Cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 25% trong tháng 7
Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippine (DTI) đang thực hiện những giai đoạn cuối cùng để triển khai chương trình CREATE và ngay lập tức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT), qua đó tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
“DTI, bao gồm cả BOI (Ủy ban đầu tư) đều hoàn toàn nhất trí với chương trình CREATE vì nó có tính hiệu quả tốt hơn so với CITIRA (Đạo luật hợp lý hóa thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi). CREATE sẽ là phương án tốt hơn cho các nhà đầu tư đang ở đây và các nhà đầu tư mới”, Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez nói.
CREATE, phiên bản sửa đổi của CITIRA, sẽ giúp Philippines nhanh chóng cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện cao nhất ở Đông Nam Á) xuống còn 25% vào tháng 7 từ mức 30% đang được áp dụng. Không chỉ vậy, CREATE cũng sẽ cho phép các công ty được hưởng mức lợi ích đến năm 2029.
Ngoài việc giảm thuế TNDN nhanh chóng, ông Lopez cho biết CREATE sẽ cung cấp thêm một chương trình khuyến khích và cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư mới.
Theo CREATE, việc chuyển lỗ vào thu nhập (NOLCO) cho các khoản lỗ phát sinh sẽ được kéo dài thời hạn đến 5 năm so với mức 3 năm trước đó.
Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez cho biết thêm rằng nước này sẽ thu hút các dự án chiến lược cao do Tổng thống được trao quyền cung cấp các ưu đãi phù hợp ngoài các chính sách thông thường.
“Đây là những gì mà chúng ta cần bây giờ. Chúng tôi đã từng bàn luận về lý do tại sao Philippines không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn nước ngoài. Ngoài yếu tố cơ sở hạ tầng đang được chương trình 3B giải quyết, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục các hạn chế về vốn chủ sở hữu nước ngoài và các vấn đề khác, trong khi CREATE sẽ tạm thời giải quyết vấn đề về lợi ích thuế”, ông Lopez nói.
Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez nói rằng: “Không có thời gian nào tốt hơn để cải cách hệ thống thuế thu nhập doanh nghiệp và hiện đại hóa hệ thống ưu đãi tài chính của chúng ta hơn bây giờ. Đây có thể là cuộc cải cách kinh tế quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ”.
Trong khi đó, nhóm hơn 30 doanh nghiệp hàng đầu của Philippines cũng cho biết: “Giảm 5% ngay trong tháng 7 sẽ là một phương án hiệu quả, không chỉ hỗ trợ và giữ chân các công ty đang hoạt động trong nước mà còn thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài”.
Trước đó, Philippines cũng đã mở rộng danh sách các dự án hàng đầu trong chương trình 3B. Nó hiện bao gồm 100 dự án quy mô lớn với tổng trị giá hơn 87,3 tỷ USD. Ngoài ra, nhiều dự án hợp tác công tư (PPP) cũng được thêm vào danh sách của chương trình 3B.
Các chuyên gia kinh tế tại nước này nhận định rằng, sự thay đổi chính sách đối với PPP chắc chắn sẽ gây được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư mới.
Cắt giảm thuế TNDN liệu đã đủ cho Philippines?
Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện, ông Franklin Drilon đã thúc giục Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) tăng cường nỗ lực để thu hút các công ty đa quốc gia đang có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc.
Ông Drilon bày tỏ sự lo ngại về việc Philippines đang tụt lại phía sau các nước Đông Nam Á khác trong nỗ lực thu hút các nhà đầu tư rời khỏi Trung Quốc, bao gồm các công ty đa quốc gia lớn nhất từ Nhật Bản và Mỹ.
“Tôi không thấy chúng ta có đủ nỗ lực để so sánh với các nước láng giềng như Indonesia, Việt Nam và Thái Lan nhằm thu hút các công ty lớn dịch chuyển từ Trung Quốc. Đây là một cơ hội mà chúng ta nên nắm bắt ngay lập tức. Cuộc đua là rất khó khăn. Sự thoải mái là quá xa xỉ đối với chúng ta, đặc biệt là trong thời gian quan trọng nhất trong lịch sử đất nước”, ông Drilon nói.
Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện nói rằng chính phủ phải tiếp cận với các công ty này vì các khoản đầu tư của họ sẽ giúp nền kinh tế phục hồi trước những ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Chính phủ cần thiết lập một chiến lược mạnh mẽ và chủ động hơn nữa để đưa các công ty này đến Philippines.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Philippines Inc. (JCCIPI) trước đó cho biết, các công ty sản xuất của Nhật Bản tại Trung Quốc luôn xem xét các phương án thay thế đầu tiên là Việt Nam, Indonesia và sau đó là Thái Lan do chuỗi cung ứng, tài nguyên và sản xuất.
Khi ông Drilon đặt câu hỏi tại Thượng viện về những vấn đề này, Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez cho biết có một số công ty sẽ chuyển đến nước này, nhưng thừa nhận rằng họ không phải là công ty lớn nhất. Thực tế, các công ty lớn được cho là có xu hướng dịch chuyển sang Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.
“Chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ hơn bao giờ hết để nền kinh tế phục hồi sau COVID-19 và cung cấp việc làm và cơ hội cho những người Philippines đang bị mất việc. Hãy nói với chúng tôi về những vướng mắc đang phải đối mặt ở đây và nếu đó là về chính sách thì Quốc hội sẽ phải sửa nó”, ông Drilon nói.
Nguồn: Nhà đầu tư
Link gốc: https://nhadautu.vn/cuoc-dua-thu-hut-von-fdi-dich-chuyen-tu-trung-quoc–bai-4-philippines-va-chinh-sach-giam-thue-d38078.html