Tuyến đường sắt đô thị – Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên)
Dự án có tổng chiều dài 19,7km, trong đó, đoạn đi ngầm 2,6 km và đoạn đi trên cao 17,1km. Với 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao) và 1 depot. Đi qua các quận gồm: Quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9, Thủ Đức của TP.HCM và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.757,15 tỷ đồng trong đó, vốn vay ODA của Nhật Bản hơn 185 tỷ Yên (tương đương 38.265,55 tỷ đồng), vốn từ ngân sách TP.HCM là 5.491,6 tỷ đồng.
Hiện dự án đã hoàn thành gần 72,6% khối lượng công việc (kế hoạch cho năm 2020 là 85%). Theo dự kiến, thời điểm hoàn thành công trình và đưa vào khai thác từ quý IV/2021, thời điểm kết thúc công tác hỗ trợ vận hành bảo dưỡng sẽ là năm 2026.
Tuy nhiên, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, hiện dự án vẫn đang gặp nhiều khó khăn và vướng mắc liên quan đến Bộ, ngành trung ương. Cụ thể:
Về hiệu chỉnh quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án, dự án đầu tư hiệu chỉnh đã được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 4856/QĐ-UBND ngày 13/11/2019 với tổng mức điều chỉnh hơn 43.757,15 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA được điều chỉnh là 38.265,55 tỷ đồng.
Theo quy định về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, đồng tiền cho vay lại là đồng tiền Chính phủ vay nước ngoài. Do đó, vốn ODA mà Chính phủ cho UBND TP vay lại được xác định bằng yên Nhật.
Hiện Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp Sở Tài chính xem xét, tham mưu UBND TP về kiến nghị hiệu chỉnh phê duyệt điều chỉnh dự án của MAUR.
MAUR cho hay, ngày 5/5 vừa qua, Sở Tài chính cũng đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về việc thể hiện giá trị vốn vay theo nguyên tệ tại quyết định phê duyệt dự án đầu tư của dự án vay vốn ODA.
Đối với vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương, theo báo cáo kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (phần vốn vay nước ngoài trong tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 14.415 tỷ đồng; giá trị vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương là hơn 9.730,157 tỷ đồng; vốn vay lại của TP.HCM gần khoảng 4.685 tỷ đồng.
Theo đó, ngày 7/10/2019, Bộ Tài chính có ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, trong đó: Vốn vay nước ngoài được ngân sách trung ương cấp phát là 70,836 tỷ yên Nhật; cho vay lại là trị giá vốn vay Nhật Bản còn lại trong tổng mức đầu tư ban đầu là 34,106 tỷ yên.
Như vậy, với cách tính theo ngoại tệ khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát. Do đó, MAUR kiến nghị Bộ KH&ĐT xem xét thống nhất giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương bằng yên Nhật theo ý kiến của Bộ Tài chính, phù hợp với quy định về đồng tiền cho vay lại là đồng tiền Chính phủ cho vay nước ngoài.
Bên cạnh đó, MAUR còn kiến nghị, Bộ Tài chính sớm xem xét thẩm định hồ sơ cho vay lại dự án để làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo; hướng dẫn thủ tục hoàn ứng ngân sách TP…
Ngoài ra, MAUR cũng cho biết, dự án metro số 1 đang gặp phải khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi các nhà thầu chưa thể thực hiện thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài (các chuyên gia Nhật đi cùng đoàn tàu để vận chuyển về Việt Nam). Do đó, kiến nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an xem xét, giải quyết việc nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài.
Tuyến tàu điện ngầm số 2 – Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương)
Dự án có tổng chiều dài 11,2km, trong đó, đoạn đi ngầm 9,2 km và đoạn đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn vào depot là 2km. Với 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot. Đi qua các quận gồm: Quận 1, quận 3, quận 10, quận 12, Tân Bình và Tân Phú của TP.HCM.
Metro số 2 có tổng mức đầu tư hơn 47.890,84 tỷ đồng (tương đương 2.093,59 triệu USD) trong đó, vốn vay ODA (từ Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB; Ngân hàng Tái thiết Đức – KfW; Ngân hàng đầu tư Châu Âu – EIB) hơn 1.638 triệu USD (tương đương gần 37.487 tỷ đồng), vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM là 10.403,87 tỷ đồng.
Hiện dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng với tổng diện tích là 251.136m2. Dự án được thực hiện từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Tương tự metro số 1, hiện dự án metro số 2 cũng đang gặp nhiều khó khăn và vướng mắc liên quan đến Bộ, ngành trung ương như:
Về hồ sơ cho vay lại đối với dự án, MAUR kiến nghị Bộ Tài chính sớm xem xét thẩm định hồ sơ cho vay lại dự án để làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo.
Đối với việc gia hạn thời gian giải ngân và điều chỉnh lịch trả nợ khoản vay Ngân hàng KfW, MAUR cho biết, hiện Bộ Tài chính đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký thư sửa đổi bổ sung 2 Hiệp định vay đã ký với KfW, trong đó, gia hạn giải ngân của dự án đến ngày 30/12/2020 và điều chỉnh lịch trả nợ của dự án bắt đầu từ 30/9/2025.
Theo đó, thời gian thực hiện dự án metro số 2 đã được UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh đến năm 2026. Do đó, UBND TP đã đề nghị Bồ Tài chính điều chỉnh thời hạn giải ngân khoản vay KfW đến ngày 30/12/2026 và điều chỉnh trả nợ đến ngày 30/9/2027.
“Việc gia hạn khoản vay đã được KfW gửi UBND TP.HCM và MAUR, trong đó, đồng ý về nguyên tắc đối với nội dung đề nghị của MAUR liên quan đến việc điều chỉnh khoản vay, thỏa thuận tài chính của dự án metro số 2 đã ký kết với KfW. Đồng thời, việc điều chỉnh này đã được duyệt bởi Ban Quản trị KfW và chấp thuận dựa trên văn bản yêu cầu của Bộ Tài Chính”, MAUR thông tin.
Qua đó, MAUR kiến nghị Bộ Tài chính xem xét thực hiện các thủ tục gia hạn thời gian giải ngân và điều chỉnh lịch trả nợ 2 khoản vay KfW đã ký, là cơ sở để triển khai thực hiện dự án metro số 2 theo tiến độ đã cam kết.
Về việc sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng EIB, theo MAUR, tổng mức đầu tư điều chỉnh đã được UBND TP.HM phê duyệt tại Quyết định số 4880/QĐ-UBND ngày 14/11/2020. Theo cơ cấu nguồn vốn trong tổng vốn đầu tư điều chỉnh, giá trị dự kiến sử dụng từ vốn vay của EIB là 27,15 triệu EUR, sử dụng cho các gói thầu hầm và các nhà ga ngầm (gói thầu CP3a và CP3b).
Do việc thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án kéo dài đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp chính (thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu CP3a và CP3b dự kiến vào quý II/2020); không thể kịp tiến độ đàm phán, ký kết hợp đồng và giải ngân khoản vay của EIB trước thời hạn hết hiệu lực vào ngày 31/8/2020.
MUAR cho hay, ngày 14/2/2020, ngân hàng EIB đã có thư về việc không tiếp tục gia hạn Hiệp định vay đã ký. Tuy nhiên, EIB có thể xem xét thay thế bằng một khoản vay mới khi nhận được văn bản đề nghị chính thức từ phía Bộ Tài chính. Do đó, kiến nghị Bộ Tài chính trao đổi với EIB để thực hiện các thủ tục cần thiết để đóng Hiệp định vay FI No 25.946/VN ngày 6/12/2010 để tránh phát sinh thêm chi phí cam kết.
Tuyến đướng sắt đô thị số 5, giai đoạn 1 – Metro số 5 (ngã tư Bảy Hiền – Cầu Sài Gòn)
Dự án có tổng chiều dài 8,89km, trong đó, đoạn đi ngầm 7,46km; đoạn đi trên cao và chuyển tiếp 1,43km. Với 7 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot mini ngầm khoảng 2ha ở công viên Hoàng Văn Thụ (Tân Bình, TP.HCM). Đi qua các quận gồm: Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh của TP.HCM.
Metro số 5 có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 38.749,472 tỷ đồng (tương đương gần 1.666 triệu USD) được tài trợ bởi Chính phủ Tây Ban Nha, Ngân hàng ADB; Ngân hàng KfW; Ngân hàng EIB.
Liên quan đến dự án, trước đó, ngày 24/4/2020, MAUR đã trình UBND TP.HCM thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5. Theo kế hoạch, dự kiến UBND TP sẽ xem xét và trình Hội đồng thẩm định Nhà nước trong tháng 6/2020, phấn đầu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2020.
Theo MAUR, để chuẩn bị tuyển chọn tư vấn thẩm tra, trước đó, ngày 8/3/2019, MAUR đã đề nghị Vụ giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KT&ĐT) xem xét, góp ý dự thảo hồ sơ nhiệm vụ và dự toán gói thầu tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án với giá trị dự kiến khoảng 20-30 tỷ đồng.
UBND TP.HCM cũng đã có công văn gửi Bộ KG&ĐT về tình hình chuẩn bị đầu tư dự án theo ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước và có cam kết bố trí đầy đủ và kịp thời ngân sách địa phương chi trả các chi phí thuê tư vấn thẩm tra. Do đó, kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm có ý kiến góp ý đối với dự thảo hồ sơ nhiệm vụ và dự toán gói thầu tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5.
Tuyến đường sắt đô thị số 3a – Metro số 3a (Bến Thành – Tân Kiên)
Liên quan đến dự án, ngày 21/4/2020, UBND TP.HCM đã trình Bộ KH&ĐT về hồ sơ cập nhật đề xuất dự án metro số 3a. Đồng thời, kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm xem xét, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án.
Theo hồ sơ, dự án metro số 3a có tổng chiều dài khoảng 19,59 km, trong đó, giai đoạn 1 (từ Bến Thành – Bến xe Miền Tây) 9,9km; giai đoạn 2 (từ Bến xe Miền Tây – Tân Kiên) 9,69km. Đi qua quận Bình Tân, huyện Bình Chánh của TP.HCM.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 312,55 tỷ yên Nhật (tương đương gần 67.798 tỷ đồng) được tài trợ bởi JICA (Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản).
Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến đầu tư 195,635 tỷ yên (42.437 tỷ đồng), thời gian thực hiện từ năm 2016 – 2031 và giai đoạn 2 là 116,915 tỷ yên (25,361 tỷ đồng), thời gian thực hiện từ 2024 – 2034.
Nguồn: Nhà đầu tư
Link gốc: https://nhadautu.vn/nhung-du-an-duong-sat-do-thi-tai-tphcm-dang-thuc-hien-ra-sao-d37731.html