũ trải qua thủa niên thiếu sóng gió khi người cha Nguyễn Trung Chiên vì mưu sinh, kinh doanh buôn bán, tham gia đường dây hụi, phá sản, bị tịch biên hết tài sản.
Sau khi phiêu dạt qua nhiều địa phương, cuối thập niên 1980 ông Chiên dựng tạm một túp lều ven sông Tô Lịch, bên kia đường Láng, và vì lấn chiếm nên thường xuyên bị xua đuổi. Trong khi phụ huynh mở quán cóc ven đường, lượm từng đồng bạc lẻ thì hai anh em ông Vũ xoay phiên nhau sáng, chiều hễ người này đi học người kia cắt tóc, góp phần phụ giúp bố.
Vào đầu thập niên 1990, cùng với làn sóng đổi mới, nền kinh tế tập trung của Việt Nam chuyển dịch thực hiện “ba chương trình kinh tế lớn” sản xuất lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Việc ngăn sông cấm chợ, chia cắt thị trường suốt thập niên 1980 xóa bỏ dần nên thị trường nhà đất rục rịch chuyển dịch.
Trước khi luật Đất đai 1993 được ban hành thổi bùng cơn sốt bất động sản lần thứ nhất tại Hà Nội, với sự nhạy bén về cơ hội kinh doanh, giai đoạn 1991- 1992 phụ huynh ông Vũ vừa bán quán, vừa treo biển môi giới nhà đất. Ông Chiên kể: “Thằng lớn phản đối kịch liệt, nó sợ xấu hổ với bạn học, hàng xóm vì bố làm ‘cò đất’. Nó tháo biển vứt xuống sông, tháo lần nào tôi lặn xuống mò lên, treo lại.”
“Thằng lớn” đó là chủ tịch CenGroup bây giờ. Lớn hơn, thấu hiểu, sau giờ học, ngoài cắt tóc, dưới chỉ dẫn của phụ huynh, chàng sinh viên đại học Thăng Long đạp xe dẫn khách xem đất khu Trung Kính, kiêm việc môi giới. Tích lũy, ông Chiên bước hẳn sang lĩnh vực môi giới, mở văn phòng nhà đất trên đường Láng. “Bố tôi thuộc lớp môi giới nhà đất đầu tiên ở Hà Nội,” ông Vũ khẳng định.
Tốt nghiệp đại học, năm 1997, ông Vũ đầu quân cho FPT. Sau bốn năm làm việc, năm 2001 ông rẽ lối lập công ty môi giới riêng vì “cảm thấy đất như nhập vào người mình.” Lúc này, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã qua đi, chính sách mới quản lý đất đai giúp thị trường địa ốc thăng hoa lần thứ hai, các trung tâm môi giới nở rộ như nấm sau mưa.
Vị thạc sĩ quản trị kinh doanh cao học Bỉ quyết định phải có sự khác biệt khi mua nhượng quyền thương hiệu môi giới bất động sản của công ty Cendant (Hoa Kỳ), đặt tên công ty là Century 21 – Trường Thành. “Bố tôi từng bị xã hội vùi dập, kinh doanh manh mún nhưng đến mình thì phải làm bài bản,” ông nói nhưng tỏ ra nể phục phụ huynh: “Tôi quan sát học hỏi được rất nhiều từ những cái hay, cái nhạy bén của ông.”
Phát triển sau bất động sản TP.HCM hàng chục năm, bước sang thiên niên kỷ mới, Hà Nội chưa có các dự án bất động sản quy mô. Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính được chào bán năm 2002 là dự án đáng chú ý đầu tiên. Người mua dự án ban đầu phải là những người có quan hệ, mua nhắm đến mục đích đầu tư.
Ông Vũ tính toán bán mỗi căn nhà hoa hồng 1% cũng chỉ được khoảng bảy triệu đồng, trong khi nếu cho người Hàn Quốc thuê có thể thu về 4 – 5 triệu. Ông điều nhân viên đi phát tờ rơi đề nghị thuê lại, lúc cao điểm quản lý 600 căn hộ cho thuê trong 2.000 căn hộ của dự án. Mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu không phát huy hiệu quả, ông ngưng hợp tác, đổi tên công ty thành Bất động sản Thế kỷ hay CenGroup.
Ông Vũ từng nếm vị đắng, thậm chí trả giá đắt cho sự phát triển nhanh chóng của CenGroup giai đoạn 2006 – 2008. Khi ấy việc Việt Nam gia nhập WTO kéo dòng vốn đầu tư quốc tế tăng phi mã, thị trường chứng khoán tăng dựng đứng giúp doanh nghiệp bất động sản huy động vốn và nhà đầu tư chứng khoán rủng rỉnh tiền bạc mạnh tay rót vốn vào địa ốc.
Bất động sản lại rùng rùng tăng giá bước vào chu kỳ tăng trưởng lần thứ ba, không chỉ tại Hà Nội, TP.HCM mà sức nóng lan khắp các tỉnh thành. Bên cạnh công việc môi giới truyền thống, CenGroup trở thành nhà đầu tư thứ cấp, góp tiền với chủ đầu tư phát triển dự án mua sỉ, bán lẻ nên phát triển khá nhanh. “Lúc ấy, mình không hiểu thủ tục giấy tờ cứ đi tìm ông nào cần tiền đưa tiền cho họ xây dựng, mình không phải lo thủ tục lại có sản phẩm bán được luôn,” ông Vũ nhớ lại một thời kỳ “nhẹ dạ”.
Sự mất cảnh giác khiến CenGroup điêu đứng năm 2011 khi có dự án đã đưa chủ đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng họ ôm tiền, trốn biệt không triển khai dự án. Người mua gây áp lực lên ông Vũ: “Nhà đâu, tiền đâu?” “Trong bán hàng, quan trọng nhất là chữ tín trong kinh doanh, mình không làm mất niềm tin đối với khách hàng,” ông nêu triết lý và cho biết có lúc ông phải dùng tiền cá nhân để trả nợ.
Ban đầu mỗi tháng 50 triệu, khó khăn quá thì sau ba tháng trả 50 triệu, rồi 50 triệu không trả được thì giảm xuống 20 triệu… cho đến lúc thị trường tan băng. Trở lại câu chuyện của Cocobay, nhà môi giới này tự tin sẽ có hướng tháo gỡ khi các thành phố du lịch ven biển miền Trung nhu cầu về nhà ở có thật và rất cao. “Tuy nhiên phải kết hợp với đơn vị quản lý chuyên nghiệp có thương hiệu để phát triển, không thể gom khách lẻ như hiện nay,” ông nói.
Với diễn biến chung thị trường bất động sản hiện tại kém khả quan, ông có quan điểm thận trọng. CenGroup chỉ đầu tư thứ cấp cho các dự án đã sạch về pháp lý và thời gian đầu tư là không quá hai năm. Hoạt động bao tiêu của công ty thường diễn ra trong giai đoạn gần cuối dự án khi nhà phát triển cần vốn. Thị trường chung chớm bước sang thời kỳ gian khó nhưng có ngày cuối tuần CenGroup vẫn đồng loại thực hiện 13 lễ mở bán cho các chủ đầu tư trên toàn quốc.
Ông Vũ nhìn thấy trong nguy nan có cơ hội: “Chính lúc khó khăn thị trường cần đến người bán, chủ đầu tư mới cần đến người môi giới chuyên nghiệp.” Tự đánh giá là người hợp tác rộng nhất với các chủ đầu tư, ông nói: “Tôi cố gắng xây dựng thương hiệu người bán hàng tốt nhất. Bản chất, Việt Nam ai có mối quan hệ cũng có thể trở thành chủ đầu tư dự án, họ không hiểu cách bán hàng nên cần người bán hàng giỏi.”
Theo tạp chí Forbes Việt Nam
Link gốc: https://forbesvietnam.com.vn/doanh-nghiep/nguoi-ban-hang-thong-minh-10184.html