Dòng sông Tô Lịch thơ mộng hẳn ít nhiều đã từng hằn sâu trong ký ức mỗi người dân Thủ đô. Ấy vậy, đi cùng với sự phát triển và đô thị hóa, “tứ giác nước” của thành Thăng Long ngày nào đã trở thành mương nước thải khổng lồ.
Nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội đã tìm nhiều biện pháp để hồi sinh sông Tô Lịch; nhiều phương án được thử nghiệm nhưng không hiệu quả.
Cho đến hồi giữa tháng 9/2019, CTCP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) và Tổ chức xúc tiến thương mại môi trường Nhật Bản (JEBO) đã cùng thực hiện dự án “Nhà máy xử lý nước thải tại chỗ bằng công nghệ Nano-Bioreactor, không dùng hóa chất” nhằm thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây.
Những kết quả tích cực bước đầu của dự án đã thu hút sự chú ý của dư luận. Sau khi kết thúc dự án thí điểm, JVE (vào ngày 10/11/2019) đã bắt đầu tiến hành tháo dỡ toàn bộ hệ thống thiết bị trên sông Tô Lịch, nhưng vẫn tiếp tục duy trì dự án ở Hồ Tây để kiểm chứng khả năng không bị tái ô nhiễm trở lại tại khu thí điểm.
Mới đây nhất, JVE Group tiếp tục gây chú ý với đề xuất xây dựng dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng này thành “Công viên Lịch sử – Văn hóa – Tâm linh Tô Lịch”.
Cụ thể, vào ngày 15/9, JVE Group đã gửi công văn báo cáo tới Lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội về việc đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử – Văn hoá – Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Dù vậy, không như thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor thực hiện phần nhỏ của sông Tô Lịch và Hồ Tây, “Công viên Lịch sử – Văn hóa – Tâm linh Tô Lịch” sẽ là một dự án có quy mô và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Vì lẽ đó, dư luận không khỏi băn khoăn về tiềm lực của JVE Group.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, tiền thân của JVE Group là CTCP Cải thiện môi trường Nhật Việt. Doanh nghiệp thành lập vào ngày 8/5/2017, đóng trụ sở tại Tầng 30, tòa Tháp Tây, Trung tâm Lotte Hà Nội, số 54 đường Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP.Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là thoát nước và xử lý nước thải.
Vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng, với tỷ lệ nắm gần như tuyệt đối thuộc về Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Anh (98%) và 2 cá nhân còn lại là Nguyễn Thị Ngọc Bích (1%), Nguyễn Đức Anh (1%).
Đến tháng 4/2020, công ty đổi tên thành CTCP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE như hiện tại. Cùng với đó, JVE Group tăng mạnh vốn lên 1.000 tỷ đồng, với 100% là nguồn vốn tư nhân.
Khá thú vị, chỉ vài ngày sau khi được thành lập (cụ thể là ngày 17/5/2017), JVE Group đã có dự án đầu tay là thực hiện làm sạch nước hồ Hạnh Phúc (Hải Phòng) bằng công nghệ thiên nhiên Bakture. Dự án được triển khai trong 2 tháng.
Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện một số dự án đáng chú ý khác như: Vào tháng 1/2019, JVE Group ký kết hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Nam Việt để xử lý môi trường nước trong ao nuôi cá tra bằng công nghệ Bakture; Tháng 6/2020, công ty được UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý chủ trương cho thực hiện thí điểm áp dụng công nghệ tại 4 hồ trên địa bàn TP Hạ Long (Yết Kiêu, Ao Cá, Hùng Thắng và Kênh Đồng),…
JVE Group được dư luận đánh giá cao, không chỉ bởi mạnh về vốn, mà còn vì tâm huyết của Chủ tịch HĐQT khi đưa công nghệ Nhật Bản về quê hương. Dù vậy, không nhiều thông tin về người đứng đầu JVE Group, chỉ biết ông Nguyễn Tuấn Anh từng đoạt học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản – MEXT và có 15 năm sống tại Nhật Bản.
Cũng vì vậy, không ngạc nhiên khi nguồn vốn Nhật luôn song hành với JVE Group. Tại dự án làm sạch hồ Hạnh Phúc (TP.Hải Phòng), đó là sự hợp tác của JVE Group và Tập đoàn Seibu Steel Nhật Bản; tại dự án “Nhà máy xử lý nước thải tại chỗ bằng công nghệ Nano-Bioreactor, không dùng hóa chất”, đó là Tổ chức JEBO; và nhãn tiền nhất, bản thân JVE Group cũng cho biết sẽ thực hiện dự án cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hóa- Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn Nhật Bản.
Nguồn dẫn: Nhà đầu tư
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/jve-group-doanh-nghiep-muon-bien-song-to-lich-thanh-cong-vien-la-ai-d42836.html