Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào ngày 8-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GT-VT phải tập trung, làm quyết liệt hơn nữa để khởi công xây dựng các gói thầu đầu tiên của 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông gồm: dự án Mai Sơn – quốc lộ 45, dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết và dự án Phan Thiết – Dầu Giây vào cuối tháng 8-2020.
Trước đó, trong tháng 6, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua việc chuyển đổi phương thức đầu tư từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần này.
Việc thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư và yêu cầu nhanh chóng khởi công xây dựng đối với 3 dự án trên, trong đó có dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, cho thấy tính cấp bách, cần triển khai sớm để giải quyết nhu cầu về kết nối giao thông.
Trên thực tế, với vị trí nằm ở “cửa ngõ” của trung tâm kinh tế, đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM, việc đầu tư xây dựng sớm đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sẽ tạo ra động lực lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đặt trong mạng lưới đường cao tốc đã và đang được xây dựng trong khu vực, đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ thực hiện nhiệm vụ kết nối với các đường cao tốc còn lại. Cụ thể, tuyến đường cao tốc này sẽ kết nối các tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, TP.HCM – Trung Lương – Cần Thơ. Từ đó, tạo thành tuyến đường cao tốc dài gần 400km đi qua các trung tâm kinh tế, các đầu mối giao thông quan trọng ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết khu vực miền Trung với miền Nam.
Cùng với đó, hiện nay, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng đã được lên kế hoạch đầu tư, mở rộng so với quy mô hiện tại. Như vậy, nếu được đầu tư đồng bộ, các tuyến cao tốc này sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông, vốn đang được đánh giá là còn khá hạn chế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, tạo động lực để các địa phương trong vùng chủ động khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội.
Dự án Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có chiều dài toàn tuyến khoảng 99km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5km, chạy qua các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP.Long Khánh với diện tích đất phải thu hồi khoảng 412ha.
Để đáp ứng yêu cầu về thời gian khởi công dự án theo đúng như yêu cầu của Chính phủ, hiện nay, Đồng Nai cũng đang tập trung tối đa cho công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Bởi, với yêu cầu cấp bách về tiến độ, việc hoàn thành nhanh công tác giải phóng mặt bằng đóng vai trò rất quan trọng. Với việc Quốc hội đồng ý chuyển đổi hình thức đầu tư đối với dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, vấn đề vốn cho dự án đã được giải quyết xong. Do đó, “nút thắt” còn lại có thể ảnh hưởng đến việc khởi công theo đúng yêu cầu tiến độ của Chính phủ hiện chỉ còn là vấn đề mặt bằng thi công.
Nguồn Lê Văn/ Báo Đồng Nai
Link gốc: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/sotayphongvien/202007/cap-bach-xay-dung-duong-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-3012503/