Giá vàng trong nước đang biến động mạnh, gây tác động rất lớn tới tâm lý nhà đầu tư. Cùng với đó, chênh lệch mua – bán quá cao đang tạo ra một “khoảng trống” rủi ro lớn cho người dân có ý định mua – bán vàng thời điểm hiện tại.
Vậy ai có quyền quyết định giá vàng, định ra chênh lệnh mua – bán? Giá vàng tăng nóng là cơ hội để đầu tư hay nên chờ đợi?
Để trả lời câu hỏi trên Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính – người đã có nhiều năm kinh nghiệm “lăn lộn” trên thị trường tài chính trong nước và thế giới về vấn đề này.
Giá vàng trong nước tăng nhanh, mạnh và liên tục trong vài ngày trở lại đây. Giá vàng đã chính thức vượt mốc 58 triệu đồng/lượng, là mức giá cao nhất giao dịch trong nước. Xin ông cho biết nguyên nhân tại sao giá vàng lại có mức tăng lớn như vậy?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới, giá vàng thế giới trong mấy ngày qua đã tăng đột biến. Nguyên nhân chính dẫn tới giá vàng đột biến, tạo cơn sốt vàng có thể kể tới đầu tiên là do dịch bệnh COVID-19 ngày càng nghiêm trọng. Hơn 16 triệu người đã bị lây nhiễm và Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới trong số ca lây nhiễm, cũng như số người chết. Ở Việt Nam cũng cho thấy dịch COVID-19 đang lây nhiễm trở lại, gây lo ngại lớn.
Dịch bệnh là nguyên nhân chủ yếu nhưng cộng hưởng với nó là yếu tố kinh tế thế giới. Nhiều Chính phủ đã dùng tất cả các biện pháp đã hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, trong đó có Chính phủ Mỹ. Mới đầu là gói cứu trợ 2.000 tỷ, sau đó là 2.200 tỷ, đến bây giờ thêm gói 1.000 tỷ. Các quốc gia khác cũng có những chương trình cứu nguy cho nền kinh tế, làm cho lạm phát tăng cao, suy giảm giá trị đồng bản tệ, trong đó có đồng USD. Đồng USD suy giảm sẽ đẩy giá vàng lên.
Rồi bên cạnh dịch bệnh, kinh tế là yếu tố chính trị. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung càng ngày càng đi vào bế tắc, 2 nước đóng cửa lãnh sự quán của nhau. Đòn ăn miếng trả miếng của 2 nước sẽ tiếp tục leo thang.
Trong nước, thực tế cho thấy cung cầu về vàng không bị biến động mạnh. Người dân không có nhu cầu đầu tư vào vàng hoặc găm giữ vàng như mấy chục năm về trước – thời chiến tranh, nền kinh tế yếu người dân mới tìm tới vàng như kênh trú ẩn an toàn, tất cả thanh toán đều bằng vàng, cưới hỏi cũng bằng vàng. Cái đẩy giá vàng trong nước lên là giá vàng thế giới. Dĩ nhiên cũng có sự dao động trong tâm lý người dân, có nhiều người mua vàng vì họ biết giá vàng sẽ lên nhưng cũng không loại trừ yếu tố đầu cơ của các nhà vàng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, cung – cầu vàng trên thị trường vẫn rất bình thường, không xảy ra hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, nhưng chênh lệch mua – bán vàng lại đang rất lớn, mang tính đột biến, bất thường. Lý giải về hiện tượng này ra sao?
Chênh lệch mua – bán trước hết là do nhà vàng tạo nên. Họ bán ra thì bán đắt vì biết nhu cầu đang tăng, nhưng khi mua vào thì mua rẻ vì biết thị trường rất rủi ro. Chênh lệch mua – bán càng cao càng cho thấy nhà vàng đã tính tới sự biến động mạnh của thị trường. Họ cố thủ kiểm soát rủi ro bằng cách mua vào với giá thấp, tới khi thị trường giảm mạnh tới cả triệu đồng/lượng thì họ vẫn lãi. Đó là cách để nhà vàng kiểm soát rủi ro.
Người nào có vàng muốn bán ở thời điểm này sẽ bị kiểm soát ở mức sàn và vẫn buộc phải bán cho một vài nhà vàng với mức giá gần như tương tự nhau mà không có sự lựa chọn khác. Tôi không muốn nói là nhà vàng làm giá nhưng điều đó là hoàn toàn có thể xảy ra với thị trường “không hoàn hảo” như ở nước ta.
Các nhà vàng có thể có những thoả thuận ngầm với nhau để đẩy chênh lệch mua bán lên cao theo ý muốn và chỉ mua vào ở một mức giá thấp nhất định. Ở một thị trường hoàn hảo sẽ không có giá chênh lên tới 1-2 triệu đồng/lượng. Còn với thị trường không hoàn hảo như thị trường vàng Việt Nam, không có nhiều người cạnh tranh, chỉ nhà vàng nào được cấp phép mới được kinh doanh, mua – bán vàng tự do là phạm pháp thì điều gì cũng có thể xảy ra.
Vậy theo ông, thực tế có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng thời điểm hiện tại?
Ở thời điểm này theo tôi là chưa tới mức đó, nhưng trong tương lai khi vàng lên tới 60 triệu đồng/lượng thì tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng là có thể xảy ra.
Cùng với đó, khi các kênh đầu tư đều không mấy sáng sủa và không mang lại lợi nhuận như lãi suất ngân hàng giảm, thị trường chứng khoán lình xình, thị trường bất động sản cũng khó ăn hay ngoại tệ không ăn thua vì đi ngang từ đầu năm, trong khi vàng thì sôi sục dễ khiến người ta đổ tiền vào vàng.
Ông dự báo giá vàng trong thời gian tới như thế nào? Và ông có lời khuyên nào dành cho nhà đầu tư?
Tôi cho rằng trong vòng 3 tháng tới xác suất giá vàng lên tới 60 triệu/lượng là 70%. Tuy nhiên, nhà đầu tư có vàng muốn bán ra thì phải có điểm chốt lời, không thể đợi vàng lên mãi được. Ví dụ, nhà đầu tư đặt điểm chốt lời là 56 triệu/lượng thì tới điểm đó là phải bán ra, cần có kỷ luật tài chính. Còn muốn mua vào cũng phải thận trọng, xem chênh lệch mua bán trong nước và thế giới để hiểu rủi ro.
Đặc biệt trong đầu tư đừng bao giờ bỏ trứng vào cùng một giỏ, không nên ăn xổi, rất nguy hiểm, vì thị trường biến động khôn lường. Nhà đầu tư cũng đừng bao giờ lấy tiền lượng hay tiền kinh doanh để chơi vàng.
Chúng ta phải hiểu rằng thị trường vàng trong nước rất khó đoán vì không dựa vào các yếu tố nền tảng trong nước như kinh tế vĩ mô hay biến động chính trị, kinh tế, mà nó dựa hoàn toàn vào giá vàng thế giới. Dù cung cầu vàng trong nước ổn định thì khi ngoài kia biến động là giá vàng trong nước sẽ biến động theo. Đặc biệt khi giá vàng trong nước “quá chớn” – cao hơn giá vàng thế giới thì có thể sẽ điều chỉnh rất nhanh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Nhà Đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/gap-go-thu-tu-ts-nguyen-tri-hieu-gia-vang-tang-nong-khong-loai-tru-yeu-to-lam-gia-cua-cac-nha-vang-d40540.html