Được phê duyệt từ năm 2008, nhưng Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo vẫn chưa thể bắt tay thi công trên thực địa.
Ít chuyển động
Có rất ít chuyển động trên thực địa tại Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (Dự án metro số 2) nếu chiểu theo báo cáo mới nhất về tình hình triển khai Dự án vừa được UBND TP. Hà Nội gửi Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) để tổng hợp gửi Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Cụ thể, tính đến tháng 9/2020, công việc trên thực địa duy nhất được tiến hành tại Dự án metro số 2 mới chỉ là việc giải phóng mặt bằng tại 3 khu vực. Tại khu vực Depot của Dự án có tổng diện tích thu hồi là 17,58 ha, UBND TP. Hà Nội cho biết, chủ dự án đã giải phóng mặt bằng được 100% diện tích đất nông nghiệp, đất cơ quan, đất quốc phòng; phần đất ở đang thực hiện các thủ tục kiểm đếm, lập dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Đối với phần tuyến và ga trên cao dài khoảng 2,6 km, chủ đầu tư công trình là Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã giải phóng mặt bằng được khoảng 82% diện tích. Đối với phần diện tích ga ngầm (7 ga), chủ dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng được khoảng 79% diện tích.
Liên quan đến công tác thiết kế và tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 6 gói thầu chính của Dự án, UBND TP. Hà Nội xác nhận, chủ đầu tư mới chỉ hoàn thành Báo cáo rà soát bổ cập thiết kế cơ sở, dự án điều chỉnh, hồ sơ mời thầu các gói thầu. Các gói thầu còn lại đã hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn danh sách ngắn trong giai đoạn 2013-2015.
“Về cơ bản, chủ đầu tư mới chỉ triển khai được một số gói thầu tư vấn và giải phóng mặt bằng sử dụng nguồn vốn đối ứng”, Báo cáo số 4873/UBND- ĐT do ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký nêu rõ.
Việc chưa triển khai các gói thầu xây lắp đã khiến khối lượng giải ngân tại Dự án metro số 2 là không đáng kể. Tính từ khi Dự án metro số 2 được phê duyệt vào năm 2008 đến nay, mới chỉ có 955,853 tỷ đồng được giải ngân, gồm 336,399 tỷ đồng vốn đối ứng và 619,454 tỷ đồng vốn vay ODA, trong đó chi phí dịch vụ tư vấn chung là 592,141 tỷ đồng, lãi phí 27,313 tỷ đồng.
Điều đáng nói, những số liệu cơ bản phản ánh “sự vận động” của Dự án metro số 2 không có nhiều khác biệt so với thông tin được nêu trong Công văn số 4732/UBND- KTĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 10/2019 để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình triển khai Dự án.
Đây là một kết quả rất thất vọng, bởi công trình đường sắt đô thị có chiều dài 11,5 km, trong đó phần lớn đi ngầm qua 6 quận là Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng được UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án từ năm 2008, với sự sẵn sàng hỗ trợ vốn từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Đội vốn
Không chỉ chậm trễ trong việc triển khai thi công trên thực địa, nhiều công tác nội nghiệp, trong đó có việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vẫn chưa được UBND TP. Hà Nội xử lý dứt điểm.
Được biết, ngay từ đầu năm 2012, UBND TP. Hà Nội đã khiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Dự án. Vào năm 2018, Hà Nội đưa ra tổng mức đầu tư mới là 35.678 tỷ đồng, thay vì 19.555 tỷ đồng được phê duyệt hồi năm 2008.
Ngoài việc bị đội vốn cho yếu tố trượt giá, có khá nhiều lý do được chủ dự án đưa ra cho việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, trong đó đáng kể nhất là thay đổi liên quan đến thiết kế cơ sở.
Cụ thể, UBND TP. Hà Nội muốn thay đổi về tốc độ chạy tàu thiết kế từ 110 km/h thành 120 km/h; thay đổi tải trọng trục từ 14 tấn/trục lên 16 tấn/trục để đảm bảo an toàn kết cấu của công trình và phù hợp với sự thay đổi về công nghệ thực tế hiện nay; thay đổi thiết kế ga ngầm từ ga 2 tầng sang ga 3 tầng để cung cấp không gian lắp đặt cho các hệ thống thiết bị nhà ga, hạn chế diện tích đào hở, phù hợp với điều kiện trong đô thị Hà Nội chật hẹp; bổ sung các công trình phụ trợ nhà ga (tháp thông gió, làm mát do thiết kế cơ sở năm 2008 còn thiếu).
Đối với tổng mức đầu tư Dự án đã được phê duyệt năm 2008 là 19.555 tỷ đồng, gồm vốn đối ứng 3.079 tỷ đồng, vốn vay ODA Nhật Bản 16.485 tỷ đồng, UBND TP. Hà Nội đề xuất áp dụng cơ chế tài chính chung đối với các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam, trong đó ngân sách trung ương cấp phát phần vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt được quy định theo Luật Đường sắt Việt Nam năm 2005 và chi khác (tư vấn…); TP. Hà Nội vay lại để chi cho các hạng mục liên quan đến việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải. Phần vốn vay ODA tăng thêm sau khi điều chỉnh (14.087 tỷ đồng), UBND TP. Hà Nội thực hiện vay lại toàn bộ phần vốn vay ODA tăng thêm của Dự án.
Do phải tiến hành việc điều chỉnh Dự án, nên dự kiến thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến metro số 2 cũng được lùi đến tận năm 2027, thay vì năm 2015.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, tháng 5/2020, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xin phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và đã nhận được ý kiến trả lời của cả hai bộ. “Hiện UBND TP. Hà Nội đang tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh Dự án, tạo tiền đề để triển khai các bước tiếp theo”, lãnh đạo TP. Hà Nội thông tin.
Quy mô ban đầu của Dự án metro số 2 Hà NộiXây dựng tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 11,5 km (trong đó đoạn đi ngầm dài 8,9 km; đoạn đi trên cao dài 2,6 km).
Công trình bao gồm 10 ga với 3 ga trên cao và 7 ga ngầm.
Cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ như đầu máy toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động…
Nguồn dẫn: Anh MInh/ Báo Đầu tư
Link bài gốc: https://baodautu.vn/du-an-tuyen-metro-so-2-ha-noi-dung-hinh-doi-von-d131458.html