Đại dịch tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của hầu hết các lĩnh vực đồng thời thúc đẩy những xu hướng mới cho nền kinh tế không tiếp xúc, như thanh toán điện tử, thương mại điện tử, ngân hàng số…
Trong phiên thảo luận 2 tại Diễn đàn Kinh doanh 2020 chiều 15.10 với chủ đề “Thúc đẩy nền kinh tế không tiếp xúc”, các diễn giả chia sẻ câu chuyện kinh doanh của họ trong giai đoạn đại dịch.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch ví điện tử MoMo, trong giai đoạn dịch bệnh, MoMo ghi nhận tăng trưởng tốt ngoài dự kiến. Tháng 9 này ứng dụng của họ có 20 triệu tài khoản người dùng, gấp đôi con số 10 triệu của năm 2019. Đại dịch giúp họ có thêm 10 triệu khách hàng chỉ trong thời gian ngắn, lượng người dùng mà trước đó mất 9 năm để có được.
Cũng theo ông Diệp, không chỉ khách hàng, mà các đối tác trước đây không dành sự ưu tiên trong chiến lược phát triển cho việc thanh toán và kinh doanh trực tuyến cũng thay đổi. “Trước đây chúng tôi rất khó để thuyết phục họ thì nay họ lại tìm chúng tôi,” ông Diệp nói.
Giám đốc tài chính Tiki, Richard Triều Phạm cho biết trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua họ không ngừng mở rộng các dịch vụ. Theo ông dù thương mại điện tử phát triển nhanh hơn trong giai đoạn Covid-19 nhưng vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ của thị trường bán lẻ.
Trong khi đó thị trường bán lẻ ghi nhận sự sụt giảm mạnh kể từ đầu năm. “Nếu 9 năm đầu tiên chúng tôi tăng trưởng ba con số thì năm nay chỉ có thể ở mức hai con số, dù nhìn trung và dài hạn thì triển vọng ngành vẫn lạc quan,” ông Richard nói.
Xu hướng kinh tế không tiếp xúc chuyển động rõ nét trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Theo quan sát của ông Nguyễn An Nguyên, người sáng lập nền tảng chấm điểm tín dụng Trusting Social.
Khác với Tiki hay MoMo, khách hàng chính của Trusting Social là các ngân hàng, công ty tài chính. Việc của họ là cung cấp dịch vụ tài chính bao gồm đánh giá rủi ro tín dụng, định danh khách hàng điện tử, tài chính nhúng vào các dịch vụ phi tài chính… Khi Covid-19 xảy ra, các khoản cho vay mới tại ba thị trường họ hoạt động giảm khoảng 30%, riêng Việt Nam giảm hơn 90%.
“Ngay lập tức chúng tôi đẩy mạnh nhóm sản phẩm ngân hàng số. Thông qua nền tảng hạ tầng đã chuẩn bị từ trước, Trusting Social đẩy mạnh sản phẩm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi của họ,” ông Nguyên chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyên, từ cuối năm 2019, Trusting Social đã tiếp xúc với các ngân hàng thúc đẩy việc định danh điện tử và chữ ký số, đẩy nhanh đầu tư giúp ngân hàng đẩy nhanh chuyển đổi số. Khi Covid-19 xảy ra, nhu cầu chuyển đổi số đột nhiên trở thành sống còn, các sản phẩm được hiện thực hóa nhanh chón.
“Trước đây mất đến 6 năm chúng tôi mới hợp tác được khoảng 50% ngân hàng bán lẻ và công ty tài chính nhưng chỉ trong vài tháng nay chúng tôi đã có thêm sự hợp tác của 50% khách hàng,” ông Nguyên nói
Đại diện Tiki cho biết khi nhìn thấy khó khăn của người bán do đại dịch hạn chế các hoạt động kinh doanh trực tiếp, việc trước tin là nỗ lực hỗ trợ họ lưu kho, giữ hàng. Bước tiếp theo là nhanh chóng mở rộng thêm sản phẩm dịch vụ mới. Họ bắt đầu bán sản phẩm tươi sống, mặt hàng quan trọng có nhu cầu cao trong giai đoạn giãn cách, làm việc với các nhà bán, thậm chí cơ sở sản xuất để tăng số lượng sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, khi các sự kiện triển lãm bị đóng cửa, HAWA nhanh chóng chuyển sự kiện lên trực tuyến và đặt ra đề bài số hóa triển lãm. Đến tháng 7 nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE ra đời sau gần 6 tháng dịch bệnh, hiện thu hút hơn 80 showroom định dạng thực tế ảo, nhiều đơn vị qua đó đã bán được hàng mà “không tiếp xúc”.
Ngành gỗ nội thất trong nước không chỉ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 mà còn từ thị trường bất động sản khó khăn, tuy nhiên thị trường xuất khẩu vẫn ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, theo ông Phương.
Hầu hết các diễn giả cũng cho rằng cơ hội với thách thức là đều nhau trong đại dịch, xét về tác động của công nghệ. Theo ông Phương, công nghệ cho nhiều khả năng nhưng cũng lấy nhiều nguồn lực thời gian, việc quản trị từng bước đầu quan trọng. Nền kinh tế không tiếp xúc tạo ra cơ hội “tiếp xúc” có chi phí thấp hơn, có thể hiểu khách hàng rộng hơn, rõ hơn, biến đó thành những dự án cụ thể để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Trong lĩnh vực tài chính, theo ông Nguyên, thách thức rất lớn khi cấu trúc thị trường thay đổi hoàn toàn, do vậy họ tập trung xây dựng mạng lưới từ cơ sở hạ tầng. Trong khi thanh toán tại Việt Nam vẫn đang phân mảnh và thiếu các sản phẩm tài chính nhúng, Trusting Social đang kết nối nhưng cơ sở hạ tầng không thể đủ để nối hàng triệu doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng khác nhau.
Với nền tảng thanh toán hướng tới siêu ứng dụng, MoMo nhìn nhận Covid-19 và những tác động của nó mang lại lợi ích nhiều hơn nguy cơ. Ngày nay, khách hàng không chỉ muốn thanh toán mà cần hệ sinh thái đủ lớn, chi tiết với trải nghiệm nhanh hơn thì có nhiều lợi thế nhiều hơn, theo đó MoMo tập trung thúc đẩy hệ sinh thái của mình.
Thời gian qua MoMo làm việc với các đơn vị chấp nhận thanh toán nhỏ và siêu nhỏ, nhiều công ty không biết khách hàng là ai, chỉ cần thanh toán, nên khi dịch xảy ra không biết xoay xở từ đâu. “Chúng tôi ấp ủ giải pháp giúp cho việc chuyển đổi số dễ dàng hơn để họ tìm khách hàng, chăm sóc khách hàng tốt hơn,” đại diện ví MoMo chia sẻ.
Đại diện Tiki cũng nhìn nhận trong thương mại điện tử, cạnh tranh dịch vụ đã giúp cho nhiều người tiêu dùng tiếp cận những công nghệ mới. Việc của Tiki là tạo ra giá trị tối đa cho người mua và người bán. Theo ông Richard Triều Phạm, Tiki có một danh sách những nhà đầu tư tiềm năng, những tổ chức có niềm tin và quan tâm đến cách họ đang tạo ra giá trị.
“Trong ngắn và trung hạn, mục tiêu là làm sao triển khai và đạt được tham vọng xây dựng hệ sinh thái số từ đầu đến cuối,” đại điện Tiki nói.
Nguồn dẫn: Tạp chí Forbes Việt Nam
Link bài gốc: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/covid19-nhanh-chong-hien-thuc-hoa-nen-kinh-te-khong-tiep-xuc-13453.html