“Ngày xưa, chúng ta đã từng có những doanh nhân dân tộc. Ngày nay, đội ngũ doanh nhân chúng tôi đều mong muốn cống hiến hết mình”, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T trải lòng.
Tâm tư của Bầu Hiển
Rất đông nhà đầu tư đã đến dự Đại hội đồng cổ đông năm 2020 của Công ty Chứng khoán SHS. Lý do là ông Hiển sẽ có mặt và như mọi năm, sẽ không né tránh bất cứ điều gì mà nhà đầu tư đặt ra.
Như thường lệ, ông Hiển có mặt tại Đại hội từ rất sớm, trong bộ vest đen, áo sơ mi vàng quen thuộc. Nhưng năm nay, phần thảo luận khá êm ả. Việc chèo lái ứng phó với Covid-19, với môi trường kinh doanh nhiều thay đổi của dàn lãnh đạo SHS làm an lòng cổ đông.
Trải lòng, ông Hiển nói: “Virus Corona gây ra thử thách rất lớn, nhưng cũng giúp các nhà quản lý doanh nghiệp nhìn ra mình thiếu gì, cần gì và phải thay đổi điều gì. Vừa rồi, tôi có thời gian đánh giá lại các chiến lược, lĩnh vực, hệ thống quản trị và thấy đây là thời điểm cần cấu trúc lại hệ thống, xoay chuyển theo hướng tập trung cho công nghệ, đón nhận tiềm năng sức bật mới”.
Với các cổ đông của SHS, điều ông Hiển nói không lạ. Là một cổ đông sáng lập của SHS, ông đã từng cam kết sẽ gắn bó với SHS bởi không hẳn chỉ vì lợi nhuận, mà vì danh dự và uy tín, là trách nhiệm với người lao động trong doanh nghiệp, với các cổ đông khác và xã hội.
Thời điểm đó, SHS vừa gượng dậy khỏi cơn bạo bệnh, với khoản lỗ lũy kế vài trăm tỷ đồng, vị thế nhàng nhàng trong khoảng 30 công ty chứng khoán trên thị trường. Nhiều lần ông tâm sự, tiếc và xót ruột, bởi SHS đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, để rồi kết quả lợi nhuận cả năm chỉ đạt hơn chục tỷ đồng. “Trong đó có một phần lỗi của tôi, đó là chưa sát sao với doanh nghiệp”, ông thẳng thắn.
Nhưng đó là quá khứ đã rất xa.
Hơn 5 năm trước, SHS lội ngược dòng, đẩy lợi nhuận gấp 25 lần năm trước, xóa lỗ lũy kế và lọt vào top các công ty chứng khoán hiệu quả nhất trên thị trường. Nhân viên dưới quyền của ông vẫn nhớ ông yêu cầu làm việc rất kỹ. Xây dựng và bảo vệ kế hoạch kinh doanh ở lĩnh vực nào, dù là đầu tư, môi giới hay tư vấn, đều phải tính toán cụ thể, đầu việc cụ thể, phải tính ra được doanh thu, lợi nhuận dự kiến chứ không chấp nhận “bốc thuốc”.
Nhớ lại thời điểm đó, ông nói: “Tôi có quan điểm rõ ràng, đã chơi thì phải vô địch, không chơi để trụ hạng. Nhìn sang các công ty chứng khoán lớn, họ đầu tư phát triển như thế mình mừng cho họ, nhưng phải nhìn lại mình, có kém gì đâu mà Công ty lại kém. Nguyên nhân chỉ có thể là do tôi và Ban điều hành, bởi vậy chúng tôi phải thay đổi”.
Kết quả, khi đầu não thay đổi, SHS liên tục tăng trưởng từ năm 2014 đến nay và lọt vào top 10 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường. Trên sàn, cổ phiếu SHS được nhà đầu tư quan tâm.
Ông Hiển không chỉ làm điều này ở SHS mà ở cả Tập đoàn. Ở đây, không có chuyện nể nang, trong công việc, nếu nhắc đến lần thứ ba mà nhân sự không hoàn thành nhiệm vụ thì miễn nhiệm. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp có vốn của T&T “thay da đổi thịt”, như Tổng công ty Rau quả – Nông sản – Công ty cổ phần (Vegetexco), Tông công ty Lâm nghiệp Việt Nam – Công ty cổ phần (Vinafor)…
Doanh nhân không còn làm cho mình
Gặp ông Hiển ở văn phòng sau một buổi chiều làm việc hiếm hoi được nghỉ sớm, bảo vui khi thấy ông vẫn khỏe, còn ông cười rất thoải mái nói “nhờ trời thương”.
Quả thật, sẽ rất khó nếu không tìm thấy niềm vui trong công việc, khi làm không nghỉ 12-14 giờ mỗi ngày mà những doanh nhân “không còn làm cho mình” như ông Hiển đang làm.
“Doanh nghiệp khi đầu tư đều tính lợi ích. Nhưng với các tập đoàn lớn, ngoài mục tiêu đó, là tâm huyết, là mong muốn cống hiến trong những lĩnh vực mà đất nước đang cần, người dân đang cần. Chúng tôi cũng muốn đưa doanh nghiệp mình vươn tầm, cạnh tranh được với các tập đoàn lớn của thế giới. Chúng tôi đều có lòng tự tôn dân tộc”, ông Hiển nói khi thêm lần nữa khẳng định, giờ không chỉ nghĩ đến làm giàu cho bản thân, mà mong muốn làm giàu cho mọi người, cho đất nước.
Việc trăn trở với doanh nghiệp sau cổ phần hóa cũng từ lý do này.
Hiện tại, Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy cổ phần hóa những doanh nghiệp trong lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Giới kinh doanh, đầu tư đang phấn khích vì nhìn thấy cơ hội lớn. Song, ông lo ngại vì có tình trạng cổ phần hóa xong, nhiều cơ quan quản lý nhà nước quan niệm doanh nghiệp đã thuộc về tư nhân nên “buông tay”.
“Chúng ta cần quan tâm đến doanh nghiệp cả trước, trong và sau cổ phần hóa. Bởi doanh nghiệp nào cũng là những thực thể của nền kinh tế, là nơi tạo ra, đóng góp cho nguồn thu ngân sách. Ở đây, tôi không đề cập đến tiền, các doanh nghiệp tư nhân có thể huy động được. Cái họ cần là cơ chế chính sách. Nên ở những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, thì nên cổ phần hóa 100%, nếu doanh nghiệp còn 51% và 35% vốn nhà nước thì rất khó đổi mới”, ông nêu quan điểm.
Bên cạnh cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa, ông Hiển mong rằng, nếu Nhà nước đã thoái 49% hay 30% vốn tại doanh nghiệp, thì phải đẩy nhanh tiến độ, thoái hết phần vốn nhà nước. “Khi đó mới thực sự kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia, thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia”, ông Hiển giải thích.
Lúc này, người đứng đầu Tập đoàn T&T đang ấp ủ triển khai nhiều dự án, nhưng có chung slogan “Tinh hoa thế giới với văn hóa Việt Nam”.
Ông muốn góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước, để vừa góp phần thu hút du khách nước ngoài tới Việt Nam, nhưng cũng để lan tỏa văn hóa, tinh thần của người Việt. Đơn cử, Dự án Tái hiện truyện Kiều của cụ Nguyễn Du ở Hà Tĩnh, Dự án Tái hiện văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa…, hay chương trình phát huy thế mạnh của các mặt hàng đặc sản vùng miền, mà trước đây do không có nguồn lực, công nghệ để thực hiện bài bản, nên không tạo được thương hiệu, không tạo giá trị gia tăng…
Đặc biệt, ông đang nhắc đến giấc mơ thăng hạng, vô địch sau khi rau quả xuất khẩu lập kỳ tích, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 40 triệu USD, vượt dầu thô… Và còn nhiều ý tưởng, dự án lớn đang đợi ông chinh phục.
“Dám mơ lớn, chúng ta sẽ dám làm lớn”, ông Hiển không ngần ngại tiết lộ bí quyết lớn lên của mình.
Trò chuyện với doanh nhân Đỗ Quang Hiển:
Covid-19 làm doanh nghiệp tư nhân Việt Nam yếu đi nhiều, thưa ông?
Cú sốc vừa rồi là dịp để các nhà quản lý doanh nghiệp lớn, các doanh nhân có thời gian nhìn lại mình, suy ngẫm về quá khứ, hiện tại và có định hướng cho tương lai.
Sự ổn định của nền kinh tế, đất nước, khả năng chống chịu và chiến thắng dịch bệnh cho thấy, Việt Nam có thể trở thành ngôi sao sáng trong kinh tế khu vực và thế giới. Đây cũng là nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam sớm tìm lại sự năng động.
Chính phủ đang hậu thuẫn sự chuyển dịch này, cùng các tập đoàn kinh tế lớn đưa ra định hướng chiến lược, giải pháp và kế hoạch hành động để hiện thực hóa.
Ông có nhắc đến việc đây là thời điểm thực hiện mạnh mẽ việc tái cơ cấu doanh nghiệp?
Chúng tôi nhìn nhận, trong thực hiện các chiến lược phát triển thời gian qua, có cái phù hợp và chưa phù hợp, nhưng cả cỗ máy vẫn chạy vì chưa có thời gian tĩnh lại để đánh giá. Lúc này, chúng tôi tập trung đánh giá lại các lĩnh vực, chiến lược hoạt động, từ đó xem xét, điều chỉnh các nền tảng trong quản trị, cấu trúc công nghệ, hệ thống vận hành…
Tập đoàn sẽ quan tâm hơn nữa đến chuyện hiện đại hoá công nghệ, đặc biệt là công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… để đón nhận tiềm năng, có thêm sức bật mới, đáp ứng được tốc độ, chiến lược phát triển mới.
Nói về công nghệ, gần một năm qua, cái bắt tay giữa T&T và Amazon đã bước đầu “đơm hoa, kết trái”?
Trước khi có dịch, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu, khi xảy ra dịch bệnh, thương mại điện tử càng quan trọng cho sự phát triển. T&T, SHB hợp tác với Amazon đào tạo cá nhân, doanh nghiệp chào bán hàng hóa trên chợ thương mại điện tử lớn nhất thế giới này, sử dụng qua hệ thống thanh toán ngân hàng…
Rất vui là gần 1 năm qua, nhiều doanh nghiệp, nhiều hộ cá thể đã đưa được sản phẩm của họ lên chợ Amazon và chi phí giảm thiểu rất nhiều. Khi họ xuất khẩu, sản phẩm có đầu ra, được đào tạo các nghiệp vụ giao dịch, họ trưởng thành và phát triển sản xuất, kinh doanh tốt hơn, xây dựng thương hiệu.
Phải nói là rất nhiều lợi ích và chúng tôi vui vì giúp được nhiều người. Đó là một thương vụ đầu tư win-win cho các bên.
Nhiều “sếu đầu đàn” đang chuyển hướng, như Vingroup đầu tư xe hơi, Trường Hải đầu tư bất động sản… T&T có dịch chuyển không? Có vẻ như câu nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” không còn phù hợp?
Các doanh nghiệp Việt Nam, các tập đoàn lớn phải tính đến sự phát triển, nhưng họ đều có tâm huyết cống hiến ở những lĩnh vực mà đất nước đang cần, người dân đang cần và có khát vọng trở thành các tập đoàn quy mô khu vực và thế giới. Sự chuyển dịch cũng là nhằm phục vụ cho khát vọng ấy.
Ngày xưa, chúng ta đã có những doanh nhân dân tộc, đội ngũ doanh nhân ngày nay như chúng tôi đều rất mong muốn cống hiến, làm giàu cho đất nước.
Nguồn dẫn: Phong Lan/ Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/doanh-nhan-do-quang-hien-chu-tich-tap-doan-tt-chung-toi-deu-co-long-tu-ton-dan-toc-d131121.html