Thủ tướng vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, đưa ra tại phiên họp UBTVQH thứ 22. Trong đó, đại biểu này chất vấn về giải pháp nâng cao năng suất lao động, mở rộng quy mô nền kinh tế.
Năng suất lao động, theo thông lệ, được tính bằng GDP chia cho số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Cùng số lao động làm việc, nếu GDP càng lớn thì năng suất lao động càng cao. Quy mô của GDP nhìn chung phụ thuộc vào các nhân tố sản xuất là lao động, vốn và công nghệ.
Sự kết hợp hiệu quả của các nhân tố lao động, vốn và công nghệ còn tùy thuộc vào môi trường thể chế, mô hình tăng trưởng, cơ cấu của nền kinh tế và một số nhân tố khác. Do đó, năng suất lao động là một trong các chỉ tiêu thể hiện rõ ràng nhất năng lực, mô hình và trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy cơ cấu kinh tế còn chuyển dịch chậm giữa các ngành cũng như nội bộ ngành. Vì vậy, để cải thiện năng suất lao động của cả nền kinh tế thì việc đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực giá trị gia tăng thấp sang khu vực có giá trị gia tăng cao là quan trọng nhất.
Theo đó, Thủ tướng đưa ra 4 nhóm giải pháp.
Thứ nhất là nhóm giải pháp chung. Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, huy động, sử dụng nguồn lực hiệu quả.
Song song, cần phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân gắn với cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả, cạnh tranh. Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết 19, Nghị quyết 35…
Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách ngành kinh tế trọng điểm cần tập trung đầu tư phát triển, đi kèm với các chính sách ưu đãi và tạo động lực cho sự tham gia của khu vực tư nhân và thu hút lao động có kỹ năng vào những ngành này. Đẩy nhanh việc xây dựng các chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển các ngành, lĩnh vực như khởi nghiệp sáng tạo; nhân lực cho công nghệ thông tin; gia tăng sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…
Thứ hai là nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, Thủ tướng cho biết cần rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu lao động của thị trường trong nước.
Đi đôi với hoạt động này là nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao phương thức dạy và học…Quyền tự chủ, tực chịu trách nhiệm hay các vấn đề kiểm soát về đầu ra cũng là các vấn đề cần phải lưu ý trong nhóm giải pháp này…
Thứ ba là nhóm giải pháp về khoa học và công nghệ. Cụ thể, cần tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, tiến tới dịch chuyển trọng tâm và chủ thể của hoạt động nghiên cứu ứng dụng sang khu vực doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, cần xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ cho giai đoạn đến năm 2025. Tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng để nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong nước, trình độ thiết kế, chế tạo, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Xây dựng, thực hiện các chương trình xúc tiến, chuyển giao công nghệ từ các nước có công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Ngoài ra, cần tăng cường cơ chế đối ứng hợp tác công tư để khuyến khích doanh nghiệp triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển…
Thứ tư là nhóm giải pháp đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo đó, cần tập trung vào thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương. Đổi mới quy trình tuyển dụng, sử dụng, trả lương… cho cán bộ.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện điện tử hóa nghiệp vụ quản lý nhà nước và xã hội hóa việc xây dựng các dữ liệu thông tin quản lý nhà nước trong phạm vi quản lý của Bộ Nội vụ…
Theo: Trí thức trẻ