Song song với hàng cây cổ thụ trên vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5, TP.HCM), bức tường vàng nhạt bao bọc nhà máy Bia Sài Gòn (Sabeco) đã ố màu theo thời gian. Hai tấm biển quảng cáo khổ lớn gam màu xanh đỏ chủ đạo nổi bật với slogan mới “Lên như rồng” của thương hiệu này thu hút tầm nhìn của dòng xe chạy ngang.
Được người Pháp xây dựng từ năm 1875, nhà máy là một trong các công trình công nghiệp tiêu biểu xuất hiện đầu tiên tại Sài Gòn. Nhưng hiện nay thương hiệu bia có bề dày 145 năm đã thuộc về tập đoàn đồ uống ThaiBev của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.
Năm 2017, người giàu thứ hai Thái Lan rót ra 4,8 tỉ USD mua lại gần 54% cổ phần của Bia Sài Gòn, thương vụ dẫn đầu về giá trị trong làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài mua lại các doanh nghiệp Việt Nam.
“Thị trường lúc nào cũng có lý do để tiến hành các hoạt động M&A. Nếu thị trường tốt là cơ hội để đầu tư, thị trường xấu thì cơ hội để mua giá rẻ. Động cơ của các công ty là muốn mở rộng thị phần, thúc đẩy tăng trưởng,” ông Đinh Quang Hoàn, phó tổng giám đốc công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đơn vị thực hiện nhiều thương vụ M&A lý giải.
Năm 2020, Covid-19 trở thành hiện tượng “thiên nga đen” đẩy kinh tế thế giới vào trạng thái hỗn loạn. Trong nước, đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều tỉnh thành cắt ngang đà phục hồi của các doanh nghiệp nội địa, các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) sẽ nhộn nhịp thời gian tới và nhóm ngành nghề nào được quan tâm?
Theo thống kê của MFA Research, xét về quy mô thị trường M&A Việt Nam vẫn chủ yếu diễn ra các giao dịch nhỏ, các thương vụ quy mô 5-6 triệu USD, chiếm trên 90%. Nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô vừa và lớn từ 20-100 triệu USD. Chuyên gia của VCSC nhận xét M&A là con đường ngắn nhất để một công ty thâm nhập một ngành hàng mới hay mở rộng thị trường khi giải pháp này tiết kiệm được chi phí cơ hội.
Thương vụ ThaiBev mua Sabeco mang đậm dấu ấn này. Trước khi cái tên ThaiBev được nhắc đến tại Việt Nam, tập đoàn Thái Lan là cái tên đáng chú ý trong khu vực Đông Nam Á. Công ty chính thức thành lập năm 2003 trên cơ sở hợp nhất nhiều thương hiệu kinh doanh bia và rượu mạnh, trong đó có bia Chang, thương hiệu nổi tiếng tại xứ chùa vàng ra đời từ năm 1995.
Niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore (SGX), năm 2013 ThaiBev đã thâu tóm Fraser and Neave (F&N), công ty đồ uống, thực phẩm và bất động sản đặt trụ sở tại Singapore. Tại Việt Nam, F&N đã tham gia mua đấu giá cổ phần Vinamilk từ năm 2003. Hiện tại, F&N là cổ đông nước ngoài lớn nhất nắm giữ gần 18% cổ phần tại công ty sữa này chỉ sau tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Với mức giá chuyển nhượng gây xôn xao thị trường, truyền thông khu vực gọi thương vụ ThaiBev – Sabeco là “thương vụ đắt đỏ.” Bên bán thành công rực rỡ khi mức giá sang tên gấp 44 lần thu nhập (P/E = 44), tức là về lý thuyết, với hiện trạng tài chính Sabeco lúc ấy tới năm 2062 người mua mới hòa vốn.
So sánh với P/E thị trường chứng khoán Việt Nam và ngành đồ uống trong khu vực trung bình khi đó lần lượt 18 và 24 lần mới thấy mức độ “chịu chơi” của tỉ phú người Thái. Công bố với SGX, ThaiBev giải thích giao dịch dựa trên nền tảng thương hiệu, thị phần, tiềm năng tăng trưởng tương lai của doanh nghiệp và tiềm năng của thị trường.
Trong tầm nhìn 2020, ThaiBev tham vọng một nửa doanh thu của tập đoàn đến từ thị trường quốc tế. Doanh thu của tập đoàn đạt 5,6 tỉ USD tại thời điểm mua Sabeco. Năm 2019, ThaiBev đạt doanh thu 8,9 tỉ USD đứng thứ 1.002 trong Global 2000 của Forbes. Chấp nhận mức giá đắt đỏ, xem như tập đoàn chạm tới mục tiêu này.
ThaiBev là trường hợp tiêu biểu cho làn sóng nhà đầu tư Thái Lan mua doanh nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 2014-2016. Những cái tên đình đám khác có thể kể đến như việc TTC Holding, Central Group, SCG… tạo sóng trong lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng.
Chẳng hạn, năm 2015, TTC Holding gây xôn xao thị trường khi rót 879 triệu USD kiểm soát hệ thống 19 đại siêu thị của tập đoàn bán lẻ Metro Cash & Carry. Trước đó, ngoài lĩnh vực bất động sản, tập đoàn của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua lại cổ phần của Phú Thái và một phần hệ thống cửa hàng tiện lợi Family Mart.
Khi dư âm thương vụ giao dịch này chưa lắng xuống, năm 2016, Central Group vượt qua nhiều đối thủ trả 1,14 tỉ USD thành chủ mới của chuỗi bán lẻ Big C với 33 siêu thị. Song song, tập đoàn bán lẻ khách sạn do gia tộc Chirathivat kiểm soát cũng rót hơn 140 triệu USD kiểm soát chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Tại sao làn sóng Thái Lan hình thành? Ông Đinh Quang Hoàn lý giải, chính phủ Thái Lan có những chính sách khuyến khích các tập đoàn tư nhân lớn vươn ra chiếm lĩnh sân chơi khu vực, tìm kiếm cơ hội ở thị trường các nước ASEAN, thị trường có quy mô dân số gấp 10 lần Thái Lan.
Ngoài lý do thị trường xứ sở chùa vàng không còn nhiều dư địa tăng trưởng, sân chơi nội địa đã trở nên chật chội với các tập đoàn tư nhân có lịch sử phát triển hàng trăm năm, một phần các tập đoàn cần đa dạng hóa hoạt động kinh doanh khi quốc gia này luôn tiềm ẩn các bất ổn chính trị.
Bởi sự thuận lợi về vị trí địa lý, quy mô thị trường 100 triệu dân và sự gần gũi về văn hóa, tập quán kinh doanh, Việt Nam trở thành địa chỉ được lựa chọn hàng đầu. Chính phủ Thái Lan dành nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp từ rút gọn các thủ tục đầu tư ra nước ngoài đến việc sẵn sàng bảo lãnh, hỗ trợ tín dụng cho các tập đoàn tư nhân hùng mạnh.
Chẳng hạn, trong thương vụ ThaiBev mua lại Sabeco, hồ sơ sau đó hé lộ tập đoàn đã sử dụng hoàn toàn đòn bẩy tài chính cho hoạt động thâu tóm. Theo đó, ThaiBev đã vay khoảng 100 tỉ baht, tương đương 3,05 tỉ USD từ năm ngân hàng của Thái Lan. Phần còn lại, Beerco, công ty thành viên của ThaiBev vay 1,95 tỉ USD tại ngân hàng Mizuho và Standard Chartered chi nhánh Singapore trả cho chính phủ Việt Nam.
Nối tiếp làn sóng Thái Lan, giai đoạn 2017-2019, đến lượt làn sóng Hàn Quốc được thị trường nhắc tên. Hai năm gần đây, xét về quy mô giao dịch, SK Group là cái tên nổi bật đến từ xứ sở kim chi. Tập đoàn kinh doanh đa ngành thành lập năm 1939 đã rót lần lượt 1 tỉ USD và 470 triệu USD để sở hữu cổ phần của Vingroup và Masan Group.
Ngoài ra, SK Energy, nhánh kinh doanh năng lượng của SK Group hiện sở hữu 54 triệu cổ phần PVOIL, doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn thứ hai thị trường với 15% thị phần.
Hiện tại, SK Group là một trong 10 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc có ba công ty thành viên nằm trong danh sách Global 2000, gồm SK Hynix, công ty sản xuất bán dẫn và chíp máy tính (vị trí 269); SK Holdings, công ty cung cấp các dịch vụ công nghệ cao (549) và SK Telecom, nhà mạng viễn thông (615).
Thập niên 2000, SK Telecom từng hợp tác với SPT Telecom phát triển hệ thống mạng di động S-Fone tại Việt Nam nhưng dự án không mấy thành công. Ông Choi Dong Chul, đại diện Hàn Quốc tại Vietrade lý giải yếu tố dân số trẻ trung, sự phát triển kinh tế năng động kéo theo mức thu nhập trung bình trong xã hội ngày một tăng khiến thị trường Việt Nam hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Hàn Quốc.
“Khi thực hiện M&A ở một quốc gia khác, chiến lược của các nhà đầu tư Hàn Quốc là nhằm tận dụng tối đa năng lực sản xuất và sức mua của quốc gia đó gia tăng sức mạnh tích cực của họ tại đó,” ông nói.
So với khẩu vị ưa thích của dòng vốn Thái Lan trong lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng thì dòng vốn từ xứ sở kim chi lan tỏa đa dạng hơn. Một thương vụ quy mô lớn trong làn sóng đầu tư xứ Hàn ở lĩnh vực tài chính là ngân hàng KEB Hana rót 882 triệu USD trở thành cổ đông chiến lược của BIDV.
Chưa dừng lại, sau đó, thành viên của tập đoàn Hana Financial Group (420) rót 400 triệu USD mua cổ phần của Vingroup, tập đoàn dẫn dắt bởi tỉ phú Phạm Nhật Vượng.
TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH, một số thương vụ tiêu biểu khác đáng nhắc đến là việc năm 2017 ngân hàng Shinhan chi 240 triệu đô la Mỹ mua lại mảng bán lẻ của ngân hàng ANZ Việt Nam. Sau đó, Shinhan Card, thành viên của tập đoàn Shinhan Financial Group (268) cắm rễ sâu hơn vào các mảng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam khi mua công ty tài chính từ Prudential Việt Nam.
Trong lĩnh vực chứng khoán, được bơm nguồn vốn giá rẻ, hai năm qua các công ty chứng khoán xứ Hàn như Mirae Asset, Korea Investment & Securities, KB Securities… trở thành kẻ phá bĩnh, vươn lên giành giật thị phần môi giới với các công ty chứng khoán tốp đầu.
Trước khi nổi lên mạnh mẽ gần đây thực tế dòng vốn Hàn đã âm thầm lan tỏa tới nhiều ngõ ngách trong hoạt động mua lại doanh nghiệp Việt Nam. CJ là một trong những cái tên có thâm niên hoạt động tại Việt Nam với bề dày tương đương các ông lớn Samsung, LG, Hyundai.
Tập đoàn đa ngành có mặt tại Việt Nam từ trước khủng hoảng tài chính châu Á, hoạt động kinh doanh ban đầu ở mảng thức ăn chăn nuôi và logistics, thông qua M&A, CJ đã mở rộng các mảng kinh doanh mới như giải trí, thực phẩm.
Giai đoạn 2016 – 2017 đánh dấu bước mở rộng của tập đoàn này tại Việt Nam khi thành công trong việc mua lại Thực phẩm Cầu Tre, Thực phẩm Minh Đạt, Kim&Kim. Thương vụ M&A thành công nổi bật của là việc CJ mua lại cụm rạp Megastar năm 2011. Sau khi kiểm soát Megastar, hệ thống đổi tên thành CGV Cinema và mở rộng hệ thống từ 10 rạp thành 84 rạp phủ rộng trên toàn quốc.
RECOF, ĐƠN VỊ TƯ VẤN M&A cho các doanh nghiệp Nhật Bản, ghi nhận giai đoạn 2010-2020 có 217 giao dịch mua bán sáp nhập giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các doanh nghiệp Việt Nam được công bố công khai. Trong số này có 39% thuộc lĩnh vực dịch vụ, 36% thuộc sản xuất, 16% thuộc thương mại và 9% thuộc phân khúc tài chính.
Ông Masataka Sam Yoshida, giám đốc RECOF đánh giá trong số các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia hấp dẫn số một với các cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trong mục tiêu gia nhập thị trường hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Ông nhận xét giao dịch của các nhà đầu tư Nhật Bản chủ yếu đi theo định hướng chiến lược, hợp tác cùng nhau có lợi hơn là mục tiêu đầu tư tài chính.
Hợp tác Mitsui&Co và Minh Phú minh họa tiêu biểu cho nhận định này. Năm 2019, sau hai năm đàm phán, Mitsui&Co rót 130 triệu USD mua 35% cổ phần của Minh Phú. Trước đó tập đoàn thành lập năm 1876 phân phối sản phẩm của Minh Phú tại thị trường Nhật Bản trong nhiều năm.
“Việc tăng đầu tư vào Minh Phú nhằm hỗ trợ chiến lược tăng trưởng của Mitsui, mở rộng hoạt động và tăng doanh số ở thị trường quốc tế,” ông Kenichi Hori – giám đốc đại diện Mitsui&Co nói với Forbes Việt Nam thời điểm đó.
Trong khi “vua tôm” Lê Văn Quang, chủ tịch Minh Phú cho biết khoản đầu tư giúp công ty mở rộng sự hiện diện tại các thị trường mới, hiện đại hóa phương thức quản lý và nâng cao hiệu quả quản trị với sự trợ giúp của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.
Các thương vụ tương đồng gần đây có thể kể đến như việc năm 2018 tập đoàn Sojitz rót 35 triệu USD sở hữu 10% cổ phần của Pan Group, công ty kiểm soát các thương hiệu Bibica, Lafoco, Aquatex Bến Tre. Khi đó trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam, đại diện Sojitz lý giải tập đoàn sẽ chuyển giao công nghệ cho Pan Group và sử dụng mạng lưới toàn cầu phân phối các sản phẩm của đối tác Việt Nam.
Ở thị trường Việt Nam, Sojitz đầu tư kinh doanh trực tiếp từ năm 1993, ngoài ngành kinh doanh gỗ dăm, từ giữa những năm 2000, tập đoàn mở rộng vào lĩnh vực sản xuất bột mì, thức ăn chăn nuôi và phân phối thực phẩm. Năm 2017, tập đoàn này rót 95 triệu USD mua lại Giấy Sài Gòn, đối tác đã hợp tác với Sojitz trong nhiều năm liền.
Theo thống kê của RECOF, quy mô các thương vụ M&A của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam xét về giá trị giao dịch hiếm khi nằm trong top 3 ở khu vực Đông Nam Á. Lý giải, đơn vị này cho rằng quy mô của các công ty Việt Nam tương đối nhỏ.
Hai thương vụ mua cổ phần quy mô nổi bật được ghi nhận từ dòng vốn xứ hoa anh đào là Mizuho Bank rót 562 triệu USD vào Vietcombank năm 2011 và Bank of Tokyo Mitsubishi UFH đầu tư 736 triệu USD vào VietinBank năm 2012.
Thương vụ mua lại quy mô thuộc về tập đoàn Unicharm năm 2011, tập đoàn chi 184 triệu USD mua lại Diana, thương vụ mua lại được xem là thành công tiêu biểu của hoạt động M&A của Nhật Bản. Các liên kết chiều dọc khác có thể kể đến như AEON – Citimart và Fivimart, Daikin – Việt Kim.
Bà Tô Thị Thư, giám đốc điều hành RECOF Việt Nam nhận định người Nhật Bản nổi tiếng vì tính cách thận trọng nên cách tiếp cận trong hoạt động M&A cũng tương tự. Doanh nghiệp Nhật có khẩu vị mua tỉ lệ cổ phần vừa đủ để hợp tác chiến lược, đồng hành với đối tác Việt Nam cùng đưa công ty tăng trưởng.
Trái lại, các nhà đầu tư Hàn Quốc có phong cách đầu tư quyết liệt, chấp nhận sự cạnh tranh cao, sẵn sàng chạy đua về giá với mục tiêu kiểm soát công ty Việt Nam nhanh chóng. “Người Hàn giống như đi tìm bạn gái hotgirl còn người Nhật giống như đi tìm kiếm bạn đời,” giám đốc tư vấn của RECOF so sánh.
Khác biệt về văn hóa M&A giữa hai quốc gia Đông Á còn thể hiện ở giai đoạn hậu M&A. Các công ty Hàn Quốc sẵn sàng thay máu toàn bộ nhân sự cao cấp khi kiểm soát cổ phần chi phối. Ngược lại, người Nhật ưa thích giữ chân đội ngũ nhân sự điều hành người nội địa nhằm tận dụng sự hiểu biết tập quán kinh doanh và mối quan hệ ở thị trường nội địa.
Chẳng hạn, tập đoàn dược phẩm Nhật Bản Taisho chi 106 triệu đô la Mỹ kiểm soát 51% của Dược Hậu Giang, công ty dược phẩm nội địa dẫn dầu về doanh thu sản xuất. Sau ba năm kiểm soát hội đồng quản trị, đầu năm nay công ty Nhật Bản bổ nhiệm chức vụ CEO người Nhật nhưng vẫn giữ chân CEO cũ người Việt Nam ở cương vị tổng giám đốc điều hành.
Năm 2017, Dongwon System, thành viên của Dongwon Group, tập đoàn Hàn Quốc kinh doanh đa ngành rót 96 triệu USD mua kiểm soát Bao bì nhựa Tân Tiến và Bao bì Minh Việt, hai công ty sản xuất có các khách hàng lớn Vinamilk, Unilever, Acecook, Ajinomoto.
Tiếp quản công ty, các chủ mới Hàn Quốc đã gần như thay máu đội ngũ nhân sự cấp cao, phong cách thường thấy trong các thương vụ mua lại giữa doanh nghiệp Hàn Quốc – Việt Nam.
CÔNG TY VIỆT NAM Ở ĐÂU TRONG NHỮNG THƯƠNG VỤ Ở TRÊN? Trong nước chỉ vài cái tên như Masan Group, Vinamilk, REE thực hiện M&A theo chiến lược khác nhau. Trong các thương vụ đình đám Sabeco, Big C, Metro Cash &Carry… một số tên tuổi lớn của Việt Nam gia nhập cuộc đua nhưng chưa bao giờ là người đến đích cuối cùng.
Ông Đinh Quang Hoàn lý giải các công ty Việt Nam thất thế khi nguồn lực tài chính hạn chế. Các công ty tư nhân lớn của Việt Nam có chưa tới 20 năm tích tụ tư bản, chênh lệch về tiềm lực đáng kể so với các tập đoàn tư nhân từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan có lịch sử hàng trăm năm phát triển.
Lãi suất cho vay thương mại tại Việt Nam ở mức cao so với khu vực giảm đáng kể hiệu quả M&A khi các doanh nghiệp buộc phải sử dụng tỉ lệ đòn bẩy tài chính nhất định trong hoạt động M&A.
Ngược lại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan gần đạt trạng thái bão hòa hoặc tăng trưởng chậm chạp không còn nhiều cơ hội, cộng với chi phí vốn thấp khiến doanh nghiệp của họ sẵn sàng đẩy mạnh việc tìm kiếm các cơ hội mới ở thị trường Việt Nam.
Với các tập đoàn bên ngoài châu Á như thị trưỡng EU, Mỹ hiện tại doanh nghiệp Việt Nam có quy mô khiêm tốn nên chưa thu hút được sự quan tâm của họ. Bởi vậy, các thương vụ M&A bên mua bên ngoài châu Á như Modelez – Kinh Đô hay Abbott – Domesco chỉ đếm trên đầu ngón tay. Loại trừ thương vụ Unicharm – Diana, CJ – Megastar được nhìn nhận thành công sau khi đổi chủ, thị trường ít chứng kiến sự lột xác ngoạn mục của các công ty Việt Nam sau khi được mua lại.
Về tay TTC Holding, người tiêu dùng chỉ nhớ việc hệ thống Metro Cash & Carry đổi tên thành MM Mega Market. Sau bốn năm gia nhập Central Group, chuỗi Big C chưa phát triển mở rộng thêm các địa điểm mới. Trong khi đó hệ thống Nguyễn Kim từ ngôi vị số 1 bán lẻ các mặt hàng điện máy, điện lạnh đã để ngôi sao sáng Điện Máy Xanh vượt qua và hiện xếp sau cả hệ thống Điện Máy Chợ Lớn.
Central Group cũng phải đóng cửa trang thương mại điện tử Robin, tiền thân là Zalora mua lại từ tập đoàn Rocket. Sau năm năm kiểm soát Kinh Đô (bánh kẹo), Modelez chưa tạo ra các sản phẩm đột phá trong khi các ông chủ cũ chuẩn bị quay lại kinh doanh ngành hàng bánh Trung thu, sản phẩm lợi nhuận béo bở nhưng đòi hỏi am tường văn hóa Á Đông.
Nguồn dẫn: Tạp chí Forbes Việt Nam
Link bài gốc: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/danh-sach-thuong-vu-ma-ca-lon-theo-song-lon-13258.html