Đóng băng tài sản và cấm đầu tư nằm trong số các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào cuộc đàn áp Hồng Kông.
Các ngân hàng Trung Quốc được coi là đồng lõa trong cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với nền dân chủ Hồng Kông. Do vậy, họ sẽ bị cắt đứt khỏi phần lớn hệ thống tài chính toàn cầu theo các lệnh trừng phạt trên diện rộng là một phần của luật pháp Mỹ mới ban hành.
Đạo luật tự trị Hồng Kông được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hôm thứ ba 14.7, đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với những tổ chức tín dụng có quan hệ làm ăn với các quan chức bị trừng phạt. Nó bao gồm cấm nhận các khoản vay từ ngân hàng Mỹ, tham gia giao dịch ngoại tệ và ngân hàng hay đầu tư vào vốn cổ phần hoặc vay nợ.
Ông Zhang Xiaoming – Phó giám đốc điều hành của Văn phòng Quan hệ Hồng Kông và Ma Cao Bắc Kinh có thể là một trong những quan chức bị Mỹ xem xét xử phạt vì phá hoại quyền tự trị của Hồng Kông. Nguồn ảnh: Reuters. |
Chính phủ Mỹ cũng có thể đóng băng tài sản của các tổ chức được chỉ định hoặc hạn chế việc xuất khẩu qua các tổ chức này.
Mặc dù, các lệnh trừng phạt không chỉ giới hạn ở các tổ chức Trung Quốc, luật này đã được soạn thảo chủ yếu nhắm vào các ngân hàng lớn của Trung Quốc như Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa – ông Pat Toomey khẳng định: Nền kinh tế Trung Quốc “trong tương lai gần vẫn sẽ phụ thuộc vào các giao dịch bằng USD”. Ông nói: “Khi lợi ích kinh doanh và tài chính nhận ra đây là một công cụ có thể được triển khai, tôi nghĩ sẽ có một áp lực hoàn toàn mới đối với chính phủ”.
Viễn cảnh mất quyền truy cập vào đồng tiền dự trữ quốc tế là một mối đe dọa tiềm tàng. Theo Bloomberg Intelligence, 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc nắm giữ khoảng 1,1 nghìn tỉ USD nợ được định giá bằng đồng USD vào cuối năm 2019. Các ngân hàng này không chỉ xử lý các giao dịch thương mại cho các doanh nghiệp Trung Quốc, mà còn đóng vai trò là nguồn tài chính cho sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Ngân hàng Trung Quốc (BOC) là một trong những tổ chức tài chính dự kiến sẽ bị tấn công bởi luật pháp mới của Mỹ. Nguồn ảnh: Reuters. |
Ông Takahide Kiuchi – chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu Nomura cho hay: “Trong trường hợp xấu nhất, các công ty Trung Quốc kinh doanh ở nước ngoài sẽ không thể giao dịch bằng USD. Thương mại Trung Quốc đương nhiên sẽ bị giảm bớt”.
Đây có thể là lý do tại sao Trung Quốc đang thúc đẩy rất nhiều cho việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Mỹ có 2 hệ thống thanh toán USD lớn, tập trung vào Cục Dự trữ Liên bang và Phố Wall. Đó là 2 nơi cùng nhau xử lý hàng nghìn tỉ USD thanh toán mỗi ngày. Việc cấm các ngân hàng lớn của Trung Quốc sẽ nhanh chóng siết chặt nguồn cung đồng bạc xanh.
Các biện pháp trừng phạt được chứng minh là một con át chủ bài quá mạnh để chơi.
Năm 2017, chính quyền Washington đã chặn Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc khỏi các mạng lưới tài chính của Mỹ vì vi phạm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, việc cắt đứt các tổ chức lớn của Trung Quốc sẽ gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng của Trung Quốc và dẫn đến làm lung lay chính hệ thống tài chính quốc tế.
Và những rủi ro tiềm ẩn đối với các ngân hàng ở Mỹ, Nhật và châu Âu là điều khó tránh. Vì luật an ninh mới của Trung Quốc đối với Hồng Kông nghiêm cấm “thông đồng với nước ngoài hoặc các yếu tố bên ngoài”, các tổ chức tài chính hành động để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ lại trở thành nạn nhân cho các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh.
Các ngân hàng đa quốc gia hoạt động tại Hồng Kông đã bắt đầu rà soát lại danh sách khách hàng của họ nhằm xác định các rủi ro trừng phạt tiềm ẩn theo luật mới của Mỹ. Luật pháp cho phép thời hạn lên tới 1 năm trước khi các lệnh trừng phạt được áp dụng. Điều này tạo cơ hội cho các ngân hàng cắt đứt các mối quan hệ có vấn đề.
Nguồn: Nhịp cầu đầu tư
Link gốc: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/cac-ngan-hang-trung-quoc-mat-quyen-tiep-can-dong-usd-3336115/