Sau gần 15 năm, Khu kinh tế mở Chu Lai đã chính thức “xuất hiện” một thương hiệu ô tô Việt Nam. Đó là dòng sản phẩm xe bus của Công ty CP Ô tô Trường Hải.
Xuất khẩu xe bus
Sự kiện Trường Hải khánh thành nhà máy Thacobus mới và ký kết các thỏa thuận thương mại xuất khẩu sang Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Campuchia ngày 8.12.2017 là kết quả của một hành trình bền bỉ xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm “Thương hiệu Việt Nam – Tự tin hội nhập” của Thaco sau 13 năm. Bắt đầu nghiên cứu, sản xuất lắp ráp xe bus trong cùng nhà máy sản xuất xe tải năm 2005, Trường Hải đã đúc kết kinh nghiệm, nghiên cứu công nghệ sản xuất xe bus của riêng mình và một nhà máy chuyên biệt sản xuất xe bus đã ra đời vào tháng 6.2011. Nhà máy sản xuất xe bus đầu tiên tại Việt Nam do chính đội ngũ kỹ sư Trường Hải thiết kế có tỷ lệ nội địa hóa trang thiết bị nhà máy lên đến 80%. Từ việc sử dụng khung gầm nhãn hiệu Hyundai, Trường Hải đã liên tục đầu tư, cải tiến công nghệ, nâng công suất từ 3.000 lên 5.000 xe/năm, tự thiết kế, sản xuất nội địa hóa khung gầm nhãn hiệu Thaco, nâng tỷ lệ nội địa hóa toàn bộ xe lên đến 50%.
Không dừng lại ở đó, trong nỗ lực đầu tư xây dựng các nhà máy lắp ráp ô tô đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40%, bảo đảm vị trí đứng đầu Việt Nam, xuất khẩu sang các nước ASEAN, một nhà máy Bus Thaco mới đã được xây dựng vào tháng 9.2016 (khánh thành ngày 8.12.2017). Nhà máy có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á, sản xuất dòng xe khách cao cấp hoàn toàn mới mang thương hiệu Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa hơn 60%, có công suất thiết kế 20.000 xe/năm (bao gồm 8.000 xe bus và 12.000 xe mini-bus). Không chỉ hệ thống xử lý nước thải được tự động hóa từ khâu quản lý đến vận hành, bảo đảm chất lượng đầu ra nước thải, các dây chuyền sản xuất đều hiện đại và bán tự động với các máy gia công, các robot hàn tự động, hệ thống băng chuyền, dây chuyền lắp ráp… và dây chuyền sơn tĩnh điện 10 bể, có thể nhúng toàn bộ thân vỏ xe có chiều dài 13,7m vận hành tự động. Sự khác biệt lớn nhất của công nghệ sản xuất xe bus này là dây chuyền sơn tĩnh điện duy nhất tại Đông Nam Á và 1/22 dây chuyền sơn tĩnh điện hiện có trên thế giới
Ông Phạm Văn Tài – Phó Tổng giám đốc Thường trực Thaco cho hay, đội ngũ kỹ sư giỏi, chuyên gia nhiều kinh nghiệm có thể nghiên cứu thiết kế các sản phẩm đầy đủ các chủng loại xe từ trung cao cấp đến cao cấp và theo mục đích sử dụng (xe bus nội thành, liên tỉnh, xe ghế ngồi, xe giường nằm, xe bus chuyên dụng có tải trọng (từ nhỏ đến lớn bao gồm 12-16-25-29-35-47 chỗ), có kiểu dáng và nhận diện hoàn toàn mới với kết cấu khung gầm monocoque (body và chassis liền khối) đảm bảo trọng lượng xe nhẹ nhất và vận hành êm dịu nhất, sử dụng động cơ khí thải Euro 4, 5, 6 (theo tiêu chuẩn của Nhật Bản và châu Âu), có tỷ lệ nội địa hóa hơn 60%, công năng phù hợp với điều kiện giao thông tại Việt Nam.
Định vị thương hiệu ô tô Việt
Ít nhất 550/1.150 xe bus sẽ chính thức được xuất khẩu trong năm 2018 chỉ là lát cắt trên hành trình định vị thương hiệu ô tô Việt của Trường Hải. Doanh nghiệp này được xem là một trong những doanh nghiệp đang đại diện và trụ cột của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong giai đoạn đầy khó khăn và thách thức. Không chỉ hội tụ đầy đủ 7 thương hiệu lớn trên thế giới (Kia, Mazda, Peugeot, BMW, Nini, BMW Motorrad và Fuso), Trường Hải đã trở thành nhà sản xuất xe bus mang thương hiệu nội địa hàng đầu với sản phẩm được tin dùng nhất Việt Nam đã bán ra thị trường hơn 14 ngàn xe bus với đầy đủ các phân khúc sản phẩm THACO TB75, THACO TB82, THACO TB120… chiếm 54% thị phần. Xe khách giường nằm Thaco Mobihome dẫn đầu thị trường với 86% thị phần. Không chỉ những công ty vận tải hành khách lớn khắp tỉnh, thành Việt Nam như Phương Trang, Thành Bưởi, Vận tải Hà Nội, Du lịch Hà Sơn… tin dùng, nhà vận tải độc quyền Tuần lễ cấp cao APEC 2017 (11.2017) là Vietravel đã đặt mua 100 xe bus của công ty này phục vụ các quan chức APEC.
Thaco đã đặt kế hoạch sản xuất 5.500 xe bus và mini bus. Doanh số xe bus trong nước tối thiểu là 4.200 xe, chiếm thị phần 75% và phát triển, giới thiệu ra thị trường các sản phẩm xe bus với doanh số tối thiểu 900 xe năm 2018. Hệ thống bán lẻ cũng đã được đầu tư theo mô hình trung tâm ô tô tải, bus Thaco được quy hoạch trên trục lộ giao thông chính tại các cửa ngõ các tỉnh, thành kết nối liên vùng sẽ được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động hầu hết trên toàn cõi Việt Nam. Sự kiện xuất khẩu xe bus là minh chứng, chính thức khẳng định dòng xe này của Trường Hải đã dần định vị một thương hiệu ô tô Việt trong mắt người tiêu dùng. Ngay Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã tỏ ra phấn khích trong ngày khánh thành nhà máy Bus Thaco mới khi tuyên bố Trường Hải đã tạo được một sản phẩm ô tô thương hiệu Việt là điều Chính phủ mong muốn từ lâu nay. Đó cũng là câu trả lời, giải tỏa thắc mắc của thành viên tổ tư vấn Chính phủ Trần Du Lịch khi cho rằng Trường Hải chỉ thành công trong sản xuất, kinh doanh thương hiệu ngoại quốc mà chưa thể xây dựng một thương hiệu quốc gia cho sản phẩm của riêng mình.
Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco nói, từ nhiều năm trước, công ty đã xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm “Thương hiệu Việt Nam – Tự tin hội nhập”, bắt đầu bằng sản phẩm xe bus mang thương hiệu Thaco – Việt Nam, đạt chất lượng quốc tế và tỷ lệ nội địa hóa cao. “Có thể thị trường trong nước còn nhỏ, ngành công nghiệp ô tô non trẻ, nhưng với chính sách đúng đắn của Chính phủ và sự nỗ lực của doanh nghiệp, vẫn có thể cạnh tranh được ở thị trường khu vực. Nếu có tỷ lệ nội địa hóa cao, doanh số xuất khẩu khá, sẽ tự chống được nhập siêu và cân bằng cán cân thương mại trong ngành sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam” – ông Dương nói.
Theo: NHẬT PHONG/ Báo Quảng Nam