Nhiều dự án chung cư bán cho khách hàng từ những năm 2016, 2017 theo diện dự án hình thành trong tương lai, thế nhưng tới nay vẫn chỉ là bãi đất trống.
Dự án mãi không xây dựng
Tương tự, Dự án Diamond Lotus Lake View do Công ty TNHH Bất động sản Ngôi nhà xanh xây dựng tại số 96 – Lũy Bán Bích, phường Tân Thới Hòa (quận Tân Phú) với khoảng 1.000 căn hộ, được chào bán ra thị trường từ tháng 7/2016. Theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư với khách hàng, sau khi khách hàng đóng đủ 30% giá trị căn hộ, hai bên sẽ ký hợp đồng mua bán và đến tháng 5/2018, chủ đầu tư bắt đầu bàn giao nhà. Tới nay, dù dự án đã bán hết hàng, nhưng nhà chưa thấy đâu, chủ đầu tư cũng không có động thái xây dựng.
Năm 2018, Dự án căn hộ Dream Home RiverSide tại mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh với 6 block gồm hơn 2.000 căn hộ chung cư, do Công ty Nhà Mơ làm chủ đầu tư, mở bán hết cho khách hàng và cam kết bàn giao nhà trong năm 2020. Những khách đã đặt mua nhà của dự án này phải thất vọng, bởi đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống rộng hơn 5 ha, cỏ mọc um tùm.
Cố tình bán dù chưa đủ pháp lý
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, nhiều dự án chung cư chỉ đang trong giai đoạn xin thủ tục pháp lý phát triển dự án, chưa được chấp thuận, đương nhiên chưa được cấp phép xây dựng, nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn rao bán, hậu quả khiến người mua chờ mãi không có nhà.
Lợi dụng quy định cho phép mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhiều chủ đầu tư lấy vốn đó không đầu tư vào dự án đã bán cho khách, mà chuyển sang làm việc khác hoặc đầu tư dự án khác.
“Chủ đầu tư đánh vào tâm lý người mua nhà là ham giá rẻ khi đặt mua nhà sớm, vì thế họ đao giá xuống thấp để hấp dẫn khách hàng. Nhiều người chủ quan đặt tiền, vậy là đã để họ nắm đằng chuôi”, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói.
Đây rõ ràng là sự vi phạm pháp luật của chủ đầu tư. Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM thì cho rằng, để xảy ra tình trạng chủ đầu tư bán nhà cho khách hàng nhưng nhiều năm sau không xây dựng, lỗi một phần do chế tài của pháp luật chưa đủ nghiêm, khiến nhiều chủ đầu tư “nhờn luật”.
“Chế tài xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai chưa đầy đủ và chưa nghiêm khắc để đủ sức răn đe. Theo quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP, việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, mức phạt cao nhất đối với các hành vi bị cấm chỉ là 300 triệu đồng. Nếu so với lợi ích thu được từ việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong một dự án bất động sản quy mô lớn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, thì mức phạt này là quá thấp. Nhiều chủ đầu tư cố tình làm trái quy định pháp luật, chấp nhận nộp phạt vì họ thu tiền của khách hàng số tiền gấp nhiều lần số bị phạt”, luật sư Phượng nói.
Cũng theo ông Phượng, đã có một số dự án vi phạm bị cơ quan nhà nước thu hồi nhưng chưa triệt để, không dứt khoát, dẫn tới hệ luỵ các dự án kéo dài. Việc này không chỉ ảnh hưởng 1-2 dự án, mà còn dẫn tới tình trạng xấu của cả thị trường bất động sản.
Để khắc phục tình trạng chủ đầu tư chây ỳ, “quên” xây nhà trả khách, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần quyết liệt thu hồi dự án. Phần nào thiệt hại của người dân thì phải tính toán cụ thể để bắt chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả. Ngoài ra “ghi sổ đen” chủ đầu tư thiếu năng lực để không giao dự án mới.
Song, một thực tế cũng được các chuyên gia lưu ý, đó là cơ chế thu hồi hiện nay vướng ở chỗ xin cấp phép từ một cơ quan, thu hồi cũng chính cơ quan đó. Đặt ra tình trạng thời gian đầu cấp phép, thời gian sau thu hồi sẽ khó cho người xử lý. Bởi vậy, cần có cơ chế khác để thu hồi. Chúng ta phải phân cấp, phân quyền quản lý. Ví dụ, cấp phép xây dựng là cơ quan lĩnh vực xây dựng, nhà đất, nhưng thu hồi giao thẳng cho cơ quan thanh tra. Cơ quan thanh tra kiểm tra dự án đang xảy ra tranh chấp, nếu thấy dự án chưa hoàn tất pháp lý đã mở bán, có dấu hiệu chiếm dụng vốn của khách hàng, nhiều năm không triển khai, thì thẳng tay thu hồi.