LTS: Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc từ lâu nay luôn là một mối quan hệ phức tạp, tương hỗ và đầy tính lợi ích. Bên cạnh những quan hệ đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ và cả chính trị, hai cường quốc này luôn tồn tại những mâu thuẫn nghiêm trọng, khó có thể dung hòa. Dù từng có nhiều giai đoạn có quan hệ kinh tế ‘nồng ấm’ với nhau, hai quốc gia này luôn có những nghi kỵ lẫn nhau, luôn cảnh giác về đối phương như một kẻ thù tiềm năng và cạnh tranh với nhau nhằm giành quyền bá chủ ở Thái Bình Dương. Những sự kiện như chiến tranh thương mại, ‘dằn mặt’ nhau ở Biển Đông gần đây hay cuộc khủng hoảng ‘lãnh sự quán’ đang diễn ra giữa hai nước là một tiến trình cạnh tranh tất yếu giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Sự cạnh tranh gay gắt này liệu sẽ dẫn tới một trật tự kinh tế mới? Loạt bài “Đối đầu Mỹ-Trung và trật tự kinh tế thế giới mới”, được đăng tải bắt đầu từ hôm nay, 25/7/2020, trên nhadautu.vn hy vọng sẽ trả lời phần nào câu hỏi này. Kính mời bạn đọc theo dõi và ủng hộ.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc chính thức nổ ra từ ngày 22/3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ (để ngăn chặn hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ từ Trung Quốc).
Đáp trả hành động của Mỹ, ngày 2/4/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp đặt thuế nhập khẩu từ 15-25% đối với 128 sản phẩm của Mỹ. Sau đó, ngày 6/7/2018, Washington chính thức áp dụng mức thuế mới lên tới 25% đối với 34 tỷ USD máy móc, thiết bị điện tử và thiết bị công nghệ cao của Trung Quốc.
Điều này đã dẫn đến một chuỗi các cuộc trả đũa của Trung Quốc và các mức thuế trừng phạt mới do Mỹ áp đặt mặc dù hai bên đã nối lại các cuộc đàm phán, nhưng dường như hai bên vẫn không thể tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề chính.
Tổng thống Trump đã tuyên bố thẳng thừng: “Nếu Trung Quốc không muốn giao dịch với chúng tôi nữa, điều đó cũng tốt đối với tôi thôi”. Ông cũng kêu gọi các công ty Mỹ rút ra khỏi Trung Quốc và đi làm ăn ở các nước khác.
Các quan chức Trung Quốc đã không muốn tỏ ra yếu thế bằng cách nhượng bộ. Trên thực tế, họ đã trả đũa ngay lập tức bằng cách đình chỉ mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Thuế quan của Trung Quốc được áp dụng chủ yếu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và nhiên liệu hóa thạch – những mặt hàng có thể dễ dàng mua từ các quốc gia khác. Ngược lại, phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ lại là những sản phẩm đặc trưng không thể dễ dàng được cung cấp bởi các quốc gia khác với chi phí thấp tương tự.
Bắc Kinh đã lần lượt áp dụng mức thuế quan với quy mô và phạm vi tương đương đối với hàng nông sản, xe hơi và thủy sản của Mỹ. Trung Quốc đã khiếu nại việc Mỹ đánh thuế tại WTO và cho rằng Mỹ đã vi phạm những quy định đã thống nhất của tổ chức quốc tế này.
Ngày 23/8/2018, Mỹ áp dụng thuế quan đối với 16 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc áp dụng mức thuế 25% đối với 16 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, bao gồm xe máy Harley-Davidson, rượu bourbon và nước cam.
Khoảng một tháng sau đó, Washington đã đánh thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc và Bắc Kinh cũng áp thuế quan đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, các nhà xuất khẩu ở cả hai nước đang chịu áp lực rất lớn từ các đòn trả đũa qua lại, thậm chí nhiều Tập đoàn đa quốc gia có nhà máy tại Trung Quốc đã phải tính đến phương án thiết lập lại chuỗi cung ứng của mình.
Vào cuối năm 2018, Mỹ và Trung Quốc bất ngờ đạt được một “thỏa thuận đình chiến thương mại” cũng như việc cả 2 bên đều quyết định sẽ đàm phán để tiến tới một thỏa thuận thương mại chung. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực từ 2 nước với tám lần hội đàm, Mỹ và Trung Quốc đã không thể đạt được thỏa thuận thương mại chung cuối cùng. Hệ quả, Mỹ chính thức áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Dần mất kiên nhẫn với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% lên 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đồng thời đe dọa tăng mức thuế lên tới 25% nếu Bắc Kinh không đẩy nhanh tiến trình đàm phán.
Cuối năm 2019, sau 13 vòng đàm phán thương mại, Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất các điểm cơ bản của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và tuyên bố sẽ sớm tiến đến việc ký kết.
Chính thức ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1
Vào ngày 15/1/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã cùng nhau ký thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước tại Nhà Trắng.
Bắc Kinh và Washington đã mô tả thỏa thuận giai đoạn 1 là một bước tiến quan trọng sau nhiều tháng đàm phán bắt đầu rồi chấm dứt do áp thuế trả đũa lẫn nhau, gây xáo trộn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Theo ông Trump, với thỏa thuận giai đoạn một này, Trung Quốc đã nhất trí mở rộng đáng kể danh mục hàng hóa nước này mua của Mỹ, lên tới trên 200 tỷ USD trong vòng hai năm tới. Cụ thể, Bắc Kinh đã đồng ý mua thêm 50 tỷ USD nông sản, 75 tỷ USD các sản phẩm chế tạo và 50 tỷ USD năng lượng.
Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tốt cho cả hai bên, đảm bảo an ninh kinh tế cho các gia đình, doanh nghiệp và người nông dân Mỹ. Ông cho biết sẽ có chuyến thăm Trung Quốc trong một tương lai không xa để thúc đẩy giai đoạn 2 của thỏa thuận này.
Các quan chức hai bên tuyên bố thỏa thuận này mở ra một kỷ nguyên mới cho quan hệ Mỹ-Trung Quốc, nhưng không thể giải quyết được những bất đồng khiến chính quyền Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại ngay từ đầu.
Những bất đồng bao gồm Trung Quốc lâu nay hỗ trợ các công ty nhà nước và làm tràn ngập thị trường quốc tế với hàng hóa giá rẻ. Bên cạnh đó, ông Trump lại đang theo đuổi chính sách “Nước Mỹ là trên hết” nhằm tái cân bằng thương mại toàn cầu có lợi cho các công ty và công nhân Mỹ.
Tổng thống Donald Trump cho biết Trung Quốc đã cam kết hành động để giải quyết vấn đề hàng lậu hoặc hàng giả và thỏa thuận cũng bao gồm việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Thỏa thuận ban đầu đạt được vào tháng 12/2019 đã hủy bỏ thuế quan nhập khẩu của Mỹ đối với điện thoại di động, đồ chơi và máy tính xách tay do Trung Quốc sản xuất, đồng thời giảm một nửa mức thuế suất xuống còn 7,5% đối với những mặt hàng khác của Trung Quốc trị giá 120 tỷ USD, bao gồm TV màn hình phẳng, tai nghe Bluetooth và giày dép.
Tuy nhiên, thỏa thuận này duy trì áp dụng mức thuế 25% đối với một lượng lớn hàng hóa và linh kiện Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD vốn đang được các nhà sản xuất Mỹ sử dụng.
Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận giai đoạn 1 chính là điểm nhấn trong chiến dịch vận động tái tranh cử năm 2020. Chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố ông sẽ đồng ý xóa bỏ các mức thuế còn lại sau khi hai bên đã đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2. Ông cho biết thêm những cuộc đàm phán cho thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 sẽ sớm bắt đầu.
Căng thẳng leo thang do đại dịch COVID-19
Vào đầu tháng 5/2020, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố đại dịch COVID-19 có thể được tạo ra từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc, trước khi nhanh chóng lây lan cho hàng triệu người dân trên thế giới và tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, ông Trump cảnh báo có thể lựa chọn biện pháp đánh thuế số hàng hóa trị giá 1.000 tỷ USD của Trung Quốc để trả đũa cho điều này.
Không dừng lại ở đó, vào ngày 16/7, Tổng thống Trump đã cho biết ông có thể sẽ áp thêm thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc nếu muốn, dù trước đó ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí ‘đình chiến’.
“Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi nếu muốn đánh thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc. Vẫn còn 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà chúng ta có thể đánh thuế nếu muốn. Chúng ta đang đàm phán một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng tôi ước họ đã không phá vỡ thỏa thuận từng có”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng.
Trong thời gian vừa qua, Tổng thống Trump đã tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc thông qua loạt tweet trên mạng xã hội Twitter với ám chỉ rằng các biện pháp thuế quan của Mỹ đang có ảnh hưởng như mong muốn khi bóp nghẹt nền kinh tế Trung Quốc.
Những diễn tiến thời sự thời gian gần đây chi thấy một mặt, Hoa Kỳ tiếp tục các biện pháp nhằm o ép, cô lập Trung Quốc trên bình diện thế giới. Theo các chuyên gia phân tích, đây cũng là cách để nước Mỹ giữ được thế thượng phong trong cuộc đàm phán thương mại giai đoạn 2. Nhưng ở chiều ngược lại, phía Trung Quốc cho rằng những ý định như vậy của Mỹ sẽ không bao giờ đạt được…
Nguồn: Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/doi-dau-my-trung-va-trat-tu-kinh-te-the-gioi-moi–bai-2-cuoc-chien-thue-quan-chua-co-hoi-ket-d40393.html