Bộ TN&MT cho biết đã thận trọng trong quá trình thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án lấn biển Cần Giờ.
Sáng 20.7, tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ TN&MT đã chính thức thông tin xoay quanh việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ ở TP.HCM.
Nguyên tắc số một: Giữ được biển Cần Giờ
Ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), khẳng định: Nguyên tắc số một khi thực hiện dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là phải giữ được biển Cần Giờ và các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường.
“Đây là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên chúng tôi đã hết sức thận trọng trong quá trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM” – ông Hải nói.
Một góc khu vực dự kiến làm dự án lấn biển Cần Giờ. Ảnh: Thu Trinh
Theo ông Hải, qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa, báo cáo ĐTM của dự án đã được thông qua bởi hội đồng thẩm định. Hội đồng này gồm các nhà khoa học hàng đầu, được tiến hành cẩn trọng và tuyệt đối tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Hải cho hay trong quá trình thẩm định hồ sơ, Bộ TN&MT nhận thấy báo cáo ĐTM của dự án đã nhận diện, đánh giá khá đầy đủ, thận trọng các tác động có thể có. Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra giải pháp khá tổng thể nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường cũng như xây dựng chương trình quản lý, giám sát môi trường và ứng phó sự cố môi trường.
Bên cạnh đó, ông Hải cho hay phía chủ đầu tư còn cung cấp hồ sơ kỹ thuật, chuyên đề nghiên cứu báo cáo đánh giá độc lập được thực hiện bởi các đơn vị, tổ chức uy tín trong nước và quốc tế.
“Đây là các báo cáo chuyên đề liên quan đến các vấn đề lớn mà dự án có thể gây tác động như đa dạng sinh thái rừng ngập mặn, dòng chảy tự nhiên; nguy cơ bồi lắng, xói lở; nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; các tác động kinh tế – xã hội; các mô hình với các kịch bản khác nhau về lan truyền ô nhiễm, thay đổi độ mặn, nước biển dâng” – ông Hải thông tin.
Tác động không đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển; tạo thêm quỹ đất
Liên quan 15 điều kiện kèm theo mà Bộ TN&MT yêu cầu dự án phải thực hiện trong quyết định phê duyệt ĐTM của dự án, ông Hải cho hay điều này phù hợp với quy định về phê duyệt báo cáo ĐTM. Bởi việc đánh giá tác động môi trường chính là phân tích, dự báo những yếu tố tác động đến môi trường của dự án.
Ông Hải cũng cho hay vị trí của dự án nằm kế cận với khu chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Vì vậy phù hợp với quy định của Việt Nam và UNESCO về bảo tồn đa dạng sinh học.
“Với những biện pháp thi công tiên tiến, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam cao nhất, kết quả đánh giá tác động môi trường thông qua các mô hình toán cho thấy dự án chỉ tác động không đáng kể đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ” – ông Hải nói.
Ở góc độ chuyên gia, trao đổi với phóng viên, GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM), cho biết: Dự án này góp phần làm cho khu vực Cần Giờ đẹp hơn, văn minh hơn, tạo thêm quỹ đất.
Tuy nhiên, theo ông Bá, khi tiến hành thực hiện, chủ đầu tư nên chú ý đến vấn đề hệ sinh thái, môi trường với tầm nhìn dài hạn. Mục đích là để không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển nơi đây. Bên cạnh đó, việc đánh giá tác động môi trường của dự án cần tiến hành một cách kỹ lưỡng, thận trọng và thực hiện một cách khách quan.
“Khi thực hiện dự án cần chú ý hệ sinh thái tự nhiên thay đổi ra sao. Đồng thời, khi thực hiện dự án, chủ đầu tư cần chú ý đến vấn đề môi trường, cần bảo tồn khu dự trữ sinh quyển, vì để có khu dự trữ sinh quyển như ngày nay là công sức đóng góp của rất nhiều người” – GS-TSKH Lê Huy Bá nói.
Thủ tướng cơ bản đồng ý với nhiều dự án lớn của TP.HCM
Ngày 20.7, tại buổi làm việc với TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận nhiều vấn đề.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với bất cứ nước nào thì bất động sản và phát triển đô thị cũng là xu hướng rất quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Đình Nguyên
Từ lần làm việc với TP vào đầu năm 2020, Thủ tướng đã chỉ đạo TP cần chú ý phát triển mạnh mẽ hơn về kinh tế đô thị, nhất là các huyện, nơi có nhu cầu phát triển rất lớn.
Về Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, Thường vụ đã rất tâm huyết, Chính phủ phải họp 2 lần để xem xét các yếu tố về môi trường nhằm giải quyết vấn đề này, không thể để nó mãi là bãi hoang hóa.
Tại buổi làm việc với TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận trên cơ sở các kiến nghị của TP về 12 dự án, vấn đề. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, do vị thế và vai trò của TP.HCM đối với cả nước, TP không được chậm trễ, các cấp các ngành của TP không được trì trệ. Các Sở ngành, quận huyện phải nâng cao tính năng động, sáng tạo, tập trung sức lực, huy động hệ thống chính trị vào cuộc để đạt kết quả cụ thể trong giải quyết các vấn đề khó khăn như giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công…
Thủ tướng biểu dương quyết tâm của TP trong việc giải ngân 100% vốn đầu tư công đã đề ra cho năm 2020 và công tác giao ban, kiểm tra, khen thưởng, kịp thời điều chuyển vốn.
Thủ tướng cho rằng chỉ còn 25 tuần nữa là kết thúc năm 2020 nhưng còn nhiều vấn đề lo lắng, nhiều công trình giao thông, dự án đầu tư còn chậm tiến độ… Cần nhận diện rõ vấn đề này để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển.
Theo Thủ tướng, muốn tăng trưởng thì cần đầu tư, bao gồm đầu tư nhà nước và tư nhân. Vì vậy, cần giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Thái Nguyên (Nguồn: Trung tâm Báo chí TP.HCM)
Dự kiến thu hút 9 triệu khách du lịch mỗi năm
Theo Bộ TN&MT, dự án lấn biển Cần Giờ là khu đô thị kết hợp du lịch nằm ở vị trí cách vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 18 km (về phía bắc).
Dự án có quy mô dân số dự kiến là hơn 228.000 người, thu hút khoảng 9 triệu lượt khách du lịch mỗi năm; tạo ra công ăn việc làm cho 25.000 lao động; tạo điều kiện tăng thu ngân sách qua tiền thuê sử dụng đất, cho thuê đất, mặt nước…
Dự kiến khi dự án hoàn thành sẽ đóng góp khoảng 2.900 tỉ đồng mỗi năm cho ngân sách. Dự án này do Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư.
Nguồn: Trọng Phú – Nguyễn Châu/ Người đô thị
Link gốc: https://nguoidothi.net.vn/bo-tnmt-thong-tin-ve-du-an-lan-bien-can-gio-24509.html