Loài vượn lớn nhất Trái Đất đã bị tuyệt chủng từ 100.000 năm trước đây bởi biến đổi khí hậu có thể đã khiến cho nguồn dinh dưỡng của chúng không còn đủ dồi dào để đáp ứng nhu cầu, theo các nhà khoa học. Nếu như King Kong chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng thì trên hành tinh của chúng ta thật sự từng có sự tồn tại của một loài linh trưởng khổng lồ xứng với cái tên “King Kong” ấy, đó chính là Gigantopithecus với cân nặng gấp 5 lần một người đàn ông trưởng thành và có chiều cao vào khoảng 3 mét.
Vào thời kỳ hoàng kim của Gigantopithecus cách đây khoảng 1 triệu năm, chúng sinh sống chủ yếu ở các khu rừng bán nhiệt đới tại miền nam Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á ngày nay, trong đó có cả Việt Nam. Cho đến hiện tại, hầu như không có bất kỳ thông tin nào về hình dáng hoặc tập tính của loài vật này được xác định một cách cụ thể. Những vết tích hóa thạch thu thập được từ trước đến nay có thể kể đến như 4 phần xương hàm dưới và khoảng 1.000 chiếc răng, trong đó, chiếc đầu tiên dường như đã được phát hiện vào những năm 1930 tại Hồng Kông, nơi nó được bán với danh nghĩa “răng rồng”.
Với lượng thông tin ít ỏi như vậy, “rõ ràng vẫn chưa đủ để biết được con vật này đi bằng 2 chân hay 4 chân, cũng như tỷ lệ cơ thể của nó”, theo ông Herve Bocherens, một nhà nghiên cứu tại Đại học Tubingen (Đức). Người bà con hiện đại gần nhất với Gigantopithecus chính là đười ươi, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ để xác định màu lông của “King Kong”. Một trong những bí ẩn khác của loài linh trưởng khổng lồ này chính là chế độ ăn uống. Chúng là loài ăn chay hay ăn thịt?
Trả lời được câu hỏi này có thể cung cấp manh mối quan trọng cho các nhà khoa học trong việc đi tìm nguyên nhân chính xác dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng. Trước vấn đề này, những chiếc răng hóa thạch tìm kiếm được cũng cho chúng ta biết vài thứ. Kiểm tra thay đổi nhỏ trong đồng vị carbon tìm thấy trong men răng, Bocherens và một đội ngũ các nhà khoa học đã cho thấy loài linh trưởng lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất chỉ sống trong rừng và ăn chay. Với những tập tính này, Gigantopithecus gần như không gặp bất kỳ vấn đề nào nghiêm trọng cho đến khi Trái Đất trải qua thời kỳ băng hà Pleistocen kéo dài từ khoảng 2,6 triệu đến 12.000 năm trước đây, làm cho mọi thứ trở nên đảo lộn.
“Do kích thước to lớn, Gigantopithecus có lẽ phải phụ thuộc vào một lượng lớn thực phẩm”, Bocherens nói. “Trong thời kỳ Pleistocen, ngày càng có nhiều rừng bị biến đổi thành thảm thực vật xa van, khiến cho nguồn cấp lương thực trở nên thiếu thốn”. Tuy nhiên, qua phân tích hóa thạch răng còn sót lại, các nhà nghiên cứu cho rằng một số loài linh trưởng khác và người nguyên thủy ở châu Phi đã có thể sống sót trong giai đoạn tương tự nhờ ăn lá, cỏ và rễ cây có sẵn trong môi trường mới.
Nhưng với kích thước to lớn, loài vượn ở châu Á có thể đã quá nặng nề để leo cây hoặc đánh đu qua các nhánh, và do đó, chúng không thể thích nghi với sự biến đổi. “Gigantopithecus có lẽ đã không có sự linh hoạt sinh học đồng thời thiếu khả năng sinh lý để chống lại stress và tình trạng thiếu hụt thức ăn”, các nhà nghiên cứu cho biết. Chung quy lại, sự biến mất của Gigantopithecus có phải do biến đổi khí hậu hay không có thể sẽ vẫn là một bí ẩn không có lời đáp. Biến đổi khí hậu cách đây vài trăm ngàn năm cũng có khả năng đã chịu trách nhiệm cho sự tuyệt chủng của nhiều loài động vật lớn khác ở lục địa châu Á.