Thành công của Huawei là nhân tố chính giúp Thâm Quyến chuyển đổi từ một làng chài thành một trung tâm công nghệ quốc tế.
Vận may của Huawei đang cạn dần
Ít ai có thể tưởng tượng được rằng 4 thập kỷ sau, làng chài vang bóng một thời Thâm Quyến lại nổi lên như một đứa “con cưng” cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc. Ít người có thể dự đoán rằng Huawei, hiện là một phần quan trọng của nền kinh tế thành phố, sẽ trở thành một gã khổng lồ thiết bị viễn thông toàn cầu và là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc. Công ty mà Washington coi là mối đe dọa an ninh và kẻ thách thức tiềm năng đối với trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.
Tuy nhiên, khi Thâm Quyến kỷ niệm 40 năm thành lập là một trong 4 đặc khu kinh tế của Trung Quốc, không rõ liệu thành phố 13 triệu dân này có tiếp tục tỏa sáng khi đất nước bước vào một kỷ nguyên mới đầy biến động hay không. Khi Mỹ áp dụng một cách tiếp cận đối đầu hơn chống lại Trung Quốc, khả năng tiếp cận dễ dàng của thành phố Thâm Quyến với những yếu tố rất quan trọng đối với sự trỗi dậy của nó như vốn, công nghệ và thị trường nước ngoài đang sụp đổ.
Riêng đối với Huawei, vận may của họ đang cạn kiệt vì Washington ngăn cản quyết liệt sự tham gia của Huawei vào thị trường 5G trên toàn cầu. Chính quyền Trump đã ra lệnh hạn chế quyền truy cập của Huawei vào các thành phần công nghệ quan trọng của Mỹ.
Lệnh mới của Chính phủ Mỹ sẽ có hiệu lực cấm Huawei và các chi nhánh của tập đoàn này từ việc mua chất bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị hoặc phần mềm của Mỹ bắt đầu từ tháng 9. Đây là một quy tắc được các nhà phân tích coi là “bản án tử hình” đối với nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Sự suy thoái trong kinh doanh hoặc sự sụp đổ hoàn toàn của Huawei không chỉ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Thâm Quyến, mà còn làm suy yếu niềm tin rộng rãi vào sức mạnh công nghệ và kinh tế của Trung Quốc.
Theo Giám đốc Viện Quan sát đương đại ở Thâm Quyến, ông Liu Kaiming, người chuyên theo dõi tình trạng của các nhà sản xuất Trung Quốc, không có công ty nào khác ở Trung Quốc có thể thay thế Huawei để dẫn đầu công nghệ và toàn cầu hóa của đất nước. “Nếu Huawei không thể chịu được các lệnh trừng phạt của Mỹ thì khó có công ty nào khác có thể”, ông Liu nói.
Năm ngoái, nền kinh tế Thâm Quyến vượt qua Hồng Kông về quy mô. Do đó, sự mất mát của Huawei sẽ rất tàn khốc, vì công ty này là một trong những viên ngọc sáng nhất trên vương miện của trung tâm công nghệ Thâm Quyến.
Theo dữ liệu mới nhất từ Cục thống kê Thâm Quyến, Huawei là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm quốc nội của Thâm Quyến năm 2016, đóng góp khoảng 7% sản lượng kinh tế. Đây là công ty duy nhất đóng góp hơn 100 tỉ nhân dân tệ (14,4 tỉ USD) cho nền kinh tế địa phương năm 2016.
Con số này chỉ tính đến tác động trực tiếp của Huawei đối với nền kinh tế Thâm Quyến. Còn với các nhà cung cấp và các công ty trong lĩnh vực dịch vụ làm việc với Huawei – từ nhà hàng đến chăm sóc sức khỏe – dấu ấn của nó còn mở rộng gấp nhiều lần.
So với các công ty công nghệ khác, Huawei là nhà đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển tại Thâm Quyến giai đoạn 2014-2016. Tầm quan trọng của tập đoàn này đối với thành phố cũng được nhấn mạnh vào năm 2018, khi họ quyết định xây dựng một cơ sở hoạt động mới ở thành phố lân cận Đông Quan. Huawei đã giúp Thâm Quyến trở thành điểm đến hàng đầu cho các tài năng lập trình và kỹ thuật của Trung Quốc. Nó đã tạo dựng được danh tiếng về sự hào phóng đối với những bộ óc sáng suốt và những người lao động chăm chỉ nhất.
Hiệu ứng domino trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei báo hiệu các doanh nghiệp Trung Quốc trên toàn cầu không còn được chào đón như trước. Phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Cải cách Hệ thống Quảng Đông – ông Peng Peng cho biết: “Vẫn khó dự đoán mức độ của vụ va chạm. Tuy nhiên, thị trường toàn cầu có thái độ khác so với trước đây đối với sản xuất của Trung Quốc và sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
Những rắc rối của Huawei sẽ tác động rộng rãi đến nền kinh tế Trung Quốc, báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên khi các công ty Trung Quốc được chấp nhận là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Dự đoán một số công ty Trung Quốc có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều công ty đặt tại Thâm Quyến, sẽ đóng gói và rời đi. Giám đốc Viện quan sát đương đại Liu Kaiming cho biết: “Các công ty điện tử do nước ngoài tài trợ này thực sự là lĩnh vực cao cấp của ngành sản xuất điện tử hướng đến xuất khẩu của Trung Quốc. Việc di dời của họ sẽ không có lợi cho sự đổi mới công nghệ của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, tương lai của Thâm Quyến và Huawei không hoàn toàn ảm đạm, vì thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc vẫn là nguồn tăng trưởng. Giáo sư Li Daokui tại Đại học Thanh Hoa cho rằng: “Thị trường nội địa của Trung Quốc với 1,4 tỉ người tiêu dùng, cùng với thị trường ở các quốc gia vành đai và con đường, sẽ đủ để hỗ trợ các công ty Trung Quốc như Huawei”.
Nguồn dẫn: Nhịp cầu đầu tư
Link gốc: https://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/ha-guc-huawei-nhung-mui-ten-doc-cua-my-nham-vao-trai-tim-tham-quyen-3336856/