Phố Wall mới đây đã đưa ra những dự đoán về tác động của căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, một quan điểm nhất quán được đưa ra đó chính là thế giới sẽ phân cực nhiều hơn với việc các nền kinh tế và các công ty sẽ lựa chọn hướng về “quỹ đạo” của Trung Quốc hoặc Mỹ.
Sự mâu thuẫn ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ tăng lên, phá vỡ các mối quan hệ kinh tế lâu dài và buộc các nhà đầu tư phải đánh giá lại quan điểm của họ về thị trường toàn cầu.
“Sau những chuyện đã xảy ra, từ cuộc khủng hoảng COVID-19, cái cách mà Trung Quốc xử lý trong giai đoạn đầu và sau đó là việc áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, thật khó để thấy quan hệ giữa Mỹ, phương Tây và Trung Quốc có thể trở lại bình thường. Sự đối lập của hai quốc gia sẽ chỉ thể hiện rõ động lực thị trường trong năm tới, trừ khi có những thay đổi chính sách lớn ở Trung Quốc. Tại thời điểm này, vấn đề này không có vẻ gì sẽ gây tác động rõ ràng”, Jimmy Chang, chiến lược gia đầu tư chính tại Rockefeller Asset Management cho biết.
Ông Gao Zhikai – người từng phiên dịch cho cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình nhận xét: “Tác động của COVID-19 đối với cả Mỹ và Trung Quốc đã khiến cho quan hệ song phương xấu đi tới mức sắp đứt gãy hoàn toàn. Kể từ khi hai nước bình thường hóa năm 1979, quan hệ Mỹ-Trung chưa bao giờ nguy hiểm và đối đầu như hiện nay”.
Chiến lược gia Jimmy Chang lập luận rằng các nhà đầu tư nên chú ý nhiều hơn đến mối quan hệ đang ngày càng sáng tỏ giữa Washington và Bắc Kinh. Hiện tại, các nhà đầu tư lại đang tập trung vào cách các thị trường được hưởng lợi từ các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ lớn. Việc di dời các chuỗi cung ứng và thay đổi mô hình thương mại có thể có tác động đáng kể đến một số công ty và nền kinh tế.
Chuyên gia đầu tư thế giới Ed Yardeni cảnh báo rằng ngoài sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một lý do khiến cho tốc độ tăng trưởng của thị trường thế giới có khả năng sẽ bị giảm 20%.
Theo các chuyên gia tại Phố Wall, ‘cuộc chiến’ này có vẻ như sẽ ảnh hưởng đến gần như mọi khía cạnh của mối quan hệ Mỹ-Trung, bất kể kết quả bầu cử ở Mỹ có ra sao đi nữa.
Các quốc gia khác sẽ ngày càng bị đẩy vào thế mà họ phải chọn ủng hộ một phe cụ thể. Sự rạn nứt quan hệ Mỹ-Trung sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ nhưng cũng sẽ liên quan thêm đến nhiều lĩnh vực khác. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư cần tiếp xúc với cả hai thị trường, đặc biệt là khi trung tâm của sự tăng trưởng toàn cầu đang chuyển sang Châu Á.
Các nhà phân tích hy vọng sẽ nghe được nhiều bài hùng biện chống Trung Quốc hơn khi cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 đang đến gần. Không chỉ vậy, các hành động trả đũa từ chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian sắp tới.
“Một mặt, họ muốn Trung Quốc mua hàng nông sản, nhưng mặt khác, điều này lại đang khá là hiệu quả trong việc biến Trung Quốc trở thành mục tiêu. Bạn sẽ thấy cả hai đảng sắp có các động thái chống Trung Quốc như một cách để giành phiếu bầu. Tôi cho rằng có một sự đồng thuận giữa hai đảng tại thời điểm này nhằm đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Tôi dự đoán sau cuộc bầu cử mọi thứ sẽ còn diễn ra với tốc độ nhanh hơn”, ông Chang nói.
Bà Susan Shirk – Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc Thế kỉ 21 của Đại học California San Diego nhận định: “Nếu ông Biden đắc cử, chính sách của Mỹ sẽ ít mang tính ý thức hệ và nặng về thực tiễn hơn. Thay vì đối đầu toàn diện với Trung Quốc mà không có mục tiêu rõ ràng, ông Biden sẽ gia tăng áp lực ở một số lĩnh vực như an ninh quốc gia và công nghệ với mục tiêu thỏa thuận sự thay đổi chính sách của Trung Quốc”.
Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ củng cố thị trường nội địa Trung Quốc trong khi tiếp tục mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Tập nói rằng Trung Quốc “đang đứng về phía lịch sử” trong cam kết tiếp tục toàn cầu hóa, đồng thời ông cũng khuyến khích các công ty nội địa tiếp tục mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Điều này có thể gây ra nhiều bất lợi cho các công ty Mỹ, nhưng ông Chang lưu ý rằng hiện tại họ sẽ chưa bị Trung Quốc nhắm tới. Các nhà phân tích cho rằng Apple sẽ dễ bị ảnh hưởng, cả vì doanh thu từ thị trường Trung Quốc và vì chuỗi cung ứng bị tác động.
“Cho đến nay, Trung Quốc đã ‘chơi đẹp’ với các công ty Mỹ vì chính phủ Trung Quốc có xu hướng xem các doanh nghiệp Mỹ như những tổ chức vận động hành lang của họ ở Washington”, ông Chang nói
Đối với các công ty Mỹ đang bán hàng hóa tại Trung Quốc, ông nói rằng chính phủ có thể gây khó khăn hơn về thuế quan hoặc tạo ra phản ứng tiêu cực đối với các sản phẩm nước ngoài để ủng hộ các công ty trong nước. Một giai đoạn chuyển đổi có thể có tác động hỗn hợp đến các công ty này.
Chuyên gia năng lượng Daniel Yergin, phó chủ tịch của IHS Markit, cho biết việc thiết lập lại các thái cực kinh tế toàn cầu cũng sẽ có tác động hỗn hợp đến các quốc gia “kẹt” ở giữa. Ông đã dành rất nhiều thời gian để xem xét những gì được gọi là bước tiến tới một cuộc chiến tranh lạnh mới. Ông Yergin và những người khác nói rằng có thể có sự đa dạng hóa lợi ích khi châu Âu theo đuổi các chiến lược thương mại của riêng mình.
Đầu tư trong bối cảnh trật tự thế giới mới
Morgan Stanley, trong một lưu ý gần đây, đã nghiên cứu về những tác động có thể xảy ra đối với 35 lĩnh vực công nghiệp trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn này tan rã.
Trong đó, 11 lĩnh vực sẽ phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi chi phí gia tăng và những thách thức khác đối với hoạt động kinh doanh như: tự động hóa toàn cầu, vận tải toàn cầu và hàng không vũ trụ, kinh doanh vốn toàn cầu, phần cứng và công nghệ của Mỹ, chất bán dẫn của Mỹ và Châu Á.
Tuy nhiên, 13 lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp tục toàn cầu hóa, bao gồm lĩnh vực hóa chất toàn cầu, đồ uống và hàng hóa xa xỉ. Dược phẩm toàn cầu, công nghệ sinh học và công nghệ y tế cũng được hưởng lợi. Các ngân hàng và công ty bảo hiểm của Mỹ cũng nằm trong danh sách đó.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết, những lợi ích từ việc tiếp tục toàn cầu hóa – như thị trường mới và chuỗi cung ứng đa dạng hơn – sẽ vượt xa những thách thức.
Đối với thị trường vốn của Mỹ, nước này đang muốn trấn áp các công ty Trung Quốc đang niêm yết tại đây. Các công ty này sẽ được yêu cầu chứng minh họ không có quyền sở hữu của chính phủ nước ngoài và báo cáo cho kiểm toán.
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson mới đây đã xuất bản một bài báo cho rằng việc hủy bỏ niêm yết của các công ty Trung Quốc sẽ trở nên vô nghĩa. Và lưu ý rằng sự hội nhập trong lĩnh vực tài chính sẽ tăng lên mặc dù Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo rằng, việc tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc vẫn là một chính sách được lựa chọn.
Các tổ chức tài chính của Mỹ đang gia tăng sự hiện diện của họ ở Trung Quốc, nơi các nhà chức trách đã nới lỏng các quy tắc về sở hữu nước ngoài.
Viện Peterson liệt kê các ví dụ về các công ty Mỹ mở rộng vai trò của họ, bao gồm Goldman Sachs đã được phê duyệt vào tháng 3 để nâng tỷ lệ sở hữu trong liên doanh Goldman Sachs Gao Hua Securities lên 51%. Morgan Stanley cũng đã được chấp thuận để nâng cổ phần của mình trong công ty chứng khoán liên doanh, Morgan Stanley Huaxin Securities, từ 49% lên 51%.
Trong báo cáo đánh giá về việc tan rã mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết sẽ có một số bên trong khu vực được lợi, bao gồm các công ty trong lĩnh vực phần mềm doanh nghiệp và internet châu Á. Cũng có những lĩnh vực sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, chẳng hạn như lĩnh vực năng lượng, kim loại và khai khác.
“Từ quan điểm của thương mại toàn cầu, tôi cho rằng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực. Nếu đánh giá yếu hơn hay mạnh hơn, có thể lập luận rằng, sự chuyển đổi sẽ làm tổn thương một số công ty nhưng lại hỗ trợ một số khác. Điều tương tự cũng có thể đúng với các quốc gia. Ấn Độ có thể trở thành người thụ hưởng hay không khi nhiều công ty phương Tây chuyển chuỗi cung ứng sang quốc gia khác ngoài Trung Quốc, hay có thể là Indonesia?”, ông Chang nói.
Tương tự, Sat Duhra, giám đốc danh mục đầu tư chiến lược khu vực châu Á của Janus Henderson Investors cho biết quỹ đầu tư của ông vẫn tiếp tục các khoản đầu tư cho dù vẫn ý thức được trước các căng thẳng thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc.
“Chúng tôi đã cẩn thận không giữ các cổ phiếu của những công ty xuất khẩu Trung Quốc, hoặc các công ty khác của Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực như công nghiệp, năng lượng”, ông Duhra nói.
Mặc dầu vậy, những công ty phục vụ cho thị trường nội địa Trung Quốc vẫn hoạt động rất tốt, ông Duhra nói thêm nhưng không nêu tên cụ thể của các công ty này.
“Kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, các bạn đã thấy là các công ty tiêu dùng nội địa và các công ty phục vụ cơ sở hạ tầng trong nước của Trung Quốc vẫn hoạt động rất tốt. Đây chính là những công ty mà chúng tôi tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và chúng tôi vẫn cho rằng chúng sẽ tiếp tục hoạt động tốt trong môi trường đặc biệt hiện nay”, ông Duhra nói.
Ông phân tích: Khi Chính phủ Trung Quốc đang tiếp tục chính sách tự cung, tự cấp thì các công ty nói trên vẫn tiếp tục sẽ hiệu quả trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa hai nước.
“Cuối cùng, hãy nhớ rằng các công ty bán các sản phẩm và dịch vụ do chính người Trung Quốc làm ra, họ sẽ có những hành xử rất khác biệt. Do vậy, đó là lý do để mua vào cổ phiếu của các công ty này”, ông Duhra nhấn mạnh.
Cả 2 đều thua
Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 11 năm ngoái, Sherman Robinson (nghiên cứu viên không thường trú của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson) và Karen Thierfelder (giáo sư kinh tế tại Học Viện Hải quân Hoa Kỳ) cho rằng: “Bắt đầu một cuộc chiến thương mại là một ý tưởng tồi bởi trong khi có thể có được các lợi ích tiềm năng từ việc áp thuế và khai thác quyền lực thị trường trên các thị trường thế giới, sự trả đũa khó có thể tránh khỏi (của các bên) sẽ ăn mòn hoặc đảo ngược các lợi ích tiềm năng.
Kéo theo đó, việc thị trường toàn cầu bị gián đoạn khiến các nước khác điều chỉnh lại mô hình thương mại để đối phó với các mức độ bảo vệ cao của các nước tham chiến. Những điều chỉnh này thực sự tốn kém và không hiệu quả.
Các nước tham chiến đều sẽ thua trong khi các nước không tham chiến khả năng sẽ có lợi bởi vì họ có thể nhanh chóng điều chỉnh để thích nghi với cú sốc.
Việc mở rộng chiến tranh thương mại song phương ra thành cuộc chiến thương mại đồng thời với nhiều đối tác thương mại sẽ tiếp tục gia tăng các mối nguy hiểm như năng suất âm, gia tăng các điều khoản thương mại, tác động nhiều đến tỷ giá hối đoái. Tất cả những điều này sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho kinh tế nước Mỹ và dẫn đến điều chỉnh nhiều hơn trong các mô hình thương mại toàn cầu.
Hai nhà nghiên cứu cũng cho rằng sẽ là một sai lầm nguy hiểm nếu coi cuộc chiến thương mại là chiến thuật tạm thời để có được một thỏa thuận ‘tốt hơn’ từ các đối tác thương mại.
Các nước sẽ thay đổi mô hình thương mại và sản xuất, dù trả một giá đắt để điều chỉnh môi trường chính sách mới khi mà Hoa Kỳ hoạt động bên ngoài các qui tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và tăng cường các vũ khí thuế quan.
Khi đó, các nước sẽ không ngần ngại coi Hoa Kỳ trở thành một đối tác thương mại không tin cậy trong tương lai, và chuyển hướng thương mại ra khỏi Hoa Kỳ, thay vì nhanh chóng coi Hoa Kỳ như một thị trường truyền thống. Các thị trường sẽ bị mất đi cho dù cuộc chiến thương mại không thể tránh khỏi, dù chỉ trong giai đoạn tạm thời.
Điều chắc chắn là đối với Hoa Kỳ, việc gia tăng thuế quan sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu tăng giá và hậu quả là sức mua trong nước với hàng nhập khẩu giảm, cho cả người tiêu dùng và nhà sản xuất.
Đối với Trung Quốc, thuế quan sẽ khiến giá sản phẩm tiêu dùng tăng lên nhưng ảnh hưởng ít tới nhà sản xuất vì Trung Quốc sẽ cắt giảm một số nguyên liệu đầu vào.
Xuất khẩu và nhập khẩu của Hoa Kỳ, cho dù theo kịch bản nào cũng sẽ giảm trong khi Trung Quốc có thể thành công trong việc đa dạng hóa xuất khẩu, không phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ và do đó thoát khỏi các thiệt hại kinh tế tối đa.
Nguồn dẫn: Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/doi-dau-my-trung-va-trat-tu-kinh-te-the-gioi-moi–bai-cuoi-dieu-gi-cho-doi-phia-truoc-d40662.html